(TG) - Sáng ngày (31/3), tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ với sự hỗ trợ của BSA - Liên minh Phần mềm, tổ chức Lễ công bố chương trình ''Tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4".
Đến dự Lễ công bố có sự tham gia của đại diện các thành viên của Chương trình phối hợp hành động về phòng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) giai đoạn 2012-2015 (gọi tắt là Chương trình 168) gồm 9 bộ ngành, các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan báo chí.
Tại lễ công bố khai mạc chương trình "Tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4" Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết: Nhằm nâng cao nhận thức pháp lý của công chúng về quyền SHTT trong việc xác lập, khai thác, phát triển và bảo vệ giá trị tài sản SHTT; Khuyến khích hoạt động nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; Tạo ra nhận thức trong toàn xã hội để chuẩn bị cho hội nhập TPP, ''Tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới” (từ 31/3 đến 30/4) sẽ tập trung vào việc phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT; Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về SHTT sẽ tiếp tục được triển khai và đẩy mạnh vào tháng 5 và các tháng tiếp theo.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhấn mạnh: Mục tiêu của ''Tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới" nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội và công tác này, đặc biệt nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý SHTT, các cơ quan thực thi quyền SHTT trong bảo hộ và thực thi quyền SHTT; các cơ quan thông tấn báo chí trong việc tuyên truyền các vấn đề liên quan đến SHTT; trách nhiệm của chủ thể quyền trong việc tự bảo vệ quyền SHTT cũng như trách nhiệm của người tiêu dùng đối với công tác này, đóng góp thiết thực vào sự lớn mạnh và phát triển của đất nước.
Hoạt động thực thi quyền SHTT trong những năm qua của Việt Nam đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương: Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, pho biến quy định của pháp luật về SHTT nhằm nâng cao nhận thức của công chúng cũng như nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền SHTT của chủ thể quyền; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho các cán bộ đầu mối, lực lượng thực thi quyền SHTT trong phạm vi toàn quốc; bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu để thiết lập, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng thực thi; công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT tiếp tục đạt những chuyển biến tích cực.
Báo các của ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, Trưởng Ban Thường trực Chương trình 168 cho biết: Trong năm 2013 và 2014, lực lượng thanh tra, kiểm tra ở các bộ, ngành và địa phương (Thanh tra KH&CN, Quản lý thị trường, Công an, Hải quan) đã xử lý 32.474 vụ việc liên quan đến hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp... với tổng số tiền phạt lên tới 139 tỷ đồng; buộc loại bỏ, tiêu hủy yếu tố vi phạm đối với hàng trăm nghìn sản phẩm xâm phạm quyền SHCN, cạnh tranh không lành mạnh; buộc tiêu hủy hàng chục nghìn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, vỏ hộp, tem nhãn vi phạm.
Riêng trong lĩnh vực thực thi bảo hộ bản quyền phần mềm máy tính, Phó Chánh Thanh tra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Trần Văn Minh cho biết: Năm 2014, Thanh tra Bộ VHTTDL đã tiến hành thanh tra, kiềm tra 121 cuộc trong đó thanh tra đột xuất 82 doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới 1.570.000.000đồng.
Ông Trần Văn Minh cho biết thêm: Riêng Quý I năm 2015, nằm trong chương trình hưởng ứng ngày SHTT thế giới, Thanh tra Bộ VHTTDL đã phối hợp với cơ quan chức năng, thanh tra đột xuất một số doanh nghiệp tại Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hà Nam, kiểm tra 426 máy tính. Hiện nay, các doanh nghiệp đang làm việc với chủ sở hữu để khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại và chấp hành nghiêm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan thanh tra.
Với những nỗ lực của các cơ quan chức năng, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quyền SHTT đã góp phần tích cực cho việc tuyên truyền, giáo dục, răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về SHTT, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, người tiêu dùng và cho xã hội, góp phần làm lành mạnh hoá môi trường kinh doanh và thu hút các nguồn đầu tư vào các hoạt động sáng tạo.
Ông Roland Chan, Giám đốc cấp cao phụ trách Chương trình Tuân thủ, khu vực Châu Á Thái Bình Dương của BSA - Liên minh Phần mềm chia sẻ tại Lễ công bố: Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực to lớn và những kết quả đáng ghi nhận bước đầu của các cơ quan Chính phủ Việt Nam trong công cuộc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong những năm qua, đặc biệt trong 1ĩnh vực phần mềm máy tính. Những hành động này của Chính phủ Việt Nam có ý nghĩa quan trọng tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Bảo vệ quyền SHTT là một công cuộc khó khăn, lâu dài, đặc biệt đợi với một nền kinh tế mới nổi đang hội nhập sâu rộng như Việt Nam, ngoài nỗ lực của Chính phủ, cần sự chung tay của các tổ chức, các ngành, các doanh nghiệp và toàn xã hội. Trong nhiều năm qua, một số cơ quan Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hoạt động hợp tác đẩy mạnh bảo vệ quyền SHTT trong đó có hợp tác với BSA về lĩnh vực phần mềm máy tính. Bộ Khoa học & Công nghệ tiếp tục hợp tác với BSA - Liên minh Phần mềm với mong muốn công cuộc bảo hộ và thực thi quyền SHTT của Việt Nam sẽ đạt được những kết quả lớn trong thời gian tới./.
Duy Phong