Từ những thành công của mô hình kết nối nông thôn triển khai ở Ấn Độ cách đây 3 năm, Nokia Siemens Networks (NSN) tin rằng các khu vực nông thôn Việt Nam hoàn toàn có thể hưởng lợi từ chính sách hạ tầng viễn thông mở rộng nếu các doanh nghiệp chịu đầu tư cho các giải pháp băng rộng, mà 3G là một ví dụ điển hình.
Nông thôn – thị trường viễn thông đầy tiềm năng
Khác với khu vực thành thị, kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy việc triển khai các dịch vụ tại nông thôn không phải dễ dàng. Đó không chỉ là những rào cản về mặt địa lý, gây khó khăn cho công tác triển khai hạ tầng, mà còn là mô hình kinh doanh không cố định, những khó khăn về tập quán, thu nhập, trình độ dân trí, và nhu cầu sử dụng dịch vụ.
NSN cho rằng nếu cứ theo hướng tiếp cận truyền thống thì mô hình dịch vụ viễn thông nông thôn rất dễ đổ bể. Những hướng tiếp cận truyền thống có thể là tuyên truyền rộng rãi, hay có những buổi ra mắt hoành tráng – thường hiệu quả hơn nếu triển khai ở khu vực thành thị, còn tại nông thôn thì không hẳn đã thành công. Nguyên nhân chủ yếu là do trình độ nhận thức về dịch vụ còn thấp, khó khăn về địa lý, và mức độ tập trung dân cư còn thưa thớt.
Cũng theo NSN, tại nhiều quốc gia khu vực châu Á-TBD vẫn còn 50-70% dân cư sống ở khu vực nông thôn. Đây cũng được coi là thị trường viễn thông tiềm năng nhất mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có thể tận dụng. Khác với quan điểm trước đây cho rằng việc đầu tư hạ tầng cho khu vực nông thôn rất dễ lâm vào tình trạng khó thu hồi vốn, NSN cho rằng phần lớn người dùng ở những khu vực này đều sẵn lòng đầu tư vào các dịch vụ sẽ giúp họ cải thiện cuộc sống một cách cơ bản.
Tuy nhiên, việc triển khai dịch vụ cũng cần phải cân nhắc nhiều yếu tố liên quan, chẳng hạn như văn hóa (mỗi khu vực là khác nhau), phân khúc tiêu dùng, hướng tiếp cận người dùng (thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, tín ngưỡng…), đồng thời phải phối hợp với các cơ quan đoàn thể địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến dịch vụ…
Vẫn theo NSN, cho tới năm 2015 vẫn có 65% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn, cho nên nhu cầu kết nối vẫn là rất lớn. Đồng thời, dân số Việt Nam còn khá trẻ - 40% dân số dưới tuổi 25 (tính tới 2015) nên mức độ sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ tăng mạnh. Điều đó cho thấy tiềm năng phát triển Internet cũng như di động tại khu vực này vẫn còn rất cao. Ngoài ra, cũng trong vòng 6 năm tới vẫn có 650 nghìn doanh nghiệp nhỏ hoạt động ở khu vực ngoài thành thị. Và đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các nhà cung cấp dịch vụ khai thác.
Kết nối làng xã
Giải pháp Kết nối làng xã của NSN dựa trên kiến trúc mạng IP và mô hình kinh doanh mới giúp các nhà cung cấp dịch vụ có thể giảm được chi phí đầu tư, triển khai hạ tầng, tạo doanh thu cho các phân khúc thị trường mới và tiềm năng như các vùng nông thôn. Giải pháp này mang lại kết nối thoại và Internet cho các cộng đồng làng xã nơi mà hạ tầng mạng GSM khó có thể triển khai, mà chi phí thường lại quá cao.
|
Sơ đồ giải pháp Kết nối làng xã của NSN. |
Giải pháp kết nối làng xã bao gồm 2 thành phần: Điểm truy cập GPS (GAP) – thường đặt tại các làng, và Trung tâm truy cập (AC) – dùng cho cả một vùng (gồm nhiều làng xã). AC trung chuyển cuộc gọi giữa các làng và cung cấp kết nối ra mạng bên ngoài. Còn GAP cung cấp kết nối cho một làng, và có thể đặt trên nóc bất cứ tòa nhà nào. GAP có thể cung cấp nhiều chức năng: truy cập radio, chuyển mạch, cập nhật cơ sở dữ liệu khách hàng. Mỗi GAP có thể xử lý đồng thời 250 cuộc gọi tại một thời điểm (trong một làng), và nếu có nhu cầu thì khả năng này có thể nâng cấp lên cao hơn.
|
Các chuyên gia của NSN trình bày mô hình kết nối làng xã. |
Cũng tại buổi trình diễn hôm 24/6, NSN đã giới thiệu hệ thống trạm gốc Flexi sử dụng cho mô hình kết nối làng xã. Trạm gốc Flexi có đặc điểm nhỏ gọn, nhẹ, khả năng chống chịu các điều kiện thời tiết khắc nghiệt cao, tiêu thụ ít điện năng, cơ động, giúp giảm thiểu chi phí triển khai, nâng cấp hạ tầng mạng. Giải pháp này cũng được NSN giới thiệu tại Hà Nội cách đây 2 tháng.
Nhu cầu băng rộng tại Việt Nam sẽ tăng mạnh
Theo ông Bùi Thiện Minh – Phó Tổng Giám đốc VNPT, nhu cầu về băng rộng của người dùng Việt Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Ông Minh cho biết trong năm qua, hạ tầng các mạng di động đã được triển khai rất nhanh, đặc biệt là VNPT với nỗ lực cải thiện hạ tầng mạng, nâng cao băng thông cả về số lượng lẫn chất lượng.
Ông Minh cũng cho rằng 3G là hạ tầng tốt cho người dân vùng nông thôn vì khả năng triển khai nhanh, kinh phí đỡ tốn kém hơn và giá cả hợp lý hơn đối với người dùng, nhất là khu vực nông thôn. Từ đầu năm nay, VNPT đã rục rịch khởi động dự án cung cấp IPTV và dự kiến tới quý 3 năm nay, IPTV sẽ được triển khai rộng rãi với nhiều các gói dịch vụ hữu ích. Cụ thể, từ giữa tháng 6 này, VNPT Hải Phòng đã chính thức bắt đầu cung cấp dịch vụ truyền hình IPTV cho khách hàng MegaVNN.
Về khả năng cạnh tranh giữa các nhà mạng, ông Minh cho rằng trong một hoặc hai năm tới, nếu mạng nào triển khai tốt hơn về hạ tầng, dịch vụ, cước phí, chăm sóc khách hàng… thì sẽ chiếm nhiều thị phần lớn hơn. Song song với di động, dịch vụ băng rộng sẽ là chủ đề khá nóng trong thời gian tới. Cùng với 3G, băng rộng sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn tại các vùng nông thôn, nơi mà trước đây việc triển khai hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn.
(Theo VnMedia)