(TG)- Sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Gia Lai đã tổ chức triển khai học tập, quán triệt và tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng cấp, từng ngành, từng địa phương.
Qua 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, đã đạt được một số kết quả tích cực. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng được nâng lên. Việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn được chú trọng theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và đa dạng hóa ngành nghề. Tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành sản xuất nông nghiệp tăng dần qua từng năm. Nuôi trồng thuỷ sản được chú trọng đầu tư, khuyến khích nên diện tích nuôi trồng ngày càng tăng mạnh, đến nay diện tích nuôi trồng thủy sản đã đạt hơn 1.400 ha.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm, tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2012 đạt 52,5% (kể cả diện tích trồng cao su). Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn có bước phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn tăng nhanh và ổn định; hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 259 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, 87 chợ (50 chợ nông thôn). Việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ trực tiếp nông nghiệp được các cấp, các ngành quan tâm. Tính đến hết năm 2012, đã đầu tư xây dựng 314 công trình thủy lợi kiên cố, năng lực tưới theo thiết kế hơn 48.400 ha; riêng giai đoạn 2009 - 2013, đã đầu tư xây dựng 40 công trình thủy lợi, năng lực tưới thiết kế là 5.665 ha, với tổng kinh phí trên 304 tỷ đồng.
Việc thực hiện sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước trong nông nghiệp đã đạt được một số kết quả tích cực. Hầu hết các nông, lâm trường thực hiện tốt chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất, không để xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp đất đai lớn; đồng thời bảo toàn quỹ đất được giao, có phương án sử dụng đất đúng quy hoạch, không để hoang hoá lãng phí đất, rừng. Cơ giới hóa trong nông nghiệp đã có bước phát triển mạnh, chiếm tỷ lệ từ 60 - 65% trong các khâu sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Các chương trình 134, 135, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, khuyến ngư, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống trực tiếp đến các hộ dân được triển khai nghiêm túc, nhiều hộ nghèo được hưởng lợi từ các chương trình này. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 từ 23,75% giảm xuống còn 19,93% năm 2012, vượt kế hoạch 0,77%, dự kiến năm 2013 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 16,95%.
Tỉnh cũng đã khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 74 hợp tác xã nông nghiệp với hơn 17.000 xã viên, 600 trang trại đang hoạt động. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng, giai đoạn 2008 - 2013 đã đào tạo nghề cho hơn 36.000 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 20% năm 2010 lên 24% năm 2012. Các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn nông thôn, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đầu tư đúng mục đích, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Giai đoạn 2009-2013, toàn tỉnh có 13 chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện với tổng số vốn hơn 1.160 tỷ đồng...Đến năm 2015, tỉnh phấn đấu hoàn thành xây dựng 45 xã (đạt 24%) đạt chuẩn nông thôn mới, 100% xã hoàn thành quy hoạch nông thôn mới và đến năm 2020 có 100 xã (đạt 54%) đạt chuẩn nông thôn mới…
Ánh Hồng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai)