Thứ Năm, 21/11/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 23/10/2024 18:0'(GMT+7)

Phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Nam Định làm nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững

Nghi lễ rước kiệu trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần

Nghi lễ rước kiệu trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần

Trải qua tiến trình lịch sử đã hình thành nhiều giá trị văn hóa phong phú, thể hiện sinh động qua hệ thống văn hóa vật thể và phi vật thể với hơn 100 lễ hội truyền thống, gần 1.400 di tích lịch sử văn hóa… Đó chính là vốn quý và sức sống của Nam Định, nền tảng cho sự phát triển không chỉ của quá khứ mà trong cả hiện tại và tương lai.

ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP ĐẦU TƯ CHO PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

Quán triệt sâu sắc quan điểm Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, tỉnh Nam Định đã cụ thể hoá thành các chủ trương, nghị quyết, kế hoạch, đề án, chương trình hành động phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Ngày 9/6/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về “Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định”, với mục tiêu phát huy truyền thống văn hiến của quê hương Nam Định, tiếp thu tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định: Tiếp tục khơi dậy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để xây dựng Nam Định phát triển nhanh và bền vững”. Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm để bảo tồn và phát huy các giá trị, nguồn lực văn hóa.

Tỉnh luôn ưu tiên quỹ đất và đầu tư cơ sở vật chất xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Hiện nay, 100% huyện, thành phố đều có trung tâm văn hoá, thông tin và thể thao; 100% xã, phường, thị trấn, thôn/xóm/tổ dân phố có nhà văn hóa/nơi sinh hoạt văn hóa. Một số công trình văn hoá mang tính biểu tượng như: Khu trung tâm Lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần, Khu di tích quần thể Phủ Dầyquần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh…, tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng để xứng tầm với giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Dự án Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần có tổng diện tích 92,53 ha, vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng được khởi công xây dựng năm 2019, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các hạng mục giai đoạn I. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách trong nước và quốc tế tới tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa.

Công tác bảo tồn, quản lý di tích ngày càng được chú trọng. Đã có hàng trăm di tích được trùng tu, tôn tạo; nhiều di vật, cổ vật được thu thập, đăng ký, bảo quản; nhiều di sản văn hoá phi vật thể được sưu tầm, tư liệu hoá. Đặc biệt, tỉnh đã phê duyệt Đề án và thành lập Hội bảo vệ, phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2016. Các lễ hội, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra theo hướng văn minh, lành mạnh, tuân thủ đúng pháp luật. Toàn tỉnh có 1.452 lượt xứ, họ đạo đạt tiêu chí Xứ, họ đạo tiên tiến”; 98.793 lượt gia đình Công giáo đạt danh hiệu “Gia đình Công giáo gương mẫu”.

Các địa phương, đơn vị phát động và triển khai nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả nhiều phong trào xây dựng đời sống văn hoá, tạo sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của Nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng phát triển cả về lượng và chất, đi vào chiều sâu. Toàn tỉnh có 2.160 hương ước, quy ước đã được công nhận, góp phần bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, xây dựng các giá trị văn hoá mới, quy tắc ứng xử văn minh. Bên cạnh đó, việc xây dựng gia đình, dòng họ, thôn, xóm, cơ quan, trường học văn hóa được đẩy mạnh đã tác động tích cực đến đời sống văn hóa ở cơ sở, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn. Thành phố Nam Định tiếp tục giữ vững là đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp; huyện Hải Hậu liên tục trên 40 năm đạt danh hiệu điển hình văn hóa - thông tin cấp huyện của cả nước, 4 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Việc phát triển công nghiệp văn hóa được tập trung, từ khai thác thế mạnh của di tích lịch sử - văn hoá, làng nghề đặc trưng, lễ hội tiêu biểu đến các dịch vụ du lịch, biểu diễn nghệ thuật, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hoá đa dạng, đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Việc xây dựng văn hóa trong kinh tế được các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện, nhất là việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Toàn cảnh Dự án Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần

Toàn cảnh Dự án Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần

 

XÁC ĐỊNH CON NGƯỜI GIỮ VỊ TRÍ TRUNG TÂM TRONG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN

Tỉnh ủy Nam Định xác định, con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; trên nền tảng truyền thống tốt đẹp của quê hương. Vì thế, tỉnh đã đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới, tăng cường chỉ đạo việc giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng con người Nam Định phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, tri thức, thể chất, tâm hồn và trách nhiệm xã hội. Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, Kết luận số 21-KL/TW về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đến nay, 100% các huyện, thành, đảng ủy trực thuộc; 95% các đảng bộ, chi bộ cơ sở đã xây dựng chuẩn mực đạo đức góp phần tạo chuyển biến rõ nét về tác phong, phong cách, lề lối làm việc, phát huy tính tiền phong, gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên, từ đó tạo sự lan tỏa trong cả hệ thống chính trị và Nhân dân toàn tỉnh.

Việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được chú trọng.Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách trọng dụng, đãi ngộ nhân tài và khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đi học nâng cao trình độ chuyên môn. Hiện nay, tỷ lệ lao động có việc làm đã qua đào tạo đạt trên 75%, đội ngũ trí thức toàn tỉnh gồm 36.589 người. Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh giữ vững thành tích 30 năm liên tục dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục; nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; trong 9 năm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Nam Định luôn trong top 3 tỉnh đứng đầu toàn quốc về điểm trung bình các môn thi, trong đó có 6 năm đứng thứ nhất.

 

Hoạt động dạy và học thường xuyên được đổi mới, nâng cao, gắn dạy văn hoá với giáo dục đạo đức, kỹ năng sống. 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc trao học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi.

Đồng chí  Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định trao học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi.

 

Nam Định đầu tư cải thiện môi trường sống, nâng cao chất lượng dân số, phát triển mạnh mẽ phong trào văn hoá, thể dục, thể thao để nâng cao sức khoẻ, tăng tuổi thọ của người dân. Trên địa bàn tỉnh có 4.126 công trình thể thao phục vụ tập luyện và thi đấu; hơn 900 đội văn nghệ, câu lạc bộ văn hoá, gần 1.700 câu lạc bộ thể thao thu hút số người tham gia luyện tập thường xuyên đạt trên 36% dân số. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh; có 86% gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập, 78% dòng họ học tập.

Bên cạnh việc đầu tư bồi dưỡng, giáo dục, phát triển con người, trong quá trình triển khai nhiệm vụ chính trị, tỉnh đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương chung để khơi dậy và phát huy sức mạnh con người, góp phần tạo nên những thành tựu đột phá đáng ghi nhận. Nam Định là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và hiện nay đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Qua quá trình thực tiễn triển khai, một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng được rút ra đó chính là phải dựa vào dân, Nhân dân vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, vừa là đối tượng được thụ hưởng theo phương châm “Dân cần - dân biết - dân bàn - dân làm - dân giám sát - dân hưởng thụ”. Các kết quả trong từng nội dung xây dựng nông thôn mới đều thể hiện rõ nét sự đóng góp to lớn của người dân: Vốn huy động từ cộng đồng dân cư đạt gần 6.000 tỷ đồng; Nhân dân tự nguyện hiến gần 2.900ha đất nông nghiệp và trên 200ha đất thổ cư (trị giá khoảng 7.000 tỷ đồng) để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, các công trình phúc lợi. Với 96,86% số người dân được lấy ý kiến hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới cho thấy, đây thực sự là chương trình của người dân, vì cuộc sống của người dân ở khu vực nông thôn.

Với những quyết sách, giải pháp hiệu quả, công tác xây dựng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, sức mạnh con người trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Tăng trưởng kinh tế của Nam Định những năm gần đây luôn cao hơn mức trung bình cả nước. Năm 2023, tổng sản phẩm GRDP đạt 10,19% (đứng thứ 6 toàn quốc), cao nhất từ trước đến nay; thu ngân sách vượt 10.000 tỷ đồng (đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra). Từ một tỉnh thuần nông, đến năm 2023, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 82,17%; tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 17,83%. Hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ, hiện đại; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu được đẩy mạnh; đến nay (sau sáp nhập), toàn tỉnh có 156/161 (đạt tỷ lệ 96,9%) xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 34/146 (đạt tỷ lệ 23,3%) xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; Giao Thuỷ là 1 trong 10 huyện đầu tiên của cả nước về đích nông thôn mới nâng cao. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo, an sinh xã hội đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng nâng lên rõ rệt; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Phát huy truyền thống văn hiến của quê hương, tiếp thu tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh quyết tâm xây dựng nền văn hóa và con người Nam Định phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đưa Nam Định trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030./.

PHẠM THỊ THU HẰNG
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nam Định

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất