Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm nay (3/6) đã lên đường đến Trung Đông trong một chuyến công du được cho là nhằm để "làm lành" với thế giới Hồi giáo. Đây cũng là chuyến thăm Trung Đông đầu tiên của ông Obama trên cương vị tổng thống.
Chặng dừng chân đầu tiên của Tổng thống Obama trong chuyến đi lần này là Ả-rập Xê-út. Tại đây, ông sẽ có các cuộc hội đàm với Quốc vương Abdullah ở Riyadh. Ngoài các vấn đề khu vực, ông Obama còn dự định sẽ thảo luận về vấn đề giá dầu với người đứng đầu nhà nước Ả-rập Xê-út.
Sau chuyến thăm Ả-rập Xê-út, Tổng thống Mỹ sẽ lên đường sang Ai Cập. Đây là nơi ông sẽ có bài phát biểu quan trọng về mối quan hệ giữa Mỹ với khu vực.
Kết thúc chuyến thăm Cairo, Tổng thống Obama sẽ đến Châu Âu để tham dự lễ kỷ niệm ngày D-Day. Đây là ngày diễn ra cuộc đổ bộ lịch sử Normandy chọc thủng tuyến phòng ngự của Đức quốc xã ở châu Âu, mở đầu cuộc tấn công dẫn đến chiến thắng của Đồng minh 11 tháng sau đó.
Trước thềm chuyến công du Trung Đông, ông Obama cho biết mục đích lớn nhất trong chuyến đi lần này của ông là nhằm xoá bỏ những sự hiểu lầm giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo cũng như làm sống lại tiến trình hoà bình Trung Đông. Ngoài những mục tiêu chính trên, chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Obama còn nhằm giúp Mỹ đạt được dễ dàng hơn các mục tiêu chiến lược trong khu vực như sự ổn định ở Iraq và kiềm chế Iran.
Ả-rập Xê-út là nước hậu thuẫn chính cho kế hoạch hoà bình toàn diện trong mối quan hệ giữa thế giới Ả-rập và Israel. Trong khi đó, Ai Cập có liên quan mật thiết đến vấn đề Palestine vì nước này đóng vai trò trung gian giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza. Tổng thống Obama sẽ cần đến cả hai nước trên nếu ông muốn làm sống lại các cuộc đàm phán hoà bình gần như đã chết yểu giữa Israel và Palestine. Đây cũng chính là lý do khiến Tổng thống Obama chọn Ả-rập Xê-út và Ai Cập làm 2 điểm dừng chân của ông trong chuyến công du Trung Đông đầu tiên của mình.
Obama chìa tay với thế giới Hồi giáo
Có thể nói, một trong những sự kiện quan trọng và được dư luận chú ý nhiều nhất trong chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Obama lần này là việc ông sẽ có bài phát biểu với thế giới Hồi giáo tại trường Đại học Cairo. Đây được coi là một trong những bài phát biểu quan trọng nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama.
Qua bài phát biểu về mối quan hệ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo, Tổng thống Obama hy vọng sẽ phá vỡ được sự thù địch trong những năm gần đây của các nước Hồi giáo đối với Mỹ. Đồng thời, ông Obama cũng hy vọng bài phát biểu của mình sẽ giúp không chỉ cô lập các phần tử cực đoan của al-Qaeda và Taliban mà còn lấy lại lại sự cảm thông mà Mỹ có được sau sự kiện ngày 11/9 nhưng đã bị mất trong cuộc chiến ở Iraq.
Thư ký báo chí của Nhà Trắng – ông Robert Gibbs cho biết: "Bài phát biểu của Tổng thống Obama sẽ nói đến cam kết của Mỹ đối với thế giới Hồi giáo. Theo đó, Mỹ sẽ can dự vào thế giới Hồi giáo dựa trên lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau. Ông Obama cũng sẽ thảo luận về việc Mỹ và các cộng đồng Hồi giáo có thể giải quyết những bất đồng đã chia rẽ họ như thế nào.”
Trước đó, Tổng thống Obama đã từng tuyên bố rằng: “Mỹ đã, đang và sẽ không bao giờ gây chiến tranh với thế giới Hồi giáo."
Và mặc dù ông Obama được cho là sẽ không đề cập chi tiết đến sáng kiến hoà bình mới giữa Israel và Palestine trong bài phát biểu ở Cairo vào ngày mai, thì mỗi lời ông nói ra về vấn đề này sẽ được lắng nghe một cách chăm chú. Lý do là người Hồi giáo muốn xem xem liệu bài phát biểu đó có cho thấy rằng ông Obama sẽ có cách tiếp cận công bằng hơn người tiền nhiệm George W Bush trong vấn đề này hay không.
Trước bài phát biểu quan trọng sắp tới, Tổng thống đã cho biết ông hy vọng sẽ thấy những tiến bộ trong tiến trình hoà bình Trung Đông vào cuối năm nay thông qua “biện pháp ngoại giao trực tiếp và cứng rắn".
Tuy nhiên, giới phân tích tỏ ra không lạc quan như ông Obama. Thực tế có vẻ cũng nghiêng về phía các nhà phân tích bởi giữa Mỹ và Israel đang tồn tại bất đồng sâu sắc về vấn đề xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây. Trong khi Mỹ yêu cầu Israel dừng ngay lập tức hành động này thì Israel kiên quyết bác bỏ. Chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết họ sẽ tiếp tục mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây. Như vậy, con đường để tiến trình hoà bình giữa Israel-Palestine đạt kết quả còn rất xa.
(Theo VnMedia)