Trước yêu cầu ngày càng cao về điều trị vô sinh - hiếm muộn trong cộng đồng, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa đã tăng cường đầu tư nguồn lực, xây dựng Khoa Hỗ trợ sinh sản thành khoa công nghệ mũi nhọn của bệnh viện và đã thu được những kết quả đáng khích lệ, đem lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình.
Vào những năm 1997-1998, trước đòi hỏi về điều trị vô sinh hiếm muộn trong cộng đồng, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa đã triển khai một số kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, trong đó kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) đã được triển khai, áp dụng cho các cặp vô sinh do tinh trùng yếu nhẹ hoặc vừa, hoặc có rối loạn phóng noãn. Em bé đầu tiên ra đời từ kỹ thuật này vào tháng 11/1998 là thành công ban đầu của bệnh viện khi khoa Hỗ trợ sinh sản còn chưa tách riêng.
|
Mổ lấy hai bé sinh đôi bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm ở Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa. |
Sau đó, mỗi năm Khoa đã thực hiện hàng trăm chu kỳ IUI cho những bệnh nhân có thể áp dụng được kỹ thuật IUI. Tuy nhiên, đây là một kỹ thuật đơn giản, chỉ áp dụng được với những bệnh nhân có biểu hiện vô sinh, hiếm muộn ở thể trạng nhẹ. Đối với những trường hợp vô sinh do các nguyên nhân khác phức tạp hơn thì phải cần tới những phương pháp khoa học tiến bộ như: thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (IVF/ICSI)...
Sau một thời gian dài củng cố, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật và đào tạo cán bộ, tháng 6/2004 Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa đã thành lập Khoa Hỗ trợ sinh sản, nhằm tiếp cận với các công nghệ cao để điều trị vô sinh hiếm muộn. Đến nay, hầu hết các kỹ thuật cao trong điều trị vô sinh đã được triển khai và thành công rất đáng khích lệ.
Đầu năm 2007, được sự đầu tư cơ bản của tỉnh về cơ sở vật chất, kỹ thuật, Khoa và bệnh viện đã triển khai điều trị vô sinh bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, chỉ định cho những trường hợp vô sinh do tinh trùng yếu trung bình và nặng do nguyên nhân tắc vòi tử cung hoặc không rõ nguyên nhân, hoặc đã điều trị vô sinh bằng phương pháp IUI nhưng thất bại. Tháng 4/2008, bốn em bé đầu tiên ra đời, đánh dấu sự thành công bước đầu rất quan trọng tại một bệnh viện tuyến tỉnh. Nhờ kỹ thuật này, đến nay đã có trên 100 em bé đã ra đời và nhiều bà mẹ khác đang trong giai đoạn mang thai, đem lại hạnh phúc và niềm tin cho hàng trăm cặp vợ chồng vô sinh - hiếm muộn đã và đang điều trị tại bệnh viện.
Điều đặc biệt là tỷ lệ có thai đạt trung bình trong khoảng 29-31%, gần bằng với tỷ lệ đạt được của các Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của các Thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ (từ 31-32%). Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa trở thành đơn vị tuyến tỉnh duy nhất (không kể các thành phố lớn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Cần Thơ, Hải phòng) trong những năm qua đã triển khai thành công kỹ thuật IVF.
Điều ghi nhận rất quan trọng trong thành công này là đội ngũ cán bộ khoa học, bác sĩ, kỹ thuật viên của Khoa Hỗ trợ sinh sản, sau khi được chuyển giao công nghệ và giúp đỡ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương từ đầu năm 2009 đã hoàn toàn làm chủ công nghệ, triển khai các kỹ thuật mới trong quá trình điều trị. Hầu hết các bác sĩ, kỹ thuật viên của Khoa đều được đào tạo cơ bản ở trong nước và được học tập, bồi dưỡng ở những nước tiên tiến như: Mỹ, Úc, Singapore, Hàn Quốc; thường xuyên được tham dự các lớp tập huấn và tham gia các hội thảo về hỗ trợ sinh sản trong nước và quốc tế để cặp nhật thông tin và kiến thức mới.
Từ năm 2010, các bác sĩ, cán bộ khoa học của Khoa đã tiếp thu và triển khai ứng dụng kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (kỹ thuật IVF/ICSI). Sau 1 năm thực hiện kỹ thuật IVF/PESA-ICSI (tức là thụ tinh trong ống nghiệm từ những tinh trùng chọc hút lấy từ mào tinh) đã giúp cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh nặng do chồng không có tinh trùng, hoặc tinh trùng yếu quá nặng, có cơ hội có thai bằng tinh trùng lấy từ mào tinh hoàn. Đây là một kỹ thuật khó, không chỉ đòi hỏi về các kỹ thuật hỗ trợ đồng bộ mà còn đòi hỏi rất cao về năng lực và tinh thần của các bác sĩ và kỹ thuật viên trong quá trình điều trị.
|
Em bé đầu tiên ra đời từ kỹ thuật trữ phôi đông lạnh sau IVF/ICSI tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, sinh mổ lúc 11h ngày 11/4/2012 nặng 3,3kg. Ảnh: LT |
Ngoài ra, những kỹ thuật hỗ trợ khác liên quan đến thụ tinh trong ống nghiệm cũng đã được triển khai rất thành công. Những trường hợp có nhiều phôi hoặc niêm mạc quá mỏng hay có nguy cơ quá kích buồng trứng đều được trữ đông để dành cho những chu kỳ sau, hoặc có thể trữ đông tinh trùng để thực hiện dành điều trị vô sinh mà người chồng đi nước ngoài hoặc không thể có mặt được vào ngày vợ chọc trứng, bơm IUI, đã làm giảm đi rất nhiều những khó khăn trong quá trình điều trị.
Ngày 11/4/2012 cháu bé đầu tiên ra đời bằng kỹ thuật trữ phôi đông lạnh sau IVF/ICSI đã ghi nhận sự thành công đặc biệt bằng một phương pháp khoa học mới trong điều trị vô sinh tại Thanh Hóa. Với kỹ thuật này, không chỉ đánh dấu sự thành công trong kết quả nghiên cứu và điều trị của tập thể y bác sĩ Khoa Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa mà còn có ý nghĩa thiết thực đối với cộng đồng mà trực tiếp là các cặp vợ chồng vô sinh nặng, bởi hiệu quả của nó. Kỹ thuật trữ phôi đông lạnh sau IVF/ICSI sẽ giúp nhiều đối tượng có nguy cơ vô sinh cao vẫn có khả năng có thai; giảm chi phí trong điều trị và thời gian đi lại, chờ đợi khi phải đến các trung tâm và các bệnh viện lớn ở xa.
Bên cạnh đó, các kỹ thuật giảm thai cho những trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm có từ ba thai trở lên trong buồng tử cung được triển khai thành công từ năm 2009 đã tiến thêm những bước mới. Có những trường hợp đa thai phát hiện ra muộn ở tuần thứ 9, thứ 10 của bào thai cũng đã được các bác sỹ tại khoa giảm thai thành công, giảm nguy cơ sinh non do đa thai (trước đây chỉ được tiến hành ở tuần thứ 6, 7).
Những kỹ thuật này đã giúp cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn tại Thanh Hóa tiết kiệm chi phí, không phải ra Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh như trước đây. Hàng năm, Khoa còn tiếp đón điều trị cho nhiều cặp vợ chồng người Thanh Hóa nhưng làm việc tại Hà Nội và những nơi khác trong nước và cả ở nước ngoài muốn về quê hương điều trị để tiện người thân chăm sóc. Nhiều cặp vợ chồng ở các tỉnh lân cận như Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam Định, Ninh Bình… thậm chí nhiều cặp vợ chồng lao động và làm việc tại Nga, Hàn Quốc…cũng đã tin tưởng đến điều trị tại khoa Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện./.
TS. Nguyễn Linh Thảo
Trưởng Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viên Phụ sản Thanh Hóa
Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam