Thứ Hai, 23/12/2024
Văn hóa
Thứ Bảy, 6/5/2017 19:36'(GMT+7)

Phát hiện di tích cổ trên núi Thiên Bút (Quảng Ngãi)

Bộ Linga-Yoni được phát hiện tại núi Thiên Bút có kích thước lớn nhất từ trước đến nay.

Bộ Linga-Yoni được phát hiện tại núi Thiên Bút có kích thước lớn nhất từ trước đến nay.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, sau 1 tháng tiến hành khai quật tại tháp núi Bút (bắt đầu từ ngày 17/2/2017), các nhà khảo cổ đã thu được nhiều hiện vật; đã đăng ký số và làm phiếu hiện vật cho 109 hiện vật di tích tháp núi Bút. Các hiện vật thu được bao gồm nhiều loại chất liệu: Đất nung, gốm sứ có men, đá. Ngoài ra còn có gần 2.000 mảnh vỡ hiện vật gồm gạch vỡ, mảnh gốm, sành, sứ. 

Trong đó có một số hiện vật được đánh giá là quý, hiếm, ít xuất hiện như: Hai tượng Kinnari, hai đầu tượng Nam thần, không còn nguyên vẹn; một đầu tượng rắn Naga chất liệu đá.

Đặc biệt, bộ Linga-Yoni được phát hiện ở đây có kích thước lớn nhất từ trước đến nay. Linga có đường kính 40cm, cao 43cm. Yoni dài 168cm, rộng 124,4cm, dày 25,5cm.

Theo nhận xét sơ bộ của các chuyên gia, tháp núi Thiên Bút có phần tương đồng, gần giống với tháp chính của Tháp Bà (Nha Trang), tháp chính của tháp Bánh Ít (Bình Định) và tháp chính nhóm G ở thánh địa Mỹ Sơn (Mỹ Sơn G1 - Quảng Nam). Các tháp trên đều có niên đại nửa cuối thế kỷ XI và đầu thế kỷ XII.

Các mảnh đá trang trí góc tháp núi Thiên Bút vừa gần giống phong cách chuyển tiếp, vừa gần giống phong cách Bình Định. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng niên đại của tháp núi Thiên Bút có thể ở cuối phong cách chuyển tiếp, đầu phong cách Bình Định, nghĩa là khoảng cuối thế kỷ XI.

Tháp núi Thiên Bút, di tích Chăm mới là một trong số rất ít di tích Chăm được các nhà khoa học Việt Nam phát hiện, khai quật và nghiên cứu. Các nhà khảo cổ kiến nghị như: Cần bảo tồn và sớm phục hồi lại nguyên trạng một cách khoa học bình đồ móng tháp Chăm núi Thiên Bút; bảo vệ và phát huy di tích đã được phục hồi bằng một kiến trúc vừa có chức năng bảo vệ, vừa có hình thức thẩm mỹ tương xứng với giá trị và phù hợp với cảnh quan đặc biệt của núi Bút. 

Ngoài ra, có thể xây dựng tại núi Thiên Bút một ngôi đền để đặt và bảo vệ Linga - Yoni tháp núi Bút, cùng các hiện vật có giá trị mới phát hiện để nhân dân và du khách đến chiêm bái... Cơ quan chức năng cũng cần xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận tháp núi Bút là di tích khảo cổ, nghệ thuật kiến trúc Chăm cấp quốc gia; xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận bộ Linnga - Yoni, tháp núi Thiên Bút là bảo vật quốc gia./.

Theo chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất