Thứ Sáu, 20/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 21/11/2014 20:14'(GMT+7)

Phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế hoạch và ngân sách

Phân cấp quản lý Ngân sách nhà nước là việc phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, mối quan hệ giữa Trung ương với chính quyền địa phương các cấp trong hoạt động thu chi ngân sách nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương được phân định nguồn thu và nhiệm vụ chi cụ thể. Trong trường hợp cơ quan quản lý nhà nước cấp trên ủy quyền cho cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới thực hiện nhiệm vụ chi của mình thì phải chuyển kinh phí từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới. Ngoài việc bổ sung nguồn thu và ủy quyền thực hiện nhiệm vụ nói trên, không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho ngân sách cấp khác.

Phân cấp quản lý ngân sách giữa các cấp chính quyền là một trong những nội dung quan trọng của phân cấp quản lý nhà nước. Việc phân cấp quản lý ngân sách được quy định tại Luật Ngân sách. Theo đó, chính quyền địa phương có quyền chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ ngân sách. Sau hơn 10 năm thực hiện luật Ngân sách 2002, có thể nói, các địa phương ngày càng được quyền tự chủ cao hơn và được quyền quyết định một số nhiệm vụ liên quan đến ngân sách.

Tại Hội thảo, ông Lê Viết Thái, Trưởng ban Ban Thể chế kinh tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho biết cần xác định lại nhiệm vụ Nhà nước trong mối quan hệ với phân cấp đổi mới kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và tái cơ cấu nền kinh tế. Từ đó, phân tích thực trạng năng lực (nhân sự, tài chính…) các cấp hành chính, phân chia nhiệm vụ cho mỗi cấp theo các hình thức phù hợp (tản quyền, ủy quyền, phân quyền). Trên cơ sở trên, cần hình thành 1 ban (nhóm) độc lập phối hợp cùng với Bộ Nội vụ và các bộ thực hiện nhiệm vụ trên, nhằm tránh hiện tượng “ôm đồm” nhiệm vụ vì lợi ích nhóm ở các bộ, các cấp.

Đánh giá thực trạng phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước ở Việt Nam, TS. Đặng Đức Anh, Vụ Tài chính, tiền tệ (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho rằng, những kết quả đã đạt được bao gồm:

Tăng tính chủ động, tích cực của chính quyền địa phương. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã chủ động hơn trong quyết định việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho từng cấp ngân sách ở địa phương trong phạm vi được phân cấp nhằm đảm bảo sự phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Ổn định ngân sách từ 3-5 năm, ổn định tỷ lệ phân chia và số bổ sung cân đối trong thời kỳ ổn định ngân sách, phân cấp nguồn thu cho ngân sách địa phương đã giúp chính quyền địa phương phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quản lý, khai thác có hiệu quả các nguồn thu, chủ động cân đối ngân sách, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chi ngân sách địa phương.

Phân cấp ngân sách đã tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc quy định rõ nguồn thu, nhiệm vụ chi và khoản ngân sách được chuyển giao từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương đã giúp các địa phương xác định và cân đối giữa nhu cầu với nguồn lực để thực hiện các ưu tiên đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, quyền tự chủ trong quyết định các khoản thu ngân sách của địa phương còn hạn chế. Địa phương chỉ có quyền quyết định một số loại phí, lệ phí theo phân cấp của Chính phủ và được quy định mức thu một số loại phí, lệ phí trong khung do Chính phủ quy định. Toàn bộ các quy định về thuế như loại thuế, mức thuế suất, cơ sở tính thuế… đều do Trung ương quy định. Như vậy, sẽ không khuyến khích được các địa phương khai thác lợi thế của mình và chủ động nuôi dưỡng, phát triển các nguồn thu tiềm năng của địa phương.

Bên cạnh đó, các chính sách miễn, giảm, giãn thời hạn nộp một số sắc thuế, khoản thu ngân sách nhà nước gây ảnh hưởng tới nguồn thu của địa phương trong khi các nhiệm vụ chi không giảm. Các địa phương được phân cấp thêm các nhiệm vụ, nhưng việc phân cấp quản lý ngân sách không thay đổi, dẫn đến việc địa phương rất khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý do không đủ nguồn lực.

Các ý kiến tham luận tại hội thảo đều cho rằng, cần từng bước tăng sự tự chủ tài khóa cho chính quyền địa phương, đặc biệt là những nguồn thu địa phương được hưởng 100%, gắn với việc quản lý và cung ứng dịch vụ công tại địa phương. Cần điều chỉnh phương thức chia sẻ nguồn thu trong một số sắc thuế, cụ thể là thuế giá trị gia tăng. Xây dựng cơ chế điều hòa theo chiều ngang giữa ngân sách cấp xã, cấp huyện trong một tỉnh.  Xây dựng cơ chế tài chính ngân sách trung hạn. Xác định quy mô tổng nguồn ngân sách dùng để bổ sung cho các địa phương cũng như các nguyên tắc (công thức) sử dụng cho việc xác định mức bổ sung.

Hoàn thiện hệ thống tiêu chí, các nguyên tắc về bổ sung có mục tiêu gắn với các định hướng và chiến lược phát triển ưu tiên của từng vùng, miền và kế hoạch trung hạn của địa phương.

Đánh giá lại việc thực hiện nguyên tắc “ngân sách địa phương không được bội chi” vì quy định này đang mâu thuẫn với thực tế tại nhiều địa phương.

Quy định cụ thể và hợp lý các giới hạn vay nợ của chính quyền địa phương trên cơ sở gắn với khả năng trả nợ của địa phương. VÍ dụ như theo tỷ lệ giữa nghĩa vụ trả nợ (bao gồm cả gốc và lãi) với nguồn thu trên địa bàn (bao gồm cả khoản thu phân chia) hoặc nguồn thu của địa phương có tính ổn định cao.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất