Thứ Ba, 26/11/2024
Khoa học, công nghệ
Chủ Nhật, 27/5/2012 9:15'(GMT+7)

Tiếp tục hoàn thiện Đề án đổi mới cơ bản cơ chế quản lý, hoạt động KHCN

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 Đó là một trong những quan điểm lớn được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu lên tại buổi làm việc với các Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng, lãnh đạo một số Bộ và Viện nghiên cứu hàng đầu Việt Nam.

Cuộc họp được tổ chức chiều 26/5 để nghe Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân báo cáo Đề án “Đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ”, từ đó đánh giá hiện trạng phân bổ và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương dành cho khoa học và công nghệ hiện nay.

Theo đánh giá của các đại biểu, cách phân bổ ngân sách cho KHCN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn theo cách làm bình quân, dàn trải, theo nếp của những năm trước mà không quan tâm tới nhiệm vụ nghiên cứu KHCN, các sản phẩm đầu ra với từng nhiệm vụ cụ thể của từng địa phương khác nhau.

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học ở nước ta hiện nay vẫn chưa được khai thác, sử dụng đúng hiệu quả, tình trạng lãng phí trong sử dụng, khai thác kết quả nghiên cứu còn khá phổ biến. Xuất hiện tình trạng nơi đặt hàng và nơi nghiên cứu khoa học lệch nhau trong phối hợp.

Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân đã nêu rõ cách sử dụng ngân sách dành cho KHCN tại nhiều địa phương còn rất tùy tiện, ví dụ như TP. Hà Nội đã sử dụng tới 70% ngân sách dành cho KHCN để làm đường giao thông. Nhiều địa phương sử dụng nguồn ngân sách cho KHCN để đắp đê, xây trụ sở, phòng chống dịch bệnh…

Cũng không ít địa phương không thể sử dụng nguồn ngân sách này. Bộ trưởng Nguyễn Quân kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần có chế tài điều tiết đối việc phân bổ và sử dụng ngân sách của các địa phương.

Không chuyển ngân sách nghiên cứu hàng năm qua kho bạc mà nên chuyển ngân sách này qua các quỹ khoa học và công nghệ để Bộ KHCN chủ động trong việc nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng Nguyễn Quân đề xuất.

Bộ trưởng Tài chính Vương Vương Đình Huệ cho rằng cách làm đề tài khoa học ở các Bộ, ngành còn rất nhiều bất cập, đề tài trùng lắp, sao chép và tình trạng Bộ Tài chính cấp tiền trước rồi các Bộ, ngành mới bắt đầu chọn đề tài khoa học để nghiên cứu còn khá phổ biến.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng nguyên nhân của việc chúng ta không bật lên được trong nghiên cứu KHCN đó là nguồn nhân lực hạn chế, phòng thí nghiệm thiếu thốn và trình độ ngoại ngữ không đồng đều.

Cho ý kiến về dự thảo Đề án này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh Đề án đã nêu lên những vấn đề lớn, những bức xúc phải giải quyết về cơ chế tài chính cho KHCN hiện nay.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KHCN tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện Đề án này theo hướng đẩy mạnh cơ chế giám sát đi liền với hiệu quả đầu tư, đóng góp cho xã hội trong nghiên cứu khoa học. Cần nêu rõ những đóng góp cụ thể của KHCN trong từng công đoạn sản xuất nhỏ lẻ đến đóng góp chung vào nền kinh tế. Đồng thời nêu rõ, những bất cập xung quanh việc sử dụng ngân sách trong nghiên cứu KHCN kém hiệu quả hiện nay cần phải giảm thiểu, không để tái diễn tình trạng bình quân, cào bằng trong phân bổ và sử dụng ngân sách dành cho KHCN.

Phó Thủ tướng lưu ý, các Bộ dựa trên Chiến lươc phát triển nhân lực của ngành đã được phê duyệt, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển KHCN và đặt hàng cho giới KHCN phục vụ cho ngành mình.

Kinh phí dành cho hoạt động khoa học và công nghệ luôn được bảo đảm ở mức xấp xỉ 2% tổng chi ngân sách hàng năm, tương đương khoảng 0,5-0,6% GDP quốc gia. Trong đó chi đầu tư phát triển trung bình khoảng 43-44% tổng chi ngân sách cho KHCN. Chi cho sự nghiệp KHCN chiếm trung bình khoảng 56-57%. Năm 2011, tổng chi ngân sách cho nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước là 1.111 tỷ đồng, chiếm 9,67% tổng chi ngân sách cho KHCN năm 2011.


Chinhphu.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất