Thứ Ba, 24/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Ba, 29/5/2012 16:8'(GMT+7)

Nông dân Khmer Trà Vinh áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất

Nông dân ở tổ sản xuất lúa giống ấp 3, xã Phong Phú kiểm tra chất lượng lúa giống

Nông dân ở tổ sản xuất lúa giống ấp 3, xã Phong Phú kiểm tra chất lượng lúa giống

 

Cuối vụ lúa đông xuân vừa qua, chúng tôi được một chủ doanh nghiệp sản xuất lúa giống mời đi dự buổi bình chọn giống lúa tại mô hình trình diễn lúa giống ở ấp Kinh Xáng, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè. Tôi rất bất ngờ khi những người được mời tham gia trực tiếp bình chọn giống có hơn 80% là nông dân Khmer. Ruộng trình diễn có năm loại giống. Những nông dân tham gia bình chọn giống được phát phiếu và yêu cầu đánh dấu vào các cột: xếp loại tốt, trung bình, kém với các tiêu chí: đẻ nhánh, cứng cây, số hạt trên bông, số hạt chắc trên bông... Trong khoảng một giờ tham quan ruộng lúa trình diễn, họ chăm chú ngắm nhìn, cùng nhau trao đổi, vuốt ve từng gié lúa, đếm số cây, số hạt trên bông... và cho biết chỉ cần nhìn bông lúa một lần là phân biệt được giống nào rồi. Nói vậy, để biết rằng nông dân Khmer Trà Vinh giờ đây rất am hiểu và đam mê tiếp thu, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Chúng tôi đến tổ sản xuất lúa giống ở ấp 3 xã Phong Phú, huyện Cầu Kè. Tổ trưởng Trần Quốc Vân cho biết: Tổ sản xuất lúa giống được thành lập từ tháng 7-2009 với tên gọi ban đầu là Nhóm cộng đồng. Nhóm cùng mục tiêu chuyên sản xuất lúa chất lượng cao, có 38 hộ tổ viên, với diện tích đất sản xuất là 35,2 ha, trong đó có 24 người là dân tộc Khmer. Sau vụ lúa hè thu 2009, nhóm cộng đồng được đổi tên thành tổ hợp tác. Tổ này chuyên sản xuất lúa chất lượng cao và được các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ký hợp đồng bao tiêu, cho nên luôn bán được giá cao hơn thị trường từ 500 đến 700 đồng/kg. Các tổ viên luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật cho nên thường được các nơi hợp đồng sản xuất lúa giống. Ðáng chú ý, hai phần ba tổ viên là người Khmer. Tôi hỏi họ có khó không trong việc nhận thức đi đến tiếp thu khoa học - kỹ thuật giống mới? Anh Thạch Bine nói: Tôi 55 tuổi rồi, hồi nhỏ theo cha ra đồng làm ruộng, rồi có vợ ra ở riêng, cũng theo nghề làm ruộng mà sống. Trước đây, vùng này chưa có thủy lợi, mỗi năm chỉ làm ruộng được một vụ, cấy lúa mùa; cấy rồi cũng giao cho trời, năm nào mưa thuận gió hòa thì có ăn, năm nào hạn hán bất thường thì đói, hồi đó ít có sâu rầy. Sau này có thủy lợi, làm lúa ngắn ngày từ hai đến ba vụ một năm, không còn thiếu nước, nhưng sâu bệnh nhiều lắm, thấy người ta xịt thuốc gì thì mình làm theo, cũng có vụ không có gặt. Anh Thạch Kia chen vào, chúng tôi ít học, học lỏm thì có biết gì đâu. Nhờ vào tổ hợp tác, trước mỗi vụ lúa đều được cán bộ kỹ thuật tập huấn. Họ dẫn chúng tôi ra đồng chỉ cho chúng tôi lúa thế nào là thiếu phân, rầy tuổi mấy, mật độ cỡ nào là phải xịt thuốc, xịt thuốc gì, dấu nào là bệnh đạo ôn, cháy lá... Học rồi, làm hết vụ lại quên, phải học nhiều lần mới nhớ hết. Bây giờ tôi chỉ nhìn một dấu nhỏ là biết bệnh đạo ôn ngay, chứ không phải như trước đây ruộng lúa bị đạo ôn cháy lụn hết rồi mà chưa biết do nguyên nhân gì. Thạch Kụ nói: Bây giờ, sâu bệnh nhiều lắm, làm ruộng không theo kỹ thuật không có ăn đâu. Hồi trước, xem chương trình khuyến nông trên truyền hình lại quên không làm được. Sau đó, nhờ cán bộ hướng dẫn tại ruộng mới biết làm và vụ nào cũng trúng, bây giờ chúng tôi đều làm theo hướng dẫn của các kỹ sư.

Cách đây ba năm, một nhóm khoảng 15 hộ dân Khmer ở xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè được các thầy giáo ở khoa trồng trọt (Trường đại học Trà Vinh) về tập huấn kỹ thuật trồng rau màu theo một chương trình khuyến nông ngắn hạn. Khi hết chương trình tập huấn, những nông dân ở đây thấy được hiệu quả của việc áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Nhưng vì tập huấn ngắn hạn, họ chưa nắm vững kiến thức, sau lớp học họ tiếp tục bỏ tiền ra thuê kỹ sư về hướng dẫn trực tiếp thêm hai vụ nữa. Ðiều đó cho thấy, người nông dân Khmer bây giờ đã rất chú trọng đến việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ cuối năm 2009, mô hình sản xuất dừa sáp tại xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè đã xây dựng tiêu chuẩn sản xuất theo hướng Viet GAP, trong đó có hơn 90% là nông dân Khmer tham gia vào mô hình. Ðến nay, xã Hòa Tân hiện có hơn 17 nghìn cây dừa sáp, trong này có khoảng hai nghìn cây đang cho trái, với sản lượng thu hoạch 300 nghìn trái/năm, chỉ tính tỷ lệ trái sáp 10%. Với giá bán hiện nay từ 150 đến 180 nghìn đồng/trái, nông dân xã Hòa Tân thu khoảng 5 tỷ đồng/năm. Nhờ làm tốt công tác chuyển giao khoa học-kỹ thuật, người nông dân Khmer từng bước áp dụng mang lại hiệu quả vào sản xuất. Vì thế, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.

Chúng tôi đến với cánh đồng mẫu lớn xã Tân Sơn, huyện Trà Cú, ở đây có hơn 60% đồng bào Khmer tham gia mô hình. Vụ đông xuân  vừa qua trúng mùa bội thu. Chủ tịch UBND xã Huỳnh Văn Cảnh nói: Nông dân bây giờ không kể đồng bào Kinh, mà cả đồng bào Khmer đều áp dụng thông thạo tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Vụ đông xuân vừa rồi trên cánh đồng mẫu có đến 185 ha được Công ty TNHH một thành viên Tập Sơn hợp đồng bao tiêu sản xuất lúa giống, hơn nửa diện tích cánh đồng mẫu. Anh nói, chỉ cần được hợp đồng sản xuất lúa giống thì biết trình độ của người sản xuất cỡ nào rồi, vì sản xuất lúa giống đòi hỏi quy trình kỹ thuật rất nghiêm ngặt. Những cái tên như: Kim Lương, Kim Sầm Nang, Thạch Sa Rây là những nông dân nổi tiếng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất giỏi ở vùng này.

Chủ tịch UBND xã Long Hiệp, huyện Trà Cú Lê Phúc Dễ cho biết, xã có 82% số dân là đồng bào dân tộc Khmer đưa chúng tôi ra thăm những công trình thủy lợi do người dân hiến đất để xây dựng. Ông cho biết, do điều kiện sản xuất chưa bảo đảm, cho nên vùng đất này không được quy hoạch vào vùng lúa chất lượng cao của tỉnh. Nhưng hai năm qua bà con đã hiến đất làm 25 công trình thủy lợi nội đồng để chủ động nguồn nước và cũng làm theo quy trình sản xuất lúa chất lượng cao được 30 ha. Nông dân ở đây thấy các nơi khác làm lúa theo quy trình kỹ thuật trúng mùa cũng học hỏi và làm theo. Áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nổi bật nhất là nông dân ở các ấp Giồng Tranh A, Giồng Tranh B, Nô Rè A có hàng trăm hộ tham gia ký hợp đồng sản xuất hơn 150 ha bắp giống. Sản xuất bắp giống còn đòi hỏi quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt hơn sản xuất lúa. Nếu cán bộ kỹ thuật của cơ sở thu mua phát hiện sản xuất không đúng quy trình thì bị loại xuống mua với giá bắp thường, mất đi một nửa so với giá bắp giống. Nhưng chỉ sau một vụ, nông dân Khmer ở đây đã nắm vững quy trình, không còn mấy hộ bị loại. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, chỉ một vụ bắp, người dân ở đây đã thu được lãi hơn 40 triệu đồng/ha, đời sống người dân đang ngày được nâng cao.

Đặng Văn Bường/Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất