Cựu Thủ tướng Ðan Mạch Anders Fogh Rasmussen đã chính thức tiếp quản chức tân Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO). Trong vai trò "thuyền trưởng" con tàu NATO, ông Rasmussen phải đảm đương giải quyết một loạt vấn đề nổi cộm của tổ chức này: tìm ra một chiến lược hiệu quả cho "sứ mệnh tại Afghanistan", đạt được cân bằng trong quan hệ với Nga, hòa giải với cộng đồng Hồi giáo, xây dựng chiến lược an ninh đối với những vấn đề mới như an ninh năng lượng, chống tội phạm internet, cướp biển...
Ông Rasmussen, 56 tuổi, kế nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu Hà Lan Jaap de Hoop Scheffer, người kết thúc nhiệm kỳ Tổng Thư ký NATO ngày 1-8 vừa qua, sau 5 năm rưỡi đảm đương cương vị này. Ông Rasmussen là Tổng Thư ký thứ 12 của NATO và là người Ðan Mạch đầu tiên giữ vai trò lãnh đạo trong lịch sử 60 năm hoạt động của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh này. Phát biểu ý kiến khi nhậm chức, tân Tổng Thư ký Rasmussen khẳng định thực thi các cam kết đối với Afghanistan; xây dựng quan hệ đối tác chiến lược thật sự với Nga; giảm lực lượng của NATO ở Kosovo và thúc đẩy chiến lược mới của NATO.
Ưu tiên hàng đầu là bảo đảm thành công cho cuộc chiến chống Taliban tại Afghanistan; và chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, ngày 5-8, ông Rasmussen đã tiến hành chuyến thăm đầu tiên tới Afghanistan nhằm thể hiện quyết tâm thực hiện mục tiêu cuối cùng là đưa binh sĩ NATO rời khỏi chiến trường này. Afghanistan được coi là thử thách đầu tiên đối với tân Tổng Thư ký NATO, bởi vì nhiều ý kiến đánh giá tình hình tại quốc gia Nam Á này đang thách thức mục tiêu đầy tham vọng của ông Rasmussen. Chưa có Tổng Thư ký NATO nào nhậm chức trong bối cảnh liên minh sa lầy trong cuộc chiến cam go và nhiều nguy cơ thất bại như ông Rasmussen. Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) tại Afghanistan do NATO đứng đầu hiện triển khai khoảng 70 nghìn quân thuộc 42 nước. Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan được tiến hành chỉ 20 ngày sau khi ông Rasmussen nhậm chức; Mỹ đã cam kết tăng quân để giúp Afghanistan bảo đảm an ninh, thì ông Rasmussen không thể làm gì khác là hô hào chính phủ các nước NATO gửi thêm quân, tăng tài chính cho Afghanistan. Trong khi đó, tình hình tại Afghanistan tiếp tục xấu đi, bất chấp sự hiện diện ngày càng đông của các lực lượng quốc tế; các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ của công chúng đối với cuộc chiến tranh này ngày càng suy giảm, thương vong tăng... Afghanistan đang là vấn đề gây đau đầu giới lãnh đạo NATO, bởi suốt tám năm qua cuộc chiến chống Taliban ở đây chưa thu được kết quả đáng kể nào, mà lại đẩy NATO vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nhiệm vụ tới đây của NATO không chỉ bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử ngày 20-8 tới, mà về lâu dài, phải tiếp tục giúp xây dựng một nước Afghanistan ổn định, bởi điều này bảo đảm uy tín cho NATO khi đây là lần đầu NATO can thiệp bên ngoài lãnh thổ các thành viên. Với vấn đề Afghanistan, bài "sát hạch" đầu tiên đối với ông Rasmussen gồm ba thách thức lớn: thuyết phục các nước thành viên NATO tham gia tích cực hơn vào cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan, tăng số binh sĩ NATO và ngăn chặn việc một số nước rút quân đội khỏi chiến trường này.
Trong quan hệ với Nga, tân Tổng Thư ký NATO tiếp quản di sản thực tế là một quan hệ Nga - NATO không ổn định, nhất là khi Nga từng bước củng cố vị thế cường quốc và sau cuộc xung đột tại Nam Ô-xê-ti-a hồi tháng 8-2008 đánh dấu đỉnh điểm căng thẳng giữa hai bên. Giới phân tích cho rằng, ông Rasmussen cần những kỹ năng chính trị, ngoại giao khéo léo mới có thể giúp cải thiện mối quan hệ này sau thời gian đóng băng vừa qua, với mục tiêu giữ được sự cân bằng trong quan hệ với Mát-xcơ-va. Một mặt, "thuyền trưởng" NATO phải chứng tỏ cho Mát-xcơ-va thấy rằng, NATO thừa nhận vai trò của Mát-xcơ-va như một đối tác chiến lược về các vấn đề an ninh toàn cầu. Mặt khác, vẫn phải tìm cách trấn an các đồng minh Ðông Âu trong NATO về quan hệ với Nga, những nước từng có bất đồng với Nga trong không gian hậu Xô-viết. Vấn đề mở rộng NATO tới các nước láng giềng của Nga cũng sẽ là một thách thức trong nhiệm kỳ bốn năm tới của ông Rasmussen.
Nhiệm vụ cải thiện lòng tin của cộng đồng Hồi giáo với phương Tây cũng đầy khó khăn với tân Tổng Thư ký NATO. Ông Rasmussen bắt đầu nhiệm kỳ trong bối cảnh phương Tây ngày càng lo ngại về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Năm 2006, khi còn làm Thủ tướng Ðan Mạch, ông Rasmussen từng bị chỉ trích, thậm chí bị coi là "kẻ thù" của người Hồi giáo, do cách xử lý cuộc khủng hoảng tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed. Cùng với lời hứa cải thiện quan hệ với thế giới Hồi giáo, ông Rasmussen đồng thời phải duy trì được quan hệ "xuôi chèo mát mái" với Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO có đa số dân theo đạo Hồi và là nước có số quân lớn thứ hai sau Mỹ trong NATO, từng phản đối việc bổ nhiệm ông Rasmussen do chỉ trích hành động ông không xin lỗi người Hồi giáo về vụ tranh biếm họa...
Tại Hội nghị cấp cao tháng 4-2009, NATO đã thông qua việc triển khai xây dựng khái niệm Chiến lược an ninh mới, nhằm thay đổi tính chất, định hướng các hoạt động của NATO, với mục tiêu đưa khối này thành một tổ chức toàn cầu. Ông Rasmussen có nhiệm vụ biên soạn chiến lược an ninh mới để Hội nghị cấp cao tới tại Bồ Ðào Nha xem xét. Khó khăn ở chỗ, ý tưởng "toàn cầu hóa NATO" không được số đông các thành viên châu Âu ủng hộ, thậm chí một số nước còn cho đây là kế hoạch viển vông nếu nhìn từ thực tế các điểm nóng mà NATO đang sa lầy, như Afghanistan, Kosovo... Ngoài ra, tân Tổng Thư ký NATO còn phải giải quyết một số vấn đề mới nổi thách thức an ninh toàn cầu, như tội phạm internet, an ninh năng lượng, cướp biển...
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các vị trí chính trị trước đây sẽ là điều kiện thuận lợi đối với ông Rasmussen khi đảm nhiệm vị trí Tổng Thư ký NATO. Ông Rasmussen làm Thủ tướng Ðan Mạch từ tháng 11-2001, tiếp tục tái cử nhiệm kỳ hai năm 2005. Kinh nghiệm làm việc ở cương vị người đứng đầu một chính phủ ở Bắc Âu sẽ hỗ trợ ông trong việc cùng các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách chủ chốt ở châu Âu soạn thảo chiến lược an ninh mới của NATO. Quan hệ đang ấm lên giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu, kể từ sau khi Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma lên nắm quyền, cũng là một điểm thuận lợi của tân Tổng Thư ký NATO Rasmussen, so với người tiền nhiệm./.
(Theo: ND, TTXVN)