Chủ Nhật, 24/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Hai, 27/10/2008 19:45'(GMT+7)

Phật ca và khát vọng tôn vinh văn hóa Việt

Biểu diễn tác phẩm tại Đại lễ Phật Đản

Biểu diễn tác phẩm tại Đại lễ Phật Đản

Trước khi “ngắm nghía” tổng phổ, nghe và xem nhiều lần Khai giác qua CD và DVD, tôi đã phần nào hình dung ra diện mạo “Phật ca” qua giọng hát và tiếng đàn của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo. Đó là một màn “tự biên tự diễn” ngay tại căn nhà ven hồ Hoàng Cầu, trên chính chiếc piano mà từ đó người đàn ông nhỏ nhắn đã tạo nên đứa con hoành tráng. Cách thưởng thức từ từ từng chút một, hơi khác thường so với thính giả thông thường, đã cho tôi thấu dần, ngấm dần cuộc hành trình kì bí của tâm thức, dựa theo tích chuyện bảy tuần nhập thiền hóa Phật của đức ngài Thích Ca Mâu Ni.

Sau hồi chuông chùa báo chúng, cuộc tham thiền nhập định bắt đầu bằng câu niệm “Nam mô” - nét nhạc chủ đạo của chương I Thiền quán tưởng. Trang nghiêm, tôn kính, thoát tục, nhưng bức tranh Á Đông không khép kín mà hướng ra thiên nhiên rộng mở, dàn trải theo những thang âm ngũ cung thuần khiết và đầy ngẫu hứng trên những chồng âm đa sắc đa màu. Bất ngờ là nhà soạn nhạc vốn ưa sự trúc trắc ít tính giai điệu, giờ đây lại cất lên những âm điệu quê nhà.



Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo sinh năm 1940 tại Hà Nội. Ông là một Việt kiều yêu  nước tại Pháp đã được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, và được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) trao Huy chương Chiến sĩ Văn hóa.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đã được ghi tên vào từ điển Danh nhân Thế giới - Le  Petit Larousse từ năm 1982, được nhận Giải thưởng André Caplet của Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pháp cho toàn bộ tác phẩm của mình năm 1983, được chính phủ Pháp tặng Huân chương Chaevalier des Arts et des Lettres năm 1984.

Triền miên vê đều hoặc run rảy láy rền những quãng cực nhỏ là những sợi âm thanh thường gặp ở Nguyễn Thiện Đạo đã dệt thành tấm mạng căng chùng uốn lượn theo gió. Bốn bè hợp xướng xôn xao những lời ca khác nhau trong cuộc kiếm tìm “con mắt thứ ba” sáng tỏ hơn hai mắt thường, ấy là con mắt của nhận thức. Rồi hợp xướng với kĩ thuật hát không lời thế vai dàn nhạc tạo nền cho lời thơ thầm thì như từ thẳm sâu tâm thức cất lên:

Mênh mông bể khổ là lí trí
Cửa Phật từ bi tỉnh thức lòng...

Chuông chùa lại thỉnh đưa dẫn nét nhạc “Nam mô” trở về, khép lại tuần đầu tiên nơi cửa Phật.

Chương II Tử, mở ra một cảnh tượng bí hiểm, như cái chết luôn là điều bí hiểm đối với con người. Cái chết nghiệt ngã giáng xuống những khoảnh lặng bất ngờ sau mỗi đỉnh cao âm lượng. Đối mặt với số phận, con người phải vượt qua biển âm thanh rùng rợn, lúc ì ầm sóng xa, lúc thất thanh gió hú. Như có sự hoán đổi trong âm sắc: dàn dây rì rầm như tiếng người, còn giọng người lại giống một nhạc cụ đặc biệt phát ra những chuỗi nguyên âm ma quái “ơ, o, ô, u, ư, i, a, e, ê”.

Cả tấn trò đời gói vào chương III Sinh. Nhân gian bên ngoài cửa Phật vẫn ngày ngày buồn vui đảo điên với các khúc: Cuồng - điên khùng trong nghi ngờ và oán hận qua giọng nam cao hát “chay” không nhạc đệm; Hỉ - ngợi ca tình bất diệt bằng vẻ trẻ trung của giọng nữ cực cao lảnh lót như chim hót trên những con sóng âm thanh bồng bềnh; Nộ - dữ dằn trong cơn tức giận ở giọng nam trầm bị kích động thêm bằng âm sắc gay gắt của đồng và gõ.

Tính kịch luôn được đẩy cao trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Thiện Đạo không chỉ gợi nhớ đến kĩ thuật kinh điển của opéra, mà ở đây hơn lúc nào hết còn thấy cả sự khích lệ bởi tinh thần âm nhạc sân khấu cổ truyền dân tộc. Chất chèo, chất tuồng đem lại sự chao đảo, phóng khoáng trong cao độ và tiết tấu. Bất an vì những quãng chơi vơi “không thăng không bình” tựa như các bậc “non - già” của tổ tiên, thính giác còn không ngừng bị tác động mạnh từ những quãng nhảy xa, những cú nhấn lệch và hàng loạt kĩ xảo rung, dồn, nảy hoặc ngắt đột ngột.

Chương IV Trừ tà, gầm gào thác đổ, bất tận và bất định trên những nét lướt bán âm của dàn nhạc và những tiếng hú ghê rợn của hợp xướng. Tà khí đâu chỉ có trong thế lực ma quỷ, mà còn thấy ở những cám dỗ nơi trần thế.

Ấn tượng nhất, bất ngờ nhất là sự độc đáo của chương V Thiền nhập định. Không theo nguyên tắc phức điệu châu Âu, mà uyển chuyển và sống động như lối đàn ca ngẫu hứng cổ truyền Việt Nam, một kiểu kết hợp đa tầng rất hiệu quả đã hình thành giữa ngữ điệu của đoàn tăng lữ tụng kinh “Bát nhã”, trên âm sắc và tiết tấu trường canh của mõ chùa, càng về cuối càng dồn mau, thêm hai giọng ngân nga đầy mê lực của hai vị chư tăng, cộng với ngữ điệu đọc thơ của giọng nam trầm làm lay động cả tâm can: “Phật ở đâu? Phật ở đâu xin ẩn hiện linh đàn”, và còn phải kể đến sự chuyển động không dứt trên những âm thanh láy vuốt của dàn nhạc để cuối cùng hòa vào âm sắc dịu êm của hợp xướng nữ.

Chương VI Bay lên trữ tình lãng mạn với dàn dây da diết chất ca xướng hiếm thấy trước đây ở tác giả hiện đại này. Sóng âm thanh chập chờn, lan tỏa khắp thinh không, nối dài theo tiếng cồng dội vang. Chuông chùa đã đổ. Đức ngài đã đạt chính quả. Đó là cuộc thăng hoa huyền ảo giữa đất trời giao hòa, ngỡ như thấy lại cảnh rồng gặp mây trong truyền thuyết Thăng Long.

Chương VII Niết bàn trở lại với âm hình chủ đạo “Nam mô” trong không gian rộng mở, hài hòa, linh thiêng. Một cái kết đầy mãnh lực bừng lên trong chuyển động ngược hướng giữa hợp xướng với kèn đồng và bộ gõ. Cõi tâm linh mênh mang, cõi tâm linh bất diệt.

Bản “Phật ca” của một người luôn hướng tới âm nhạc của vũ trụ, âm nhạc của thiên nhiên không hẳn chỉ là thế giới thần tiên ma quỷ, không hẳn chỉ có thiên nhiên thoát tục thiếu vắng con người. Con người trần thế trong vòng sinh tử với đủ mọi hỉ nộ ái ố được khai giác từ những khát vọng rất nhân văn. Vũ trụ, thiên nhiên, tính nhân văn, tính dân tộc... tất cả đều được diễn giải bằng âm sắc và cách pha trộn, sắp đặt theo bảng màu riêng, bí quyết riêng của thầy “phù thủy âm thanh” Nguyễn Thiện Đạo.

Vẫn cách phối khí tương phản gay gắt về cường độ và hòa âm, vẫn những cuộc đối thoại đầy ấn tượng giữa dàn nhạc với hợp xướng hoặc giọng đọc thơ, cũng như cuộc hội ngộ giữa dàn nhạc Tây với nhạc cụ ta, Khai giác còn đi xa hơn trong kì vọng tôn vinh bản sắc Việt. Đó là các yếu tố ít nhiều ở trên đã nhắc tới: âm sắc nhạc cụ gõ dân tộc (cồng, chuông chùa và đặc biệt là mõ chùa), tính kịch mang hơi hướng tuồng và chèo, sự kết hợp ngẫu hứng nhiều bè theo lối hòa tấu cổ truyền. Và đáng chú ý hơn cả là cách sử dụng giọng người.

Giọng người ở đây mang nhiều “tính nhạc khí”: cách hát gần với các “ngón” diễn tấu nhạc cụ, lời ca nhiều khi không cần đến ngữ nghĩa, không “tuân thủ” dấu giọng (kiểu như “a di đà Phất”), cứ như chỉ để cảm nhận sắc màu từ cách phát âm. Thực ra khi mượn lời từ bài kệ của Phật tử Ngô Minh Thơm, nhạc sĩ không chủ định phổ thơ, mà để những đoạn thơ cần chuyển tải nội dung được đọc trên nền nhạc. Đây là một cách tôn vinh ngữ điệu tiếng Việt, một ngôn ngữ tự thân đã có giai điệu.

Thêm chứng cứ nữa về sự tôn vinh bản sắc là nét nhạc chủ đạo của chương đầu và cuối với vai trò mở và đóng tác phẩm (như một vòng luân hồi khép kín) cũng được định hình từ ngữ điệu tiếng nói (“Nam mô a di đà”).

Bản “Phật ca” sinh ra tại Hà Nội, vang lên lần đầu giữa Thủ đô đã nối tiếp dòng chảy của chuỗi tác phẩm gắn với đất Thăng Long - Hà Nội trong suốt mười năm nay của nhà soạn nhạc Tiên phong: Hồn non nước (1998), Sóng hồn (2000), Sóng nhất nguyên (2002)... Đây cũng là sự tiếp tục một con đường như ông từng “tuyên ngôn”: “Dân tộc đích thực, âm nhạc tiên phong”. Con đường ấy sẽ còn được nối dài bằng những tác phẩm mới của nhà soạn nhạc chưa hề biết mệt mỏi, vì ở ông chẳng khi nào nguôi ngoai một khát vọng nếu diễn tả ngắn gọn bằng cách mượn lời nhà văn Nguyễn Minh Châu từng nói: “Đi đến tận cùng Dân tộc, ta sẽ gặp Nhân loại”.

 

Về tác phẩm Khai giác

“Mong muốn của tôi là viết một bản nhạc về Phật giáo để trước hết là phục vụ cho Đại lễ Phật Đản, sau đó là bổ sung cho nền âm nhạc Việt Nam một tác phẩm dòng nhạc Phật được xem là lớn nhất từ trước tới nay” Khai giác lấy từ chữ: “Ẩn hiện hư vô tính khai giác” 

                                                                                                        Nguyễn Thiện Đạo


(Nhân Dân điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất