Sau "Tam Quốc ​Chí" là "Tư trị Thông giám"

Như đã đề cập ở trên, rất ít độc giả Việt Nam biết đến “Tư trị Thông giám” chính vì trở ngại đến từ sự đồ sộ và ngôn ngữ cổ văn được dùng để chép bộ biên niên sử này, bất chấp nó từng là “sách giáo khoa” của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam dùng để học đạo trị quốc và tuyển dụng nhân tài. 

Hơn 3 triệu chữ Hán cổ của “Tư trị Thông giám” khi được dịch trọn vẹn sang tiếng Việt, sẽ phân thành 18 tập. 

Cuối tháng 11/2017 này, tập Một của bộ “Tư trị Thông giám” sẽ được nhà xuất bản Văn Học phát hành tại Việt Nam. Các tập còn lại sẽ được xuất bản tuần tự trong 4-5 năm tới.

Để có được điều này, nhóm dịch giả gồm Bùi Thông - Phạm Thành Long - Nguyễn Đức Vịnh đã phải làm việc miệt mài trong nhiều năm. Đó là một công việc khổ ải được khích lệ bởi niềm đam mê cổ văn.

Nhắc đến Bùi Thông - Phạm Thành Long, chắc hẳn những độc giả đam mê lịch sử sẽ nhận ra đó chính là 2 dịch giả đã chuyển ngữ thành công bộ sử “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ năm 2016. 

Sau tác phẩm “Tam Quốc Chí” chính sử được độc giả chào đón liệt nhiệt đó, những dịch giả tay ngang của làng sử và dịch thuật này lại tiếp tục cuộc chơi của mình với “Tư trị Thông giám,” vốn khó và đồ sộ hơn “Tam Quốc Chí” nhiều lần.

Ngoài yếu tố đam mê, họ còn khao khát đem bộ sử quan trọng này tới độc giả Việt Nam để chúng ta hiểu rõ về Trung Quốc, thông qua bộ sử quan trọng nhất vốn là sách gối đầu giường của nhiều lãnh đạo Trung Quốc.

Những gì được lưu chép từ nghìn xưa truyền lại đến ngày nay đều được coi là “túi khôn.” Vậy nên, “Tư trị Thông giám” xứng đáng được coi là cẩm nang tinh hoa để độc giả Việt Nam hiểu rõ lịch sử Trung Quốc thông qua 1.362 năm hoạt động chính trị, quân sự, kinh tế,văn hóa, tư tưởng, chính sách đối nội - đối ngoại…

Đó chính là lý do khiến bộ biên niên sử nghìn năm này được phát hành tại Việt Nam./.

Tuệ Lam/VietNam+