Thứ Ba, 26/11/2024
Môi trường
Thứ Sáu, 2/12/2011 22:0'(GMT+7)

Phải cấm nuôi đỉa và ốc bươu vàng

Trứng ốc bươu vàng.

Trứng ốc bươu vàng.

Ngày 1/12, tại cuộc họp báo do Bộ NN&PTNT tổ chức, ông Nguyễn Huy Điền - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, trong 1-2 ngày tới, Bộ sẽ ban hành văn bản về việc cấm nuôi đỉa và ốc bươu vàng.

Theo ông Điền, bộ cũng yêu cầu thanh tra các Sở NN&PTNT và Chi cục Thủy sản các địa phương tuyên truyền, vận động cho người dân biết về tác hại của việc nuôi đỉa và ốc bươu vàng trên đồng ruộng; tổ chức kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn người dân nuôi các sinh vật này.

Ốc bươu vàng là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm luôn tiềm ẩn trên ruộng lúa. Chúng sẵn sàng bùng phát gây hại nặng nếu gặp điều kiện thuận lợi cho chúng sinh sản, phát triển (thức ăn phù hợp) và phát tán (mực nước trên ruộng và trên các kênh mương, sông ngòi cao).

Theo các thống kê, nghiên cứu, ốc bươu vàng gây hại bằng cách cắn đứt mạ từ khi sạ đến khoảng 20 ngày sau, thường là ruộng sạ bị hại nặng hơn ruộng cấy. Chúng sống và gây hại chủ yếu trong nước, tuy nhiên ốc có thể sống trên cạn trong điều kiện bất lợi (khô hạn); khi có điều kiện thuận lợi (ruộng có nước), ốc trồi lên cắn phá trở lại. Ốc bươu vàng có thể gây hại suốt ngày đêm, đặc biệt gây hại chủ yếu vào chiều tối.

Theo các chuyên gia bảo vệ thực vật, để trừ ốc bươu vàng hiệu quả lâu dài, cần thiết phải áp dụng nhiều biện pháp mang tính tổng hợp, vừa thủ công vừa dùng thuốc hoá học, sẽ rất tốn công sức, tiền của.

Bên cạnh đó, thời gian qua, phía Trung Quốc thu mua đỉa với lượng lớn (giá từ vài trăm ngàn đến cả 2 triệu đồng/kg) khiến nhiều địa phương, người đổ xô đi bắt đỉa bán. Đồng thời, nhiều người tuyên bố về nếu bắt hết đỉa mà chưa đáp ứng được nhu cầu của thương lái thì họ sẽ chuyển sang nuôi đỉa vì đỉa dễ sống dễ nuôi và sinh sản nhanh.

Trước nguy cơ này, Hội Động vật học Việt Nam cho rằng: Đỉa là loài rất dễ sinh sôi nảy nở trong mọi điều kiện trong khi đó tiêu diệt đỉa lại vô cùng khó khăn. Hội này cảnh báo, nếu người dân đua nhau nuôi đỉa để bán, nhưng khi thương lái không thu mua nữa, nếu không kiểm soát được, một lượng lớn đỉa tràn ra môi trường tự nhiên sẽ gây hoạ không thể tính được.

Hiện tại, nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng sau khi bắt đỉa, người dân sàng lọc loại đỉa để bán còn lại thả tuỳ tiện ra môi trường gây rất nhiều phiền toái cho cư dân lân cận.

Viện trưởng Viện Sinh Thái và Tài nguyên sinh vật (Viện KHCN VN) – PGS, TS Lê Xuân Cảnh cho hay: “Nếu người dân nuôi đỉa tràn lan không kiểm soát sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cân bằng môi trường sinh thái. Muốn tiêu huỷ đỉa cần phải ngâm cồn rồi đốt thì đỉa mới chết hẳn. Còn các phương pháp như chặt chỉ càng khiến loài này sinh sản nhanh hơn”./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất