Thứ Năm, 19/12/2024
Cuộc sống số
Thứ Sáu, 19/6/2009 14:51'(GMT+7)

"Phải coi viễn thông là ngành kinh tế quan trọng!"

Phóng viên tác nghiệp bên lề Quốc hội khóa XII.

Phóng viên tác nghiệp bên lề Quốc hội khóa XII.

Ngành viễn thông đã phát triển rất ngoạn mục

Hầu hết phát biểu của các đại biểu tại buổi góp ý cho Luật viễn thông đều dẫn chứng những con số và lý lẽ khẳng định, ngành viễn thông Việt Nam đang phát triển rất nhanh, đang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của nền kinh tế trí thức. Chẳng hạn, doanh thu của viễn thông năm 2008 đạt gần 92,5 nghìn tỷ, xấp xỉ 5,5 tỷ USD, tăng 38% so với năm 2007, nộp ngân sách 11.831 tỷ đồng, xấp xỉ 700 triệu USD... Viễn thông cùng với dầu khí là trong ít số các DN Việt Nam có đầu tư sang nước ngoài.

"Những gì mà ngành viễn thông làm được thực sự đáng tự hào", đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm, tỉnh Bắc Ninh nói.

Doanh số viễn thông chiếm 5% GDP cả nước và tốc độ tăng trưởng mỗi năm là hơn 30%. Không những thế, sự đóng góp của viễn thông còn tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển của những nghành kinh tế khác như: ngân hàng, tài chính, thương mại, giáo dục....

"Phải coi viễn thông là một ngành kinh tế quan trọng và hơn thế nữa vì sự phát triển viễn thông còn là chỉ số đánh giá sự phát triển của quốc gia đấy", đại biểu Ngô Đức Mạnh, tỉnh Bình Phước nêu ý kiến.

Đánh giá cao ngành viễn thông, đại biểu Huyền Tâm cho rằng: Viễn thông là ngành kinh tế kỹ thuật công nghệ cao, là cơ sở của nền kinh tế hiện đại, nền kinh tế tri thức. Do đó việc quản lý của nó cũng phải mẫu mực, thật khoa học. Chính đây sẽ là nơi góp phần làm giảm hệ số ICOR (tỷ suất đầu tư), hệ số sử dụng đồng vốn của người đóng thuế một cách hữu ích nhất. "Tôi tin rằng viễn thông đủ sức làm được việc đó, vì vậy tôi thấy cần thiết ban hành luật này".

7 nhà cung cấp dịch vụ di động - quá nhiều?

Cho rằng 7 nhà cung cấp dịch vụ di động trên thị trường 85 triệu dân hiện nay là quá nhiều, các đại biểu cùng lấy dẫn chứng: Trung Quốc với 1,2 tỷ dân nhưng chỉ có 3 mạng di động mà họ phát triển vẫn rất tốt. Trong khi tại Việt Nam, 7 DN cung cấp dịch vụ đều sở hữu hạ tầng thiết bị riêng, dẫn đến trục Bắc - Nam có hàng chục tuyến cáp quang, cả nước có hơn 30.000 trạm BTS..., gây lãng phí và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

"Mà không biết 7 mạng đó có còn tăng nữa hay không?", đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai) băn khoăn.

Ông Danh cũng đề nghị trong quá trình hoàn chỉnh Luật không nên cấp phép phát triển thêm mạng viễn thông nữa khi chưa có quy hoạch mạng và công trình viễn thông.

Nếu cứ đầu tư dàn trải và cạnh tranh nhỏ lẻ như vậy, có đại biểu đã đặt vấn đề: Liệu chúng ta có thể tập trung cho một DN nào đó trở thành những tập đoàn lớn mạnh đủ sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới, có tên tuổi lớn để trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam hay không?

 

Luật Viễn thông ra đời được hy vọng là sẽ thúc đẩy ngành viễn thông Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

DN để lãng phí tài nguyên, cần thu hồi giấy phép!

Nhiều đại biểu cùng nêu ý kiến thống nhất rằng: nên chú trọng việc quản lý tài nguyên viễn thông (bao gồm: kho số điện thoại, tần số vô tuyến điện, tền miền Internet, quỹ đạo vệ tinh), "sử dụng tiết kiệm, có dự trữ và dự phòng, để làm giàu cho con cháu sau này".

Đại biểu Trần Đình Nhã (Bà Rịa, Vũng Tàu) cho rằng, nguyên tắc trên cần được thể hiện cụ thể trong Luật. Điều 50 về nguyên tắc quản lý tài nguyên viễn thông chỉ nhấn mạnh đến chữ "sử dụng" là tài nguyên viễn thông theo cơ chế thị trường, đương nhiên có định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, ông Nhã lo ngại rằng, quy định như vậy thì những tài nguyên viễn thông có giá trị thương mại cao sẽ nhanh chóng được mang ra thi tuyển hoặc đấu giá, và thế hệ sau hoặc khi có nhu cầu cho quốc gia thì sẽ không còn tài nguyên.

Ông Nhã đề nghị xây dựng thêm một số điều luật về qui hoạch sử dụng tài nguyên viễn thông và qui hoạch này phải do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm đảm bảo sử dụng tài nguyên viễn thông hiệu quả, an toàn, tiết kiệm và có dự phòng cho tương lai.

Đại biểu Trần Văn (Cà Mau) cho rằng, để tránh lãng phí tài nguyên quốc gia và tình trạng chiếm dụng tài nguyên, "giấy phép treo", Luật nên đưa điều khoản "thu hồi giấy phép" nếu DN không triển khai xây dựng hạ tầng mạng trong một thời gian nhất định.

Hạ tầng dùng chung - Nhà nước phải "cầm trịch"?

"Nhà nước quy hoạch cơ sở hạ tầng chung, các DN thuê lại cơ sở hạ tầng để sử dụng" là một ý kiến được nhiều đại biểu đồng tình.

"Nếu tất cả các đơn vị theo kế hoạch sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển kinh doanh riêng của mình mà đều cùng nhau đầu tư hạ tầng sẽ dẫn đến tình trạng hệ thống các trạm thu phát, dây cáp sẽ phủ dày đặc trên mặt đất", đại biểu Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) bức xúc. 

Tuy nhiên, ông Phát cũng cho rằng, vấn đề chia sẻ hạ tầng viễn thông đối với các DN cần phải được tính toán một cách hợp lý, dựa trên các nguyên tắc tự nguyện thông qua hợp đồng, đảm bảo sự hợp tác chia sẻ cùng phát triển của các DN viễn thông. Nếu các DN vẫn không đạt được thỏa thuận, thì cơ quan nhà nước sẽ buộc phải làm trọng tài quyết định.

Nhận định về vấn chính sách xây dựng và phát triển hạ tầng viễn thông, đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) cho biết, đây là bài toán khó và một số điều nêu ra trong dự án Luật khó khả thi trong thực tế. Ông Dũng đề nghị nghiên cứu việc xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng viễn thông là một thành tố trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật nói chung của đô thị vì chỉ như vậy mới có thể sử dụng hiệu quả nguồn lực của xã hội và đảm bảo được mỹ quan và công tác quản lý trong một đô thị.

Phần cứng có "béo bở"?

Một ý kiến khá mới mẻ của đại biểu Huyền Tâm (Bắc Ninh) cho rằng: Hiện Việt Nam đang sử dụng khoảng 40 triệu máy điện thoại di động, trong đó, giá trị của những máy đắt tiền lên đến hàng ngàn USD/máy, máy rẻ cũng vài chục USD. Nếu tính trung bình 100 USD/máy thì số tiền người dân đã chi để mua ĐTDĐ sẽ lên đến 3 - 4 tỷ USD cho điện thoại.

"Nếu tính tất cả các phần cứng khác nữa thì qủa thực là con số rất lớn mà chúng ta đang để lọt vào tay các DN nước ngoài".

Trong khi đó, theo các chuyên gia, đầu tư cho phần cứng thì thu hồi nhanh hơn phần mềm. "Vậy liệu có nên đưa vào Luật việc đẩy mạnh sản xuất điện thoại cũng như các phần cứng khác, để cho dịch vụ viễn thông nước ta phát triển mạnh mẽ hơn?", bà Tâm nêu 1 ý kiến.

Luật Viễn thông hay "Luật hoạt động viễn thông"?

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị đổi tên dự thảo Luật Viễn thông thành Luật hoạt động viễn thông, bởi vì như vậy mới có thể bao hàm đầy đủ hết các hoạt động trong phạm vi quy định ở điều 1 của dự thảo luật, bao gồm: các hoạt động đầu tư, xây dựng, khai thác, sử dụng, kinh doanh và quản lý nhà nước về viễn thông.

Còn đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) thì cho rằng, nên giữ là Luật viễn thông thì sẽ bao trùm, rộng hơn. Chỉ cần sửa câu từ định nghĩa trong khoản 1 điều 4, đổi "viễn thông là hoạt động..." thành "hoạt động viễn thông là" thì sẽ chính xác hơn.

Mặc dù là một Luật chuyên ngành, nhưng dự thảo Luật đã thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của khá đông đại biểu, với đa dạng các ý kiến từ: phạm vi điều chỉnh, quản lý nhà nước đến các hoạt động chuyên ngành như: phát triển thị trường dịch vụ, chia sẻ hạ tầng, quản lý tài nguyên, dịch vụ công ích...

Dự thảo Luật Viễn thông do Bộ TT&TT chủ trì soạn thảo, được đánh giá là sẽ lần thứ hai đổi mới ngành viễn thông Việt Nam với những động lực mới về thúc đẩy cạnh tranh và mở cửa hội nhập. Sau khi Quốc hội thông qua và qua các quy trình bổ sung, hoàn thiện, dự kiến Luật này sẽ đi vào đời sống xã hội vào đầu năm 2010.

(Theo VietNamNet)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất