Nước Nga đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế khi mà uy tín của Tổng thống Nga V. Pu-tin tăng lên do Nga nắm quyền chủ động trong vấn đề Xy-ri. Nhưng ở khía cạnh khác, nước Nga đang phải đối mặt với những khó khăn ngay trong nội tại và một tương lai nhiều thách thức, nhất là trong quan hệ với Mỹ và phương Tây, nhằm khẳng định vai trò của Nga trong các vấn đề trọng đại toàn cầu.
Nước Nga đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế
Trên thực tế, cấu trúc nền kinh tế Nga từ khá lâu đã bộc lộ những tồn tại: phụ thuộc chủ yếu vào các tập đoàn năng lượng độc quyền; phương thức quản lý kinh tế chưa thực sự hiệu quả dẫn đến kết quả đầu tư thấp, năng suất lao động không cao, sự phát triển kinh tế thiếu khả năng tự phục hồi. Năm 2015, đồng Rúp ước tính mất giá khoảng 43% so với đồng USD. Không chỉ có vậy, kinh tế Nga chưa được đa dạng hóa nên khả năng chống đỡ với khủng hoảng gặp nhiều khó khăn. Giá dầu giảm, các biện pháp trừng phạt kinh tế đã làm Nga tổn thất tới 9% GDP.
Theo những con số thống kê chưa chính thức, nạn tham nhũng còn tiêu tốn của nền kinh tế Nga từ 300 - 500 tỷ USD/năm; nạn chảy máu chất xám gia tăng (trong hai năm 2012 - 2013, hơn 300.000 người rời khỏi nước Nga) và con số đó cũng tăng lên nhiều kể từ khi Nga sáp nhập Crưm (1); nợ khu vực ở Nga tăng cao; xuất khẩu phi năng lượng giảm tới 25% trong quý III/2015; 9 tháng đầu năm 2015, thu nhập thực tế giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2014; giá lương thực tăng 17%;...(2).
Các nhà lãnh đạo Nga nhiều lần khẳng định, tình hình kinh tế Nga sẽ phát triển đúng hướng, đến năm 2018 có thể thoát khỏi bối cảnh khó khăn. Các chỉ số do các cơ quan nhà nước đưa ra tương đối lạc quan (nợ nước ngoài của Nga trong quý III/2015 đã giảm 34,079 tỷ USD xuống còn 521,61 tỷ USD; lượng rút vốn khỏi Nga trong giai đoạn 9 tháng đầu năm 2015 giảm xuống chỉ còn 45 tỷ USD, giảm tới 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2014) (3). Nhưng giới doanh nghiệp vẫn còn nhiều lo ngại. Đầu tư cơ bản ở Nga từ đầu năm 2015 đến nay giảm, nhiều công ty Nga có lợi nhuận tăng nhưng chủ yếu là do đồng Rúp mất giá và ngược lại họ không muốn tái đầu tư. Thực trạng này dẫn tới sự thoái lui của các dòng vốn và kinh tế Nga có thể còn suy giảm mạnh.
Tháng 10 - 2015, Chính phủ Nga đã thông qua các chỉ số cơ bản cho Ngân sách năm 2016 với chính sách “thắt lưng, buộc bụng”. Các nguồn chính để bù đắp thâm hụt vẫn là quỹ dự phòng. Điều đáng chú ý, lần này, Chính phủ Nga thông qua ngân sách một năm, tức là không đưa ra các dự báo cho hai năm tiếp theo (năm 2017 và 2018). Ngoài ra, giá dầu trung bình cho ba năm gần đây cũng không được lấy làm cơ sở để dự trù chi phí tối thiểu của ngân sách. Bộ Phát triển kinh tế Nga đã chuẩn bị một kịch bản trong trường hợp giá dầu xuống đến mức 40USD/thùng, khi đó lạm phát sẽ ở mức 8,3%, GDP sẽ suy giảm là âm 1%. Bộ Tài chính Nga cũng đã lập kế hoạch vay nội địa gần 20 tỷ USD trong năm 2016 và có thể phát hành trái phiếu để vay nước ngoài khoảng 2 tỷ USD (4).
Việc Chính phủ Nga chỉ thông qua ngân sách một năm mà không phải 3 năm như trước đây cho thấy, các nhà chức trách Nga chưa thực sự tin tưởng vào khả năng giải quyết các thách thức kinh tế. Động thái này dường như mâu thuẫn với tư duy chiến lược của chính quyền Nga gần đây. Tại Diễn đàn Đầu tư Xô-chi hồi tháng 10-2015, chính quyền của Thủ tướng Đ. Mét-vê-đép đã nỗ lực phác thảo “Chiến lược kinh tế đến năm 2030”. Theo đó, vạch ra bốn ưu tiên chiến lược cho kinh tế Nga thời gian tới, cụ thể: thúc đẩy hoạt động đầu tư, thay thế nhập khẩu, nâng cao chất lượng quản trị nhà nước và có chính sách ngân sách hợp lý.
Những khó khăn kinh tế Nga còn đến từ các điều kiện, tác động bên ngoài. Từ năm 2014 đến nay, với sự “mở rộng” của các yếu tố kinh tế bên ngoài và sự “đẩy mạnh” các yếu tố địa - chính trị toàn cầu đã làm cho sự phát triển kinh tế Nga càng khó khăn hơn. Những căng thẳng địa - chính trị ở khu vực Trung Á cũng như Đông Âu có thể tác động lâu dài đến nền kinh tế Nga. Không chỉ đối phó với các biện pháp bao vây, cấm vận kinh tế từ Mỹ và phương Tây, hiện nay, Nga còn đứng ngoài hai hiệp định tự do khu vực, đó là Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TIPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sự kìm kẹp của TPP ở phía Đông, TTIP ở phương Tây khiến nền kinh tế Nga bị cô lập hơn nữa.
Điều quan trọng hơn là mức độ phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng của nền kinh tế Nga rất lớn (chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Nga), cơ cấu đơn nhất của nền kinh tế Nga ngày càng rõ ràng hơn trong vài năm trở lại đây. Do giá dầu trên thị trường thế giới giảm mạnh, biến động gia tăng, kinh tế Nga đối mặt với thử thách nghiêm trọng. Trong tương lai, tính chất cơ bản của nền kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên của Nga chưa thể có sự thay đổi rõ rệt. Bên cạnh đó, do khả năng kiểm soát giá dầu quốc tế của Mỹ và đồng minh được tăng cường, nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu năng lượng của Nga lại càng phải đối mặt với thách thức lớn hơn.
Khó khăn về địa chính trị - chiến lược
Một là, ngoại giao Nga gặp nhiều khó khăn, quan hệ giữa Nga với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) khó xây dựng được “lòng tin chiến lược”.
Nhiều thập kỷ qua, Nga và phương Tây vừa đối kháng, vừa hợp tác. Lịch sử đã minh chứng, người Nga hợp tác với phương Tây ở mức độ nhất định, luôn có sự cảnh giác với phương Tây, hai bên khó có thể xây dựng lòng tin chiến lược. Trong khi sự phát triển kinh tế vấp phải khó khăn, môi trường ngoại giao của Nga cũng trở nên phức tạp do cuộc khủng hoảng ở U-crai-na và gần đây là việc Nga can dự vào tình hình Xy-ri. Cuộc khủng hoảng U-crai-na đã thể hiện mâu thuẫn cơ bản giữa Nga và phương Tây về sự sắp xếp cấu trúc địa - chính trị và an ninh khu vực.
Cuộc đọ sức giữa Nga và phương Tây còn tập trung vào các vấn đề địa -chính trị và an ninh truyền thống. Sau cuộc khủng hoảng U-crai-na, tâm lý quan ngại Nga ở phương Tây lại hồi sinh và ở mức độ tương đối đã khiến các lực lượng chính trị phương Tây luôn tìm cách “kiềm chế Nga”, “phòng ngừa Nga”. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu nghiên cứu, đánh giá về việc tái tăng cường chức năng phòng thủ tập thể; Mỹ và NATO lại có nhiều lý do để thúc giục các đồng minh châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng. Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng NATO đầu năm 2015 đã quyết định thành lập 6 trung tâm chỉ huy ở các nước Đông Âu, tiếp tục điều chỉnh việc triển khai quân sự theo phương thức diễn tập ở các nước trong khu vực này. Không chỉ liên tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, tài chính, ngoại giao đối với Nga, Mỹ và NATO còn đẩy nhanh việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) ở châu Âu, phối hợp tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô lớn xung quanh biên giới Nga nhằm phô trương sức mạnh và răn đe quân sự với Nga. Hiện, NATO đã đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga, như Ba Lan, một số quốc gia vùng Ban-tích thuộc Liên Xô cũ (Lát-vi-a, Lít-va và Ê-xtô-ni-a). NATO còn tăng cường tiến hành các cuộc tập trận quân sự và đối phó với Nga bằng cách tăng cường phòng thủ ở sườn phía Đông của châu Âu.
Ở khía cạnh khác, tăng can dự ở Xy-ri, có nghĩa là Nga đang đối đầu với Mỹ và NATO. Nhất là khi nhiều thế lực quốc tế có âm mưu dùng quyền lực của mình để biến Xy-ri thành “bãi lầy” để cuốn Nga vào. Sức ép an ninh không ngừng gia tăng buộc Nga phải tăng cường xây dựng quân đội bất chấp kinh tế suy thoái, tài chính khó khăn, chi tiêu quân sự tiếp tục tăng lên. Theo giới chuyên gia, trong ngắn hạn, chiến dịch quân sự của Nga tại Xy-ri có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Nga, nhưng nếu kéo dài, kinh tế Nga sẽ lún sâu hơn vào khủng hoảng.
Hai là, tầm ảnh hưởng tại “sân sau” của Nga đang bị đe dọa. Các nước Đông Âu, điển hình là U-crai-na coi Nga là một quốc gia có tham vọng lớn về địa chiến lược và vì vậy thiếu sự tin cậy đối với cơ chế hợp tác khu vực do Nga nắm vai trò chủ đạo. Về mặt kinh tế, đây cũng chính là trở ngại để Nga tham gia vào nền kinh tế thế giới, tranh thủ nguồn đầu tư nước ngoài cần thiết để phát triển kinh tế trong nước. Cơ chế hợp tác khu vực do Nga nắm vai trò chủ đạo, sức hấp dẫn của Cộng đồng kinh tế Á - Âu đối với các nước Đông Âu đang có xu hướng yếu đi do một số nước Đông Âu lại coi Cộng đồng kinh tế Á - Âu là công cụ để Nga tăng cường ưu thế địa - chính trị. Đây là điểm bất lợi cho Nga khi muốn tăng cường ảnh hưởng ngay tại “sân sau” của mình. Đặc biệt, do tầm quan trọng của U-crai-na với Nga, nếu U-crai-na vẫn quyết tâm thực hiện “thoát khỏi Nga, gia nhập EU”, tình thế khó khăn địa - chính trị của Nga ở Đông Âu lại càng gia tăng. Việc mất đi ảnh hưởng tại U-crai-na sẽ kéo theo ảnh hưởng của Nga đối với khu vực Biển Đen và Địa Trung Hải suy giảm.
Bất kể cuộc khủng hoảng U-crai-na kết thúc theo phương cách nào thì U-crai-na khó có thể coi quan hệ với Nga là giải pháp ưu tiên, vấn đề Crưm sẽ còn cản trở quan hệ song phương giữa hai nước trong thời gian dài. Những nỗ lực của Nga trong việc hối thúc U-crai-na tham gia tiến trình liên kết kinh tế Á - Âu khó có thể thành hiện thực. Hơn nữa, việc U-crai-na - đối tác thương mại lớn thứ tư, có quan hệ kinh tế rất gần với Nga trong thời gian dài rơi vào một cuộc khủng hoảng, cũng làm cho Nga mất đi một thị trường truyền thống lớn. Thương mại giữa Nga với Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) theo đó suy giảm đáng kể.
Ba là, “nước cờ Xy-ri” của Nga có những rủi ro nhất định. Tổng thống V. Pu-tin đã đẩy mạnh can dự vào Xy-ri với nước cờ tham vọng lớn nhất từ trước tới nay. “Nước cờ Xy-ri” của ông V. Pu-tin nhằm nhiều mục đích khác nhau, đó là củng cố chế độ An Át-sát, đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, tăng cường sự hiện diện của Nga ở Địa Trung Hải và Trung Đông. Nước Nga muốn khôi phục sức mạnh và trở lại chính trường thế giới với tư cách là một cường quốc, là tác nhân quan trọng trên bàn cờ địa chiến lược toàn cầu.
“Nước cờ Xy-ri” còn nhằm củng cố vị thế của ông V. Pu-tin ở trong nước khi những khó khăn kinh tế của Nga đang bắt đầu nhức nhối. Can dự vào cuộc chiến ở Xy-ri, Nga muốn ngăn chặn và dập tắt việc các tổ chức cực đoan mở rộng hoạt động bên trong Xy-ri; ngăn chặn việc lây lan chủ nghĩa khủng bố quốc tế ra nước ngoài, lực lượng này có thể tấn công trực diện vào nước Nga.
Tuy nhiên, “nước cờ Xy-ri” của ông V. Pu-tin vẫn có những rủi ro nhất định. Để có thể có ảnh hưởng quyết định trong việc giải quyết cuộc chiến này, Nga sẽ cần phải triển khai nhiều quân hơn trên thực địa. Nhưng nếu Nga đưa lực lượng bộ binh đến can dự ở đây, điều này sẽ dẫn đến sự cảnh giác của các nước láng giềng Xy-ri, càng làm các nước phương Tây tăng thêm sự lo ngại về ý đồ chiến lược của Nga. Bên cạnh đó, Chính phủ của Tổng thống B. An Át-sát chỉ là một bên trong một cuộc chiến tranh đa diện, do nước này bị chia rẽ thành nhiều khu vực với nhiều lực lượng khác nhau kiểm soát. Sự tham gia của Nga có thể là một yếu tố làm thay đổi tình hình quân sự trên một số mặt trận. Nhưng liệu có cho phép Tổng thống An Át-sát tái khẳng định quyền kiểm soát hoàn toàn hay không? Còn quá sớm để có câu trả lời chính xác. Ngoài ra, can thiệp vào cuộc nội chiến Xy-ri, Nga có thể sẽ phá vỡ thế cân bằng chiến trường và tương lai an ninh quốc gia Nga sẽ bị đe dọa.
Bốn là, sự “xích lại gần nhau” giữa Nga và Trung Quốc trong giới hạn. Kể từ khi mối quan hệ với phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng U-crai-na trở nên xấu đi nghiêm trọng, Nga đã chuyển hướng mạnh mẽ sang Trung Quốc. Nước Nga và cá nhân Tổng thống V. Pu-tin đã tính đến Trung Quốc như một sự lựa chọn thay thế địa - chính trị đáng kể nhằm đối phó với phương Tây. Sự xích lại gần nhau giữa hai nước được biểu hiện rõ nét nhất trong các lĩnh vực chiến lược, như hợp tác quân sự và năng lượng. Những tuyên bố và việc ký kết các hợp đồng năng lượng Nga - Trung là nhằm tái định hình sự cân bằng quyền lực ở cấp độ toàn cầu. Song, các “hợp đồng thế kỷ” này vẫn còn dừng ở mức khiêm tốn so với những gì đã tuyên bố trước đó. Phía Trung Quốc chưa thực sự mặn mà với dự án đường ống dẫn khí An-tai; phần lớn lượng dầu và khí đốt của Nga được khai thác ở phía Tây Xi-bê-ri và hướng đến thị trường châu Âu hiện ít có khả năng thực tế chuyển hướng sang Trung Quốc và khu vực châu Á-Thái Bình Dương; đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” được giới lãnh đạo Nga coi như một ưu tiên, đang bị trì hoãn vô thời hạn. Năm 2018, hai nước mới có thể khai thông đường ống dẫn dầu Nga - Trung. Nhìn chung, giữa Nga và Trung Quốc chủ yếu mới chỉ là sự liên kết chiến lược nhằm phục vụ lợi ích quốc gia của mỗi nước, chứ không phải sự ràng buộc chiến lược.
Hướng đi nào cho Nga?
Nước Nga đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cơ cấu kinh tế Nga hiện nay không giống như trong cuộc khủng hoảng trước đây, kinh tế Nga có tiềm năng vững chắc để khởi sắc lại, thế nhưng, các điều kiện để phá vỡ tình trạng bế tắc lại phức tạp hơn trước rất nhiều, khi so với tình hình của cuộc khủng hoảng năm 1998 và thậm chí là năm 2009, bởi đa số các yếu tố này mang tính chất chính trị. Nếu tình hình U-crai-na lắng dịu, đồng Rúp tăng giá và dầu mỏ có xu hướng tăng trở lại thì nó sẽ tạo đà cho nền kinh tế Nga khởi sắc. Vấn đề là Nga sẽ thoát khỏi những khó khăn kinh tế như thế nào nếu chưa xuất hiện các yếu tố có lợi trên?!
Đối mặt với khó khăn, thách thức, nước Nga đang có một chiến lược khá quyết liệt và triệt để nhằm cắt giảm nhập khẩu trên 20 ngành chủ chốt trong vòng 20 năm tới, như máy móc hạng nặng, ô tô, máy kéo, hóa chất, dược phẩm, thực phẩm,... Các mục tiêu mà nước Nga đề ra gần đây thể hiện sự quyết liệt trong hành động. Hợp đồng mua sắm Nhà nước sẽ được thực hiện bởi các công ty sản xuất trong nước, dù có hay không đạt được sự cạnh tranh về chất lượng. Nga quyết tâm cắt giảm chi tiêu ngân sách, thực hiện chính sách “thắt lưng, buộc bụng”, phát huy nội lực, hướng tới chất lượng tăng trưởng.
Về đối ngoại, nước Nga không cam chịu khuất phục trước các áp lực từ bên ngoài. Lãnh đạo Nga khẳng định, sự phát triển của nước Nga là một bộ phận không thể tách rời của các tiến trình toàn cầu. Chương trình nghị sự toàn cầu khó có thể hình thành nếu không có sự tham gia của Nga. Người Nga đang tận dụng mọi cơ hội để điều chỉnh quan hệ với phương Tây, phá bỏ thế bế tắc của cuộc khủng hoảng U-crai-na, thỏa hiệp với phương Tây về vấn đề Xy-ri và tích cực chung tay giải quyết các công việc khác của cộng đồng quốc tế. Đây sẽ là những mục tiêu mà Nga nỗ lực đạt tới nhằm thoát khỏi khủng hoảng, từng bước khẳng định vị thế, vai trò là tác nhân không thể thiếu trên trường quốc tế trước những thách thức hiện nay./.
-----------------------------------------
(1) These 5 facts explain russias economic decline, http://time.com/3998248/ these-5-facts-explain-russias-economic-decline/
(2) Russia retreats to autarky as poverty looms, http://www.telegraph.co.uk/ finance/economics/11937348/Russia-retreats-to-autarky-as-poverty-looms.html
(3) Nợ nước ngoài của Nga giảm mạnh, http://hoidoanhnghiep.ru/tin-tuc/kinh-te-nga/24250-no-nuoc-ngoai-cua-nga-giam-manh
(4) Putin đối mặt cuộc chiến trong lòng nước Nga, http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/268205/putin-doi-mat--cuoc-chien--trong-long-nuoc-nga.html
Hoàng Nguyên
Nguồn TCCS