Báo cáo đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới cho biết, nhận thức về nông thôn mới ở các cấp lãnh đạo, ở mỗi người dân đã có sự thay đổi căn bản.
Xây dựng nông thôn mới thực sự đã trở thành một phong trào lan tỏa đến từng người dân. Người dân nhận thức đầy đủ, chính xác về vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới, từ đó tự nguyện đóng góp thời gian, công sức, vật chất để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Cùng với đó, bộ tiêu chí đã được sửa đổi, phù hợp với thực tiễn đời sống, đặc trưng vùng, miền nên việc triển khai thực hiện ở cơ sở thu được nhiều kết quả.
“Điểm sáng” trong xây dựng nông thôn mới nửa đầu năm qua là việc các địa phương đã thực sự quan tâm đến công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch sản xuất. Đến nay, các địa phương trên cả nước đã thực hiện dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.
Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước đã có trên 7.000 mô hình sản xuất có hiệu quả. Cùng với đó, ngân sách Nhà nước cũng đã hỗ trợ khoảng 6.400 tỷ đồng để phát triển nhân rộng các mô hình này. Một số địa phương đã hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch ở nông thôn, du lịch kết hợp với phát triển làng nghề truyền thống…
Các địa phương trên cả nước cũng đã tích cực đầu tư, phát triển hạ tầng. Hiện có gần 5.000 công trình giao thông nông thôn, với khoảng 64.000 km đường đang được triển khai. Trong điều kiện nguồn lực hạn chế, nhiều địa phương đã có những chính sách hỗ trợ phù hợp để huy động sự tham gia của người dân và cộng đồng, dần hình thành phong trào về kiên cố hóa đường giao thông nông thôn…
Các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương cho rằng, việc Nhà nước hỗ trợ xi măng, cống, còn cộng đồng dân cư hiến đất, giải phóng mặt bằng, góp tiền, công lao động và vật liệu khác làm đường thôn xóm là cách làm phổ biến, hiệu quả đang được các địa phương áp dụng trên diện rộng.
Phương thức song song lồng ghép vốn tín dụng đầu tư kết hợp với xã hội hóa trong xây dựng, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi cũng khẳng định tính hiệu quả. 6 tháng đầu năm, đã có hàng ngàn công trình thủy lợi được xây dựng, đóng góp quan trọng vào phát triển sản xuất nông nghiệp.
Nhiều địa phương cũng đang áp dụng hình thức Nhà nước hỗ trợ công trình đầu mối hoặc một phần công trình, doanh nghiệp bỏ vốn xây dựng, được thu phí trong xây dựng các công trình dân sinh phục vụ cộng đồng nhưng có khả năng thu phí.
Bên cạnh những kết quả nổi bật đã thu được, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới cũng chỉ ra nhiều điểm còn hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai. Chẳng hạn, trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, hiện vẫn thiếu hướng dẫn về lồng ghép các chương trình, dự án làm căn cứ cho các địa phương thực hiện, dẫn đến sự lúng túng, không thống nhất. Một số địa phương cũng triển khai xây dựng hạ tầng quá mức so với yêu cầu, gây lãng phí nguồn lực và huy động quá sức dân. Cùng với đó, quy trình và kinh phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng, vận hành còn thiếu đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng và tính bền vững cho các công trình.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới cũng thẳng thắn cho rằng tuy đã đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng nếu phân tích một cách cụ thể, thì còn có sự khác biệt khá lớn giữa các địa phương. Thực tế đi kiểm tra đã cho thấy, ở địa phương nào có sự chỉ đạo một cách sát sao, có sáng kiến để triển khai thực hiện thì sẽ đạt kết quả tốt. Ngược lại, tại những địa phương có cách làm máy móc, cứng nhắc thì kết quả thu được là rất hạn chế.
Phó Thủ tướng cho rằng, trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt quan điểm về xây dựng nông thôn mới, coi đây là giải pháp chủ yếu, quan trọng, mang tính chiến lược để thực hiện Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
“Quán triệt được nhận thức thì sẽ duy trì được phong trào. Xây dựng nông thôn mới dứt khoát phải kiên trì, thường xuyên, liên tục và bền bỉ. Các địa phương phải quán triệt nhận thức này. Mục tiêu cuối cùng của nông thôn mới là để phục vụ nhân dân, do người dân làm chủ thể”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng yêu cầu các địa phương cần rà soát lại quy hoạch, đặc biệt chú trọng quy hoạch sản xuất. Theo Phó Thủ tướng, quy hoạch sản xuất là yếu tố mấu chốt trong xây dựng nông thôn mới.
“Gốc của nông thôn mới là sản xuất, nếu sản xuất không tốt, thì không thể nào nâng cao đời sống nhân dân. Nếu địa phương nào có mô hình sản xuất tốt, gắn với chế biến, tiêu thụ thì sẽ thu được hiệu quả cao. Trong bối cảnh hiện nay, quy hoạch sản xuất phải được rà soát, xem xét lại trên quy mô lớn để khắc phục tình trạng mất cân đối trong sản xuất, đặc biệt là nông, thủy sản. Bên cạnh đó cũng phải chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên quy mô vùng, cả nước”, Phó Thủ tướng nói.
Xác định mục tiêu đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới là rất khó khăn, đặc biệt khi nguồn lực còn nhiều hạn chế, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực để phân bổ nguồn lực lớn hơn cho các địa phương, đồng thời cần nghiên cứu thêm các cơ chế lồng ghép, huy động nguồn lực.
Trong thời gian tới, giao Bộ KHĐT chủ trì hướng dẫn các địa phương tăng cường lồng ghép nguồn lực từ các chương trình MTQG. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng quy trình xét công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới…
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tổ chức khảo sát, đánh giá về thực trạng đạt tiêu chí nông thôn mới của ngành mình để xây dựng kế hoạch hỗ trợ các xã điểm của Trung ương, ưu tiên phân bổ nguồn lực cho các xã điểm này.
Theo tổng hợp đến tháng 1/2013, cả nước có 35 xã trên cả nước đạt 19/19 tiêu chí, 276 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 1.071 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí. Như vậy, nếu so với cùng thời điểm năm 2012, số lượng các tiêu chí đạt đã tăng đáng kể.
|
Theo Chinhphu.vn