Phóng viên phỏng vấn ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hiện nay.
Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận cả ngày kết quả thực hiện kế hoạch phát
triển kinh tế-xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm
2014 (kết hợp thảo luận về kết quả thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu
nền kinh tế).
Bên lề Quốc hội, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình trao đổi với phóng viên về việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hiện nay.
- Thời gian qua, việc tái cơ cấu, sáp nhập dường như chưa có động
tĩnh gì ở những ngân hàng có vốn của Nhà nước. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Những ngân hàng lớn không phải là
không có những yếu kém có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống. Hệ thống các
ngân hàng này không phải độc lập mà cần có sự đổi mới, cải cách, sắp xếp
lại toàn bộ thì mới đảm bảo được yếu tố cạnh tranh lành mạnh và mới có
tính bền vững.
Theo tôi, các ngân hàng quốc doanh, các ngân hàng nước ngoài cũng phải
được xử lý những yếu kém vì ngân hàng mang tính hệ thống rất cao, chỉ
cần một chỗ tắc lại hoặc một chỗ nào đó bị chi phối thì sẽ ảnh hưởng đến
cả hệ thống.
Vậy nên phải có một sự giải quyết đồng bộ nữa và phải gắn với mục tiêu
tái cơ cấu chung của nền kinh tế, ví dụ như với bất động sản, thị trường
chứng khoán, bảo hiểm… Hay như việc nới room để cho nhà đầu tư nước
ngoài tham gia… tất cả phải làm đồng bộ thì việc sắp xếp lại hệ thống
ngân hàng mới có kết quả và hiệu quả mới vững chắc. Nếu không, làm được
cái này nhưng khi có yếu tố tác động không cùng chiều lại bị tụt xuống.
- Đến thời điểm này ngành ngân hàng đã tái cơ cấu được 8/9 đề án đề
ra, ông đánh giá gì về tiến độ xử lý các ngân hàng yếu kém hiện nay?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Nói chung, việc xử lý các ngân
hàng yếu kém đã cơ bản rồi, về mặt sáp nhập, cho tham gia cổ phần, xử lý
tài sản, xử lý nhân sự, tạo nên những yếu tố mới đã bắt đầu làm được
rồi.
Bây giờ chỉ có hai việc: Thứ nhất, tiếp tục giải quyết các tồn tại, như
việc sáp nhập ngân hàng mạnh với ngân hàng yếu, sáp nhập để cho khỏi đỗ
vỡ là tốt nhưng giờ phải giải quyết được tồn tại, như nợ xấu, các tồn
tại cũ thì giải quyết thế nào, lộ trình ra sao, bản thân ngân hàng đó
giải quyết như thế nào. Các ngân hàng khác hỗ trợ thế nào và Ngân hàng
Nhà nước chi viện cái gì.
Thứ hai, các ngân hàng này phải xây dựng chiến lược kinh doanh mới, khắc
phục những tồn tại cũ và đảm bảo được những yếu tố, chiến lược mà ngân
hàng đó thấy phải sửa chữa để nâng chất lượng lên.
- Vậy ông đánh giá như thế nào về hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trong thời gian vừa qua?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Thời gian qua chúng ta phát triển
ngân hàng thương mại quá nhanh. Những điều kiện đảm bảo an toàn về vốn,
quản lý, chưa được chặt chẽ nên xảy ra một số ngân hàng hoạt động chưa
hiệu quả hoặc đe dọa đến thanh khoản, gây ra khó khăn cho hoạt đồng điều
hành tiền tệ cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cho nên chúng ta phải xem xét lại.
Nội dung xem xét lại trước hết là các ngân hàng đang bị thiếu hiệu quả,
mất thanh khoản hoặc có thể đổ vỡ, mà đổ vỡ là gây ảnh hưởng đến hệ
thống. Cho nên phải tập trung sắp xếp lại ngân hàng đang yếu kém.
Tuy nhiên, không phải những ngân hàng yếu kém là sắp xếp đầu tiên, nhưng
chủ yếu là phải sắp xếp cả hệ thống vì ngân hàng có tính hệ thống rất
cao.
- Vậy theo ông, để việc sắp xếp lại hệ thống ngân hàng hiệu quả thì cần tiến hành những công việc cụ thể nào?
Ông Cao Sỹ Kiêm: Theo tôi có 3 điều cần phải làm
theo thứ tự. Thứ nhất chúng ta phải hoàn chỉnh các hệ thống, đề tài,
chương trình cơ cấu lại tổng thể cũng như các chi tiết phải đồng bộ với
nhau và phải có sự phối hợp.
Thứ hai, sau khi có đề án rồi, chúng ta phải có những thể chế, quy định
kể cả về việc giải quyết lao động, tài sản, những thất thoát, chi phí
tăng lên.
Thứ ba là phải đào tạo một hệ thống nhân lực. Ví dụ như muốn sắp xếp lại
hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp, nhưng những con người đó không được
đào tạo, không được trang bị những nhận thức mới, cách làm mới mà thực
hiện theo phương thức cũ thì chắc chắn chúng ta sẽ gặp khó khăn.
Đây là những việc cụ thể mà chúng ta phải làm ngay, làm đồng thời và
cũng phải làm có hiệu quả mới hy vọng đạt được những yêu cầu đặt ra, để
nhiệm vụ cơ cấu nền kinh tế tiến triển từng bước có kết quả.
- Xin cảm ơn ông!
Minh Thuý (Vietnam+)