Thứ Năm, 19/12/2024
Cuộc sống số
Thứ Bảy, 20/6/2009 7:12'(GMT+7)

Sẽ thu phí người sử dụng tần số vô tuyến điện

ĐB Chu Sơn Hà - Hà Nội - phát biểu ý kiến.

ĐB Chu Sơn Hà - Hà Nội - phát biểu ý kiến.

Cần bổ sung các quy định về đấu giá

Có thể nói, sự phát triển của thông tin vô tuyến điện trong tất cả những lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng khiến nhu cầu sử dụng phổ tần số vô tuyến điện ngày càng cao. TSVTĐ là tài nguyên ngày càng trở nên quý hiếm của nước ta, vì vậy phải quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên này một cách khoa học, có hiệu quả hơn, nhằm đáp ứng được nhu cầu hội nhập của đất nước và hội nhập kinh tế, quốc tế. Do đó, việc ban hành Luật TSVTĐ là cần thiết.

Đa số các đại biểu đồng tình với quy định tại điều 18 của dự Luật về 3 hình thức cấp phép sử dụng TSVTĐ, bao gồm cấp trực tiếp, đấu giá và thi tuyển quyền sử dụng TSVTĐ đối với các băng tần số, kênh tần số có giá trị thương mại cao, trong đó vấn đề đấu giá được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.

ĐB Dương Kim Anh  - Trà Vinh - cho rằng ngày nay khi tốc độ phát triển của công nghệ thay đổi từng ngày, từng giờ  đã đặt các cơ quan quản lý trước các vấn đề cần phải giải quyết như tài nguyên tần số ít, hiếm mà nhu cầu ứng dụng TSVTĐ rất lớn đồng thời việc sử dụng phổ tần bất hợp lý dẫn đến hiệu quả sử dụng tần số nói chung còn thấp.  Vì thế, việc thị trường hóa lĩnh vực viễn thông và tần số là một tất yếu.  ĐB Kim Anh ủng hộ quy định về đấu giá, đồng thời không quy định cứng trong dự thảo luật về các trường hợp đấu giá tần số để đảm bảo tính linh hoạt trong quá trình triển khai áp dụng luật sau này. ĐB này đề nghị khi quyết định đấu giá tần số cho phép các tổ chức doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia đấu giá thì cần cân nhắc kỹ các vấn đề về an toàn, an ninh thông tin vô tuyến điện.

Đồng tình với ý kiến này, ĐB Lê Quang Huy  - Bạc Liêu - nhấn mạnh đây là việc đấu giá đối tượng vô hình, không nình thấy, sờ thấy và cần xem xét thêm các hình thức hỗn hợp các phương thức cấp phép trong một tiến trình cấp phép để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh công khai, minh bạch và tối đa hóa lợi ích, hiệu quả cho đất nước.
Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, ngành bưu chính viễn thông, ĐB Nguyễn Thị Nga  - Hải Dương - cho rằng đấu giá thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là một trong những vấn đề mới nhưng thực ra thời gian vừa qua Chính phủ đã thí điểm làm việc này khi tổ chức đấu giá dưới dạng thi tuyển dải băng tần 3G rất thắng lợi.

"Đó là một sáng tạo của Việt Nam, vừa đảm bảo tính cạnh tranh của lĩnh vực tần số vô tuyến điện, vừa mang tính ưu việt của chế độ ta, vừa không trái với quy định của quốc tế, vì thế đưa quy định này vào luật là hợp lý.  Tuy nhiên vì đây là vấn đề mới nên để đảm bảo tính khả thi của luật, dự thảo luật cần quy định theo hướng cho phép áp dụng phương thức đấu giá trong cấp giấy phép quyền sử dụng TSVTĐ một cách cụ thể hơn" - ĐB Nga nói .

ĐB Nga cũng nhấn mạnh, theo báo cáo của tập đoàn VNPT, năm 2008 tập đoàn này đã dành 800 tỷ đồng hỗ trợ dịch vụ công cho hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Tập đoàn viễn thông Viettelcũng đã đầu tư lớn ra các vùng hải đảo xa xôi để phục vụ quốc phòng, an ninh. Vì thế dự thảo Luật cần bổ sung các nội dung hỗ trợ việc khai thác và sử dụng tần số vô tuyến điện cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phục vụ quốc phòng, an ninh để bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam đều có sóng vô tuyến điện để nghe đài, xem ti vi và sử dụng điện thoại.

Thu phí người sử dụng vào mục đích thương mại

Cũng tại hội trường chiều qua, vấn đề thu phí người sử dụng TSVTĐ được nhiều đại biểu thảo luận sôi nổi. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng cần thu phí đối với người sử dụng TSVTĐ vào mục đích thương mại, tránh tình trạng không thu phí hoặc thu mà như không, rồi cho sử dụng lại mang tính thương mại và người sử dụng hưởng lợi, Nhà nước chẳng thu được gì.

ĐB Trần Du Lịch - TP.HCM, ĐB Vũ Văn Hiến  - Hậu Giang - đồng tình với quy định người sử dụng tần số vô tuyến điện vào mục đích thương mại cần nộp phí, lệ phí cho Nhà nước; đồng thời kiến nghị đối với một số lĩnh vực còn khó khăn về kinh tế như khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ miễn giảm phí và lệ phí TSVTĐ.

ĐB Hiến, ĐB Trần Thị Hoa Ry- Bạc Liêu có cùng đề nghị không nên quy định việc sử dụng một phần phí thu được để chi cho công tác quản lý vì điều này trái với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, tạo ra quy định không rõ ràng đối với tỉ lệ trích dành cho các cơ quan quản lý nói chung. ĐB Hiên cho rằng nếu cần thiết thì Nhà nước có chính sách riêng, lấy kinh phí từ ngân sách của Bộ chủ quản...

Một số đại biểu lại quan tâm tới tên gọi của khoản thu là thuế hay là phí. ĐB Chu Sơn Hà - Hà Nội- cho rằng khi xác định TSVTĐ là một nguồn tài nguyên quý hiếm thì không đặt vấn đề thu phí, lệ phí như dự thảo luật, mà phải là thu thuế như các loại thuế tài nguyên khác, như thuế tài nguyên nước, thuế khoáng sản ...

Tuy nhiên, ĐB Trần Du Lịch lại bảo vệ quan điểm gọi đó là phí và lệ phí: "Bản chất của thuế không có đối phần, ai có nghĩa vụ cũng phải nộp cả, không đòi Nhà nước trả cái gì. Còn phí là khi tôi sử dụng cái gì đó tôi mới trả tiền thì gọi là phí. Cái này là phí, bản chất của nó là phí, không phải là thuế" - ĐB Lịch nói.

ĐB Trần Thị Hoa Ry- Bạc Liêu cũng cho rằng áp dụng phí TSVTĐ hợp lý hơn là việc áp dụng thuế vô tuyến điện. ĐB Hoa Ry nhấn mạnh quan điểm chung của rất nhiều đại biểu Quốc hội khi nhìn nhận vấn đề này:

"Thực ra tôi không quan tâm ở quy định này đó là thuế hay là phí, mà vấn đề đặt ra ở đây chính là nguồn thu từ nguồn tần số vô tuyến điện phải được quản lý chặt chẽ không bỏ sót, lãng phí và gây thiệt hại cho ngân sách, được thực hiện theo đúng quy định của Pháp luật"- ĐB Hoa Ry nói.

(Theo VnMedia)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất