Thứ Ba, 1/10/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 16/11/2010 17:5'(GMT+7)

Ơn Thầy

Mỗi mỗi chúng ta, từ tuổi ấu thơ, ngày đầu tiên mẹ (cha) đưa ta đến trường, mọi sự đều mới mẻ và ngỡ ngàng. Người đầu tiên mà ta gặp là thầy (cô), nhưng lại là một người xa lạ. Thầy (cô) đón ta dưới ánh mắt dịu hiền, thân thương với nụ cười hiền hậu và bao dung. Giây phút đầu tiên ấy đối với mỗi chúng ta rất sâu đậm và ấn tượng tuyệt vời nhất là bài hát ngày đầu tiên đã học… Rồi ngày tháng qua đi, trong tình thương yêu bao la của thầy (cô), thời trẻ dại của ta dần dần thay đổi. Thầy (cô) là người đặt ngòi bút viết những nét chữ đầu tiên. Ta làm sao quên được hình ảnh thầy (cô) nhẫn nại cầm tay ta nắn nót từng nét chữ khi ta tập viết… Ân cần chữa từng chỗ sai khi ta phát âm đọc sai và được thầy (cô) dạy những bài học vỡ lòng về lòng hiếu thảo, sự biết ơn, đền ơn, tình yêu thiên nhiên, cuộc sống trong sạch và chỉ bày cho những lỗi lầm sai quấy khi ta nông nổi nghịch ngợm.

Lần lượt học lên cao được thầy cô giáo dạy cho những kiến thức về văn hóa, xã hội lịch sử, khoa học…., bồi dưỡng tình yêu quê hương và nhân loại cùng muôn vật. Và cứ thế, thời gian mãi trôi xuôi, thầy (cô) đã nuôi ta lớn lên bằng dòng sữa ngọt ngào của trí thức nhân loại. Những kỷ niệm này còn lắng đọng mãi trong tâm khảm mỗi chúng ta.

Xã hội đòi hỏi mỗi thầy (cô) giáo phải phấn đấu và rèn luyện để trở thành “Tấm gương sáng” cho học sinh noi theo. Nói vậy có nghĩa là làm thầy (cô) giáo tốt đúng theo yêu cầu và sự tôn vinh của xã hội là rất khó. Để trở thành “tấm gương sáng” cho học sinh noi theo, ngoài việc nghiên cứu, phát minh, sáng tạo luôn làm giàu nguồn tri thức cùng kỷ năng, mà còn phải rèn luyện phẩm chất đạo đức và nhân cách. Thầy (cô) giáo còn phải chấp nhận hy sinh cuộc sống xa hoa về vật chất và những ham muốn đời thường để làm gương tốt cho thế hệ trẻ noi theo, là những người có cuộc sống giản dị. Nhưng cái khó hơn là sự cần mẫn, giỏi giang, sự thanh cao và nghị lực là, hàng ngày đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho học sinh.

Nghề “thầy giáo” rất nhọc nhằn và vất vả là vậy, nhưng những thầy, cô giáo yêu nghề thì luôn sống hết lòng vì học sinh thân yêu mà vẫn tìm được niềm vui cho cuộc đời mình. Hình như, chúng ta luôn luôn thấy những vòng tay thầy, cô đang dang rộng sẵn sàng nâng đỡ khi chúng mình vấp ngã. Và chúng ta được trưởng thành lớn dần hơn lên là nhờ thầy, cô đã quan tâm những đàn chim non trong tổ ấm nhà trường.

Các bạn ạ! Tình thầy trò là sự ngọt ngào được lắng đọng, được kết tinh bằng những tình thương thiết thực cụ thể qua lời giảng và dạy dỗ, bằng trái tim luôn hướng đến tương lai, tạo niềm tự tín và ý chí cho chúng ta mỗi buổi học, bằng những nụ cười tươi tắn và ánh mắt hiền hòa, bằng tấm lòng rộng mở cùng vòng tay êm ấm che chở cho những con tim bé bỏng dại khờ. Tình thương của thầy rất sâu sắc không có thướt đo nào mà đo được, luôn dạt dào mở rộng, hằng nâng đỡ cho chúng ta mãi ngẩng cao đầu vươn đến bến thành đạt mọi sở nguyện mỹ mãn. Nhưng đôi khi thầy, cô cũng tạo những phương tiện khó nhọc để thử thách, xem sức kiên nhẫn của chúng ta, chứ chẳng phải nhẫn tâm làm khổ đau ta. Có lúc thì quở trách, răn đe, la mắng hay phạt để cảnh tỉnh ta phải chu đáo hơn trong lúc thực tập học hỏi nghề, đừng để sơ xuất làm hư hỏng vật dụng hay công việc. Đó chính là một bài học cho chúng ta khắc cốt ghi tâm để khắc phục đừng phạm phải sai lầm ấy nữa. Cho nên người xưa đặt ra những điều này để thử thách học trò mình, gọi là “cách dùng người”:

- Cho ở xa để biết lòng trung

- Sai làm nhiều việc để xem cái từ

- Cho ở gần để xem lòng kính

- Hỏi lúc vội vàng để xem cái trí

- Hẹn cho ngặt ngày để xem cái tín

- Uỷ cho tiền để xem cái nhân

- Giao việc nguy biến để xem cái tiết

- Cho đánh chén say sưa để xem cử chỉ

- Cho ở chỗ phiền tạp để xem thần sắc

Vậy thì không phải chỉ lời lẽ mềm mỏng hay cầm tay chỉ dẫn mới là dạy dỗ mà những tiếng quát mắng, la rầy hoặc mọi hình phạt thầy đã đối xử với ta đều là những bài học dạy ta cả. Bởi vì vị thầy nào cũng muốn học trò mình trong tương lai hành nghề giỏi giang bằng hoặc là hơn thầy, chứ không muốn trò dở dở ương ương, nghề không ra nghề, làm gì cũng không được thì thầy rất hổ thẹn với mọi người đồng nghiệp nói riêng, với quần chúng nói chung. Ôi! tấm lòng cao cả ấy làm sao chúng ta quên được những ngày ở bên thầy, cô học hỏi.

Đến lúc chúng ta ra hành nghề giao tiếp với đời, ta mới thấy những việc thầy, cô kỷ luật ta năm xưa là những lời bổ ích trong lúc này. Nó đã làm cho ta có ấn tượng sâu sắc khó quên. Cho nên những gian lao, khó khăn hay mọi hoàn cảnh trái ngang nghịch lòng, đều là những cái làm cho ta có thêm nghị lực, ý chí, chúng ta biết nương đó làm bàn đạp nhảy vọt vươn lên, chứ không phải làm nhục chí ta. Những hoàn cảnh ấy đã giúp cho ta một sức sống mạnh mẽ để phấn đấu ngẩng cao đầu cùng mọi người, mới có thể dễ dàng thành đạt nghề nghiệp của thầy, cô truyền trao nói riêng và trong mọi lĩnh vực nói chung.

Mọi người được bình an sống êm đềm hạnh phúc bên mái ấm gia đình cùng ông bà, cha mẹ, vợ (chồng), con cháu, thầy tổ, đệ tử, đệ tôn… Hoàn cảnh được yên vui như thế là nhờ công lao của các nhà chức trách đã bỏ công sức, tài trí ra phục vụ nhân quần. Và chúng ta cũng đừng quên ơn của các chiến sĩ ngày đêm lo gìn giữ an ninh trật tự cho đất nước thanh bình, an dân lạc nghiệp, cho nên cái ơn ấy cũng rất cao cả đáng kính trọng. Và hơn nữa, chúng ta cũng nên luôn thương tiếc, tưởng nhớ đến các anh hùng chiến sĩ tử trận vì quê hương tổ quốc, vì cuộc sống yên ấm của nhân dân mà một khi ra đi không bao giờ trở lại quê nhà. Đó là những vị thầy có nghĩa khí cao cả, dùng hết toàn lực, tâm lực phục vụ đất nước đem lại sự an lạc thái bình cho xã hội. Các vị ấy đã dạy bảo cho chúng ta phải biết vì mọi người thân cận nói riêng và toàn thể nhân quần nói chung. Chính vì thế, chúng ta phải biết trân trọng quý kính học tập noi theo gương hạnh ấy mà đền ơn đáp nghĩa, bằng cách đem lại sự bình an và làm lợi ích cho nhân loại cùng muôn loài. Dùng nhân lực, trí lực, hạnh lực, tâm lực cùng tài lực đóng góp một phần nào đó để xây dựng đất nước càng ngày càng phát triển giàu mạnh, xã hội đi lên theo sự tiến triển của khoa học hiện đại.

Mọi người chúng ta đều phải biết công ơn đó rất sâu nặng, nên đối với ông bà, cha mẹ, ta phải làm người con cháu ngoan hiền, thật thà, chất phát; đối với thầy dạy chữ, chúng ta phải xứng đáng giỏi giang văn hay chữ tốt; đối với thầy dạy nghề chúng ta hãy đem hết sức lực phụng sự quần chúng, xã hội; đối với vị thầy dạy tính cách sống tốt đẹp, chúng ta phải nhớ sâu và thực thi những tư cách ấy để ích mình lợi người. Chẳng hạn như đọc sử chúng ta thấy, bác Hồ Chí Minh đã hy sinh hạnh phúc riêng tư đem trọn cả cuộc đời trai tráng thanh xuân hiến dâng cho đất nước, cho dân tộc. Vì muốn đem lại sự bình yên cho đồng bào, cho đất nước được thái bình an lạc mà Bác không nệ gian khó, bôn ba tìm cầu học hỏi nơi tha phương, mong mỏi về nước nhà xây dựng nền văn hóa độc lập tự do, đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân quần xã hội, đưa đất nước đi lên được phồn thịnh. Bác đã đem hết tâm lực, trí lực, tài lực, hạnh lực và sức lực của mình để phục vụ cho đất nước cho đồng bào. Cho nên người sau thấy Bác là tấm gương sáng đáng cho mọi người hậu thế noi theo mới nói lên câu “Sống và học tập theo tấm gương sáng của Hồ Chí Minh vĩ đại”

Ngày nay chúng ta không phải bôn ba tha phương các nước cực nhọc học hỏi như Bác, chúng ta may mắn ở trong thời kỳ đất nước ổn định, vậy thì chúng ta hãy đem hết, tâm lực, trí lực, tài lực, hạnh lực, sức lực để đóng góp một phần nào đó giúp cho nhân dân đỡ lao nhọc trong mọi hình thức, xã hội được ổn định, đất nước ngày càng phát triển hưng thịnh. Đó mới thực sự là học tập và làm theo gương của bác Hồ Chí Minh,

Đối với mọi người chung quanh nói riêng, cả muôn loài, muôn sự vật, sự việc dù thuận hay nghịch nói chung thảy đều là thầy dạy ta cả, chúng ta phải biết trân trọng, biết yêu thương bảo bọc mà đừng làm đau khổ cho nhau.

Để đáp đền công ơn lớn lao đó, chúng ta phải nhiệt tình đem hết khả năng nghề nghiệp của mình đã học được ra phụng sự cho nhân loại, cho đất nước ngày càng hưng thịnh giàu đẹp, để không phụ tấm lòng cùng công lao thầy giáo dưỡng cho ta và danh tiếng thầy cũng được người sau ca tụng nhớ mãi đến. Thầy đã đào tạo cùng gầy dựng tương lai cho biết bao thế hệ trẻ trở thành người hữu ích, công lao ấy thật là khó tả, cho nên chúng ta đã học được nghề rồi thì phải hết sức mình để làm đẹp lòng thầy, dù thầy có ở suối vàng cũng hoan hỉ khi thấy những học trò của mình đã thành đạt và đóng góp giúp ích cho nhân quần xã hội một phần tốt đẹp nào đó. Đấy mới thật là một người trò biết ơn và đền ơn thầy một cách thiết thực.

Thầy ơi!

Thầy là hòn đảo hiện giữa biển khơi

Thầy là dòng suối lành nơi sa mạc

Là vầng hồng soi đêm tối vô minh

Là sữa pháp cho chúng con nếm vị

Nên ơn ấy con bền lòng khắc dạ

Quyết chí học, làm đúng với chánh tâm

Ngày nào đó lòng con điên đảo dứt

Chẳng ngỡ ngàng khi đã hết cơn mê

Sánh vai nhau đi hết quãng đường dài

Bằng sức sống với tình thương chan rải

Để đáp lại công ơn thầy dạy dỗ

Nguyện đem thân giúp đỡ chúng quần sinh

Con kính chúc thầy bình an vô sự

Và an nhàn trong nếp sống tâm linh

Trọn một đời với mùa xuân bất diệt

Làm gương sáng cho chúng con tiếp nối…

  • Thích Tính Thiền
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất