Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 27/11/2015 9:13'(GMT+7)

"Mỗi người dân là một chiến sĩ ngoại giao văn hóa"

Đại diện Đại sứ quán Ca-na-đa, các nghệ sĩ Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam - Ca-na-đa thăm bệnh nhân ở Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: Nguyễn Tuấn Việt/QĐND)

Đại diện Đại sứ quán Ca-na-đa, các nghệ sĩ Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam - Ca-na-đa thăm bệnh nhân ở Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: Nguyễn Tuấn Việt/QĐND)

PV: Xin ông cho biết vai trò của yếu tố văn hóa trong các hoạt động ngoại giao nhân dân của Liên hiệp?

Ông Đôn Tuấn Phong: Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội chuyên trách về công tác vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân đấu tranh cho hòa bình và phát triển, mở rộng quan hệ đoàn kết, hữu nghị, thúc đẩy hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Khi triển khai hoạt động đối ngoại nhân dân ở tất cả các mặt công tác này, văn hóa luôn là nền tảng cơ bản trong những hoạt động của Liên hiệp, tạo nên sức mạnh ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế.

Chúng tôi quan niệm văn hóa là kết tinh của ngoại giao nhân dân và của ngoại giao nói chung. Khi phân biệt với các nhánh ngoại giao khác, ngoại giao văn hóa mang nét đặc thù rất khác biệt. Nó đi sâu vào lòng người, để lại ấn tượng lâu dài. Thông qua ngoại giao văn hóa, con người ở các quốc gia khác nhau có thể hiểu về nhau hơn. Khi đó họ cũng đoàn kết, ủng hộ nhau hơn, sự chân thành, chia sẻ, bao dung nói chung cũng cao hơn.

PV: Trong thời gian qua, ngoại giao văn hóa của chúng ta đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Đôn Tuấn Phong: Về cơ bản, ngoại giao văn hóa trong đối ngoại nhân dân những năm qua được triển khai khá tốt. Các hoạt động văn hóa được lồng ghép và là nền tảng tinh thần cho những hoạt động đối ngoại nhân dân. Sự cần cù, thân thiện, yêu hòa bình… trong các nét tính cách con người cùng những danh lam thắng cảnh, bề dày văn hóa đã giúp chúng ta đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Qua các hoạt động ngoại giao, nền văn hóa, nét đẹp con người, đất nước Việt Nam cũng được tôn vinh, bảo tồn. Trong các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân, Liên hiệp tiếp tục phát huy vai trò là đầu mối phối hợp với các tổ chức nhân dân Việt Nam. Đồng thời với các hoạt động trao đổi đoàn, tổ chức mít tinh, giao lưu, chia sẻ thông tin hợp tác, Liên hiệp đã chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực song phương, đa phương. Chẳng hạn, trong Diễn đàn Nhân dân ASEAN 2015 tổ chức tại Ma-lai-xi-a, chúng ta đã chủ động trao đổi, phối hợp với bạn bè quốc tế đấu tranh chống lại luận điệu xuyên tạc của các lực lượng thù địch trong các lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, chủ quyền biển, đảo, bảo vệ hình ảnh và lợi ích quốc gia, tạo được thiện cảm đối với các đại biểu nước ngoài.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, chúng ta chưa thật sự chú trọng tuyên truyền tới bạn bè thế giới về đất nước, con người Việt Nam; chưa chú trọng tìm kiếm phương thức để đẩy mạnh giao thoa văn hóa, tuyên truyền văn hóa của chúng ta sâu rộng hơn tới các tầng lớp nhân dân ở nước ngoài. Theo tôi, nét văn hóa, tiếp cận văn hóa cần được đẩy mạnh hơn nữa trong ngoại giao nói chung và ngoại giao nhân dân nói riêng.

PV: Rõ ràng là ngoại giao văn hóa có những lợi thế mà ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế không thể có được. Vậy theo ông, chúng ta cần có biện pháp gì để sức mạnh đó được phát huy tối đa?

Ông Đôn Tuấn Phong: Chúng ta thường nói tới sản phẩm văn hóa. Tuy nhiên, khi nhắc tới sản phẩm văn hóa thì quan trọng nhất là đối tượng đối ngoại của chúng ta có tiếp cận được với những sản phẩm văn hóa đó không, các sản phẩm đó có thiết thực hay không. Để làm được điều đó, chúng ta cần hiểu rõ giá trị văn hóa của Việt Nam là gì. Sau khi xác định được những giá trị văn hóa, ta mới hình tượng hóa, cụ thể hóa giá trị đó vào sản phẩm văn hóa. Các sản phẩm văn hóa phải mang tính đại chúng, dễ hiểu, dễ tiếp cận với công chúng người nước ngoài. Yêu cầu chung của đối ngoại nhân dân là chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả càng đúng hơn khi vận dụng trong ngoại giao nhân dân và ngoại giao văn hóa của chúng ta.

Bên cạnh giới thiệu các sản phẩm văn hóa vật thể, hữu hình, điều đặc biệt quan trọng trong đối ngoại văn hóa, theo tôi là tuyên truyền, quảng bá những sản phẩm văn hóa phi vật thể, trong đó có rất nhiều giá trị Việt mà ngoại giao văn hóa đang hướng đến. Các sản phẩm văn hóa phi vật thể không chỉ là những thứ được hình tượng hóa, mà có thể còn là các giá trị khác như giá trị nhân văn, truyền thống hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam chính là những nét văn hóa độc đáo mà chúng ta cần tuyên truyền tới bạn bè.

Và đặc biệt, theo tôi nếu một kênh ngoại giao nào đó làm việc này cũng sẽ là không đủ. Mỗi người dân đều có thể trở thành một chiến sĩ trên mặt trận ngoại giao nhân dân. Vì vậy, nét đẹp văn hóa của Việt Nam cần được truyền từ mỗi chiến sĩ ấy. Đó chính là sợi chỉ mềm dễ "buộc chặt", đi sâu vào lòng người, dễ ấn tượng và khi đã có ấn tượng thì ấn tượng đó cũng sẽ lâu dài, bền chặt hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Minh Nhã (thực hiện)

(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất