Thứ Bảy, 16/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 9/8/2009 16:20'(GMT+7)

Nước Nga làm được gì trong "thập kỷ Putin"?

Đất nước ổn định và đời sống người dân được nâng cao

Ngày 9/8/1999, ông Vladimir Putin, một nhân vật không mấy quen thuộc với dân chúng Nga lúc ấy, được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng thứ nhất khi chính phủ của Thủ tướng Sergei Stepashin giải tán. Rồi cũng ngay trong ngày hôm đó, Tổng thống Boris Yeltsin đã trao cho ông Putin chức Quyền thủ tướng.

Ngày 16/8 cùng năm, Duma Quốc gia Nga phê chuẩn ông Putin làm Thủ tướng. Sát năm mới 2000, Tổng thống Yeltsin từ chức và ngày 26/3/2000, ông Putin được bầu làm người đứng đầu nước Nga.

Lúc ông Putin lên nắm quyền, tình trạng ở Nga đang rối ren. Nước Cộng hòa Tresnia (thuộc Liên bang Nga) tự ý đổi thành Ichkeria và tại vùng lãnh thổ ly khai diễn ra cuộc nội chiến dai dẳng giữa các phe phái. Chiến binh Tresnia còn tấn công nước Cộng hòa Dagestan láng giềng, giết hại nhiều dân thường. Tại Mátxcơva, nhiều khu chung cư bị tấn công khủng bố. Nước Nga ngập trong nợ nần vì hơn một năm trước đó (8/1998) đã xảy ra việc phá giá đồng rup.

Tờ báo điện tử Vlasti nhận xét rằng, khi ấy nước Nga “ở ngay mép vực” và mọi người chẳng còn cách nào khác là trao cho ông Putin gần như niềm hy vọng cuối cùng về sự cứu nguy. Nhà lãnh đạo này quyết định dẹp loạn ở Tresnia. Điều đó không khỏi gây băn khoăn, lo ngại về sự hao tổn sinh lực và về thắng lợi cuối cùng. Tuy nhiên, ông Putin đã thể hiện ý chí sắt đá và ngay lập tức trở thành người hùng của nước Nga, thu phục lòng tin của người dân và cuộc bầu cử tổng thống chỉ là thủ tục để khẳng định điều này.

Sau 10 năm, có nhiều đổi thay đã diễn ra đến nỗi với nhiều người, năm 1999 dường như ở đâu xa xôi lắm. Tresnia đã vào khuôn phép và 10 năm dưới sự lãnh đạo của ông Putin (từ tháng 5/2008 đến nay, ông làm thủ tướng) là thập kỷ bình yên, trật tự của nước Nga, điều không hề có ở thời Yeltsin.

Theo kết quả thăm dò dư luận của Trung tâm Levada, thành tựu quan trọng nhất của “thập kỷ Putin” là đời sống người dân được nâng cao (ý kiến của 22% người được hỏi), nền kinh tế đất nước có sự phát triển (17%), củng cố vị thế quốc tế của Nga (8%), cải thiện quan hệ với các nước phương Tây (5%).

Giám đốc Trung tâm Levada Lev Gudkov cho biết chỉ số uy tín của ông Putin cao không hẳn là nhờ những thành tựu thực tiễn mà dựa vào kỳ vọng của mọi người về việc ông có thể đảm bảo sự phát triển kinh tế, tức thu nhập của người dân cũng tăng, và không để lặp lại những biến cố nặng nề như hồi năm 1998.

Trả lời vì sao ông Putin được lòng dân, 35% số người được hỏi nói rằng họ tin tưởng ông có khả năng dẫn dắt đất nước ra khỏi khủng hoảng. Nguyên nhân thứ hai là do hiện tại ở Nga không có chính khách nào thay thế được ông.

Chống tham nhũng yếu

Nhà bình luận chính trị Nga nổi tiếng Evgeny Kiselev phát biểu trên tờ báo Mátxcơva rằng, 10 năm lãnh đạo của nguyên Tổng thống và đương kim Thủ tướng Putin không có nhiều điều để ăn mừng.

Theo Kiselev thì thời gian qua, nước Nga đã bỏ lỡ cơ hội tận dụng giá dầu mỏ cao (từ 12 USD/thùng dưới thời Yeltsin đến 140 USD/thùng vào tháng 7/2008) để hiện đại hóa nền kinh tế đất nước. Nga vẫn bị phụ thuộc nặng nề vào việc xuất khẩu dầu mỏ và các loại khoáng sản khác. Hạ tầng cơ sở thì ít được đầu tư.

Thêm nữa, Nga chưa cải thiện được quan hệ với các quốc gia phương Tây trong những vấn đề năng lượng và phòng thủ chống tên lửa, cũng như với các nước láng giềng (cuộc chiến khí đốt với Ukraina và xung đột vũ trang với Grudia).

Sự phụ thuộc của nền kinh tế vào dầu mỏ và khí đốt (hơn 50% nguồn thu) khiến ngân sách liên bang kém bền vững, gây ra những mối nguy cơ nghiêm trọng ở tầm vĩ mô. Năm 1998, khi giá dầu mỏ tụt xuống 12 USD/thùng thì Nga không trả được nợ và phải phá giá đồng rup (từ 6 rup/USD xuống còn 20 rup/USD, lạm phát 84,4%).

Tuy nhiên, cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Levada tiến hành cho thấy người dân Nga coi lĩnh vực “kém thành công nhất” của ông Putin lại là cuộc chiến chống tham nhũng. 35% số người được hỏi đã có ý kiến như vậy. Tiếp theo, 25% nói rằng chính quyền chưa giảm bớt được tầm ảnh hưởng quá mạnh mẽ của các trùm tài phiệt, 19% chưa hài lòng với tình hình an ninh-trật tự, 16% cho rằng cần củng cố nền tảng đạo đức trong nước.

Sự chênh lệch giàu-nghèo ở Nga vẫn không giảm (ý kiến của 31% số người được hỏi). Thậm chí có tới 40% nói rằng khoảng cách thu nhập của 10% số người giàu nhất với 10% số người nghèo nhất còn cao hơn thời Yeltsin. Có 8% số người được hỏi không nhìn thấy sự tiến triển nào trong 10 năm qua./.

TG
(Theo TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất