Thứ Ba, 24/9/2024
Chính sách
Thứ Sáu, 8/7/2011 14:10'(GMT+7)

Nông dân và an sinh xã hội

Nông dân ở phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội thu hoạch vụ mùa. (Ảnh: QĐND)

Nông dân ở phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội thu hoạch vụ mùa. (Ảnh: QĐND)

Nhìn vào sản lượng lúa thu hoạch và kết quả sản xuất nông nghiệp, có thể khẳng định nông dân nước ta đang đóng góp rất tích cực vào việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Nước ta với khoảng 70% dân số là nông dân, sản xuất nông nghiệp vẫn là một trong những ngành kinh tế chủ lực. Sự cần cù, chịu khó của người nông dân trên đồng ruộng không chỉ tạo ra của cải vật chất cho bản thân và gia đình, họ còn góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu, ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và khủng hoảng kinh tế thế giới, giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, chính nông dân, bằng kết quả lao động của mình, đã tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm khá dồi dào, tham gia bình ổn giá, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Thành quả lao động đó còn góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn chiến lược nông thôn, giảm "sức ép" người lao động lên thành phố, giảm những căng thẳng, bức xúc do khan hiếm hàng hóa, giá cả tăng cao.

Vai trò của nông dân nước ta đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương lần thứ 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đảng, Nhà nước đã phát động trong cả nước đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, tạo thêm động lực để người nông dân hăng hái lao động, sản xuất, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, đồng thời tạo diện mạo mới cho nông thôn Việt Nam. Các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đang tập trung tìm nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, có chính sách phù hợp và ưu tiên bảo đảm lợi ích cho nông dân.

Tuy nhiên, những năm qua, nông dân vẫn nơm nớp lo khi rơi vào cảnh “được mùa, rớt giá”, không được hưởng đúng giá trị thành quả lao động của mình. Được mùa mà vẫn nghèo, đời sống vẫn khó khăn, thậm chí thua lỗ... là một nghịch lý. Để tháo gỡ khó khăn đó, cần tăng cường phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa “các nhà” và thực hiện hiệu quả Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng; xử lý nghiêm các tổ chức, tập thể, cá nhân lợi dụng sơ hở trong quản lý Nhà nước và của địa phương để trục lợi, tư lợi, ép giá thu mua sản phẩm của nông dân. Cần phát huy tốt vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nông dân, tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, khuyến nông, xây dựng nông thôn mới và nâng cao chất lượng đời sống của nông dân. Nhà nước, các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách, có lộ trình phù hợp, đầu tư phát triển công nghệ sau thu hoạch; chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động thu mua, tiêu thụ sản phẩm và bảo đảm quyền lợi cho nông dân.

Quan tâm đời sống, việc làm, thu nhập của nông dân - lực lượng lao động chiếm tỷ lệ dân số lớn nhất nước ta - cũng chính là góp phần bảo đảm phát triển bền vững./.  

(Hương Hồng Thu/QĐND)  

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất