Chủ Nhật, 6/10/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 7/2/2010 21:34'(GMT+7)

Phát hiện văn bản bài thơ “Nam quốc sơn hà”

Qua lời kể của các cụ cao niên trong thôn, cuốn thần tích này đã được các bậc tiền nhân gìn giữ từ xưa cùng với 8 đạo sắc phong cho Tam Giang uy địch Thượng đẳng thần.

Cuốn Thần tích Tản Viên Sơn tam vị thối Thượng đẳng phúc thần ngọc phả ký, có 51 trang giấy dó cổ lâu ngày đã cũ, kích thước 29x17 cm, chữ viết theo lối chữ chân, không ghi tên người sao, sao ở đâu, sao vào thời gian nào, nhưng dựa vào nội dung và hình thức thì có thể bản thần tích này được sao ở địa bàn huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, vào thời Nguyễn (1802 - 1945) và do các cụ đồ nho sao lại.

Đáng chú ý trong bản thần tích này chép sự tích thánh Tam Giang (Tam Giang đại vương liệt vị tự điển lục xuất sử ký bách thần truyện). Nội dung bản thần tích dài, ý phong phú nói về sự tích Thánh Tam Giang tên hiệu là Trương Hống và Trương Hát âm phù giúp Lý Thường Kiệt đánh giặc Tống trên sông Như Nguyệt (sông Cầu) trong đó có bài thơ Nam quốc sơn hà. Nội dung cuốn thần tích được lược dịch như sau:

Thánh Tam Giang tên hiệu của hai vị trung thần là Trương Hống và Trương Hát giúp Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) đánh giặc Lương lập nhiều chiến công. Tương truyền thân mẫu của hai ông là người làng Vân Mẫu, nằm mộng đến tắm ở bến Nguyệt Giang (Như Nguyệt) bị giao long quấn rồi có mang sinh ra hai ông.

Khi lớn lên hai anh em đều tài giỏi, văn võ song toàn theo Triệu Việt Vương làm tướng đánh đuổi giặc Lương ra khỏi bờ cõi. Triệu Việt Vương lên ngôi vua. Lý Phật Tử âm mưu lật đổ, hai ông đã từng can ngăn Triệu Việt Vương không nên giảng hoà với Lý Phật Tử và gả con gái là Cảo Nương cho Phật Tử. Sau khi Lý Phật Tử chiếm được nước, dụ hai ông ra làm quan. Hai ông trả lời: “Tôi trung không làm quan với kẻ đã giết chủ mình...” rồi lánh về ẩn ở núi Phù Long (có chỗ chép núi Lạn Kha). Hậu Lý Nam Đế cho vời nhiều lần, nhưng hai ông quyết không ra. Vua ra lệnh ai chém được thủ cấp hai người thì thưởng ngàn vàng.

Hai ông bèn cùng gia quyến lên thuyền chèo ra giữa dòng sông rồi tự đánh chìm thuyền mà chết. Thi thể ông Cả dạt vào cửa Vũ Bình, ông Hai thì trôi vào sông Nam Bình. Về sau âm hồn hai ông lại phù giúp Ngô Nam Tấn Vương đi dẹp giặc Lý Huy nên được phong là “Tam giang Khước Địch Đại vương” và “Tam giang Uy Địch Đại vương”.

Đến thời nhà Hậu Lý vua sai Lý Thường Kiệt đi đánh giặc Tống trên sông Như Nguyệt đã đến đóng đại bản doanh ở đền thờ Cao Sơn trên núi đền Yên Phụ. Lý Thường Kiệt sắm lễ cầu đảo xin thần giúp kế đánh giặc. Đêm ấy Lý Thường Kiệt nằm mộng gặp thần hiện lên bảo rằng: “Tướng quân hãy đến đền Xà mượn quân của Thánh Tam Giang, còn ta không có lính tráng, nhưng cũng sẽ giúp Tướng quân”.

Nghe lời dặn của Cao Sơn, Lý Thường Kiệt sắm lễ tới đền Xà cầu xin Thánh Tam Giang. Tam Giang vui vẻ nhận lời và cho mượn quân chia làm hai đạo đi đánh quân Tống: đạo Cờ trắng đánh từ Ngã Ba Xà ngược lên tới Đu, Đuổm (Thái Nguyên), đạo quân Cờ xanh đánh từ Ngã Ba Xà xuôi xuống tận sông Lục Đầu. Thế rồi vào một đêm mưa to gió lớn được quân của Thánh Tam Giang ngầm giúp, Lý Thường Kiệt tổ chức đánh úp đồn quân Tống ở Mai Thượng. Từ trên không trung bỗng nghe văng vẳng người đọc vần thơ đanh thép:

 Nam quốc sơn hà Nam đế cư

 Hoàng thiên phân định tại thiên thư

Như hà nghịch tặc lai xâm ngã

Nhất đán phong vân tận tảo trừ.

Tạm dịch:

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Vua trời đã định tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Một trận gió thổi quét sạch không.

Quả nhiên trận ấy quân ta vừa đánh thì giặc đã tan. Sau khi thắng trận, Lý Thường Kiệt tâu lên vua Lý về công trạng của Thánh Tam Giang, vua rất tán thưởng và phong cho Thánh Tam Giang làm phúc thần Thượng đẳng phối thờ với các vị Thành hoàng ở miếu, đền, đình của nhiều làng, xã...

Việc phát hiện ra văn bản thần tích ở di tích xã Đông Cao, trong đó có bài thơ Nam quốc sơn hà dị bản (chữ in nghiêng đậm trong nội dung bài thơ) so với bản trong sách giáo khoa Văn học lớp 9 (XB năm 2008) là một phát hiện mới ở Thái Nguyên. So với một số văn bản khác như bản trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên (Bản kỷ, Quyển III - Kỷ nhà Lý) NXB KHXH–HN, trang 279, do Ngô Đức Thọ dịch. Sở dĩ chúng tôi chọn 2 dẫn chứng nói trên vì đó là những văn bản phổ biến nhất và đã được đưa vào chương trình văn học của nhà trường.

Văn bản bài thơ Nam quốc sơn hà được chép trong Thần tích ở Nghè Nam Đô, xã Đông Cao, huyện Phổ Yên là văn bản được công bố đầu tiên. Văn bản này có giá trị lịch sử văn hóa nhất định, giúp chúng ta hiểu thêm về một vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa. Văn bản bài thơ góp thêm vào kho tàng di sản văn học dân tộc, tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn bản học - Bài thơ “thần” đã từng nổi tiếng gắn với tên tuổi tướng quân Lý Thường Kiệt vang dội một thời chống giặc Tống trên Phòng tuyến sông Như Nguyệt ở thế kỷ XI.

Nguyễn Đình Hưng-VanhoaOnline

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất