Thứ Ba, 26/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Năm, 17/5/2012 18:31'(GMT+7)

Công nghệ thông tin xanh - Khắc phục mặt trái của IT

 

Rác điện tử - Mặt trái của công nghệ thông tin

Áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại giúp sản xuất hiệu quả hơn, sạch hơn, an toàn hơn và bền vững hơn. Tuy nhiên, mặt tiêu cực của CNTT lâu nay hầu như không được nhắc tới: Rác thải điện tử, xuất phát từ những sản phẩm có vòng đời rất ngắn.

Tuy nhiên, CNTT gây ra các ảnh hưởng đến môi trường trong mỗi gia đoạn của vòng đời sản phẩm: Tiêu thụ năng lượng khoảng 20% tiêu thụ điện toàn cầu, sử dụng hóa chất, rác thải điện tử... Mỗi năm thế giới thải ra 20 – 50 triệu tấn rác điện tử, trong đó châu Âu khoảng 9 triệu tấn. Dự báo đến năm 2025, lượng rác điện tử trên thế giới sẽ tăng gấp 9 lần số lượng hiện nay. Còn ở Việt Nam, trung bình mỗi người thải ra 1kg rác thải điện tử một năm, trong 10 – 15 năm tới, con số này sẽ đạt tới con số 7 - 8kg/năm.

Thế hệ tương lai sẽ phải gánh từ những thứ mà chúng ta vứt bỏ đi ngày hôm nay không hề nhỏ.

Ông Rene Van Berkel, Quản lý dự án CSR của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc cho biết: Tại châu Âu, chỉ 30% rác thải điện tử được đưa đến các điểm thu gom chính thức, còn 70% không được báo cáo hoặc biết đến.

Phần lớn rác thải điện tử được nhập khẩu từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển. Trong khi đó, thực tiễn “tái chế” tại các nước đang phát triển đang tạo ra rất nhiều nguy hại về môi trường, sức khỏe.

Tác động của các chất thải độc hại đến môi trường và sức khỏe đến từ chính sản phẩm như chì trong mạch điện, pin, cắc quy, thủy ngân trong màn hình LCD, Cadmium trong mạch in, ống đèn hình… nếu đem chôn sẽ ngấm vào đất và nguồn nước. Chất thải độc hại còn sinh ra do xử lý không đạt tiêu chuẩn: Dioxin được tạo ra trong quá trình đốt nhựa halogen hay trong quá trình nung chảy mà khí thoát ra không được xử lý thích hợp. Các chất hóa học dùng trong quá trình tái chế cũng gây tác hại không kém như: Cyanide và các chất axit lọc mạnh khác, khí Nox từ quá trình lọc và thủy ngân từ quá trình pha trộn…

Giải pháp công nghệ thông tin xanh

Hiện nay, từ “xanh” được nhắc đến khá nhiều: công nghệ xanh, công nghiệp xanh, phát triển xanh và cả “Công nghệ thông tin xanh”.

Vậy CNTT xanh là gì? Theo TS Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông: “CTNN xanh” ban đầu chỉ có ý nghĩa là dùng CNTT để tiết kiệm năng lượng trong phát triển kinh tế. Sau này, khái niệm này phát triển rất nhanh và tại nhiều quốc gia, nó lại bao hàm những nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, chủ yếu CNTT xanh hướng đến 3 tác động: Cung cấp CNTT để tiết kiệm năng lượng các ngành công nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tìm kiếm nguồn năng lượng sạch, năng lượng thay thế; cung cấp các công cụ dự báo tốt hơn về môi trường, biến đổi khí hậu dể đưa ra các biện pháp giảm nhẹ thiên tai.

CNTT hòa hợp với môi trường khi giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của CNTT và tối đa hóa nguồn lực bảo tồn nhờ sử dụng CNTT, tạo nên một xã hội CNTT bền vững

Tại diễn đàn “Công nghệ thông tin xanh” được tổ chức ngày 17/5 tại Hà Nội, các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà quản lý và đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận chung quanh CNTT và môi trường; áp dụng CNTT xanh trong doanh nghiệp; quản lý rác thải điện tử; kinh nghiệm quốc tế trong việc áp dụng CNTT xanh; thảo luận về những thách thức trong việc áp dụng CNTT xanh… Từ đó nhằm tìm ra các biện pháp giúp các doanh nghiệp ứng dụng CNTT xanh, phát triển bền vững.

Các chuyên gia đều khẳng định: CNTT xanh là bài toán tốn kém, sử dụng công nghệ cao, cần lựa chọn một cách thông minh để bảo đảm lựa chọn công nghệ phù hợp, sử dụng lâu dài, khả năng tái chế cao.

Hiện nay, ở Hà Nội, khách sạn Melia được đánh giá đã ứng dụng CNTT xanh khá thành công, qua hệ thống quản lý năng lượng tòan nhà, hệ thống cảm biến hình ảnh, tự động đếm số lượng người, đánh giá hoạt động và môi trường chiếu sang… để có những điều chỉnh thích hợp trong sử dụng năng lượng

Nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng ứng dụng CNTT xanh khá đắt đỏ và xa vời với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hiện nay. TS Nguyễn Thanh Tuyên khẳng định: CNTT tuy xa nhưng cũng rất gần gũi và không quá khó để thực hiện. Chỉ có điều, quan trọng là mỗi cá nhân, doanh nghiệp và người tiêu dung phải thay đổi từ trong tư duy. “Xanh không khó, quan trọng là chúng ta có cần xanh hay không” – ông Tuyên khẳng định.

Nhật Bản được xem như quốc gia đi đầu trong sáng kiến CNTT xanh. Ông Hiroshi Suzuki, Giám đốc Văn phòng Xúc tiến CNTT xanh, JEITA cho biết: Hội đồng Xúc tiến CNTT xanh được thành lập nhằm tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp có liên quan đến CNTT, các tổ chức phát triển công nghệ, trường đại học, cơ quan nhà nước và các tổ chức khác có thể cùng nhau hợp tác về CNTT xanh.

Ở Việt Nam, trước mắt có thể áp dụng CNTT xanh trong một số ngành công nghiệp: xử lý sản phẩm điện tử; tại các trung tâm dữ liệu; trong công tác văn phòng, thậm chí trong các ngành như dệt may, da giầy… là những ngành sử dụng nhiều lao động. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý sản xuất và tiết kiệm nguồn lực doanh nghiệp, trong quản lý chất thải, quản lý hệ thống hút không khí, quản lý hành chính, tiêu thụ điện… sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm khá nhiều, đặc biệt là tiết kiệm năng lượng và bảo vệ sức khỏe người lao động.

Dương Ngọc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất