(TG) - Hơn 10 năm qua, việc thực hiện Quyết định 221-QĐ/TW ngày 27/4/2009 của Ban Bí thư (khóa X) về ban hành “Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân” (Quy chế 221) đã mang lại hiệu quả thiết thực phát huy vai trò ngành tuyên giáo cũng như các cơ quan nhà nước, đóng góp thiết thực vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân…
MỘT SỐ KẾT QUẢ NỔI BẬT
Thực hiện Quy chế 221, công tác phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp và cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp được triển khai đồng bộ, đi vào chiều sâu và gắn bó, bám sát với thực tiễn. Nhiều nội dung phối hợp được thực hiện tốt, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thông qua công tác phối hợp, chính quyền các cấp nhận thức rõ hơn vị trí, vai trò của công tác tư tưởng, từ đó quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc của nhân dân. Ở các địa phương, công tác tuyên truyền nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các đề án, dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn từng bước được chú trọng triển khai với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận trong nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Các cơ quan nhà nước đã quan tâm, chủ động hơn trong tham vấn, cung cấp cho ban tuyên giáo các cấp thông tin về kinh tế - xã hội của ngành, địa phương, các kế hoạch, chương trình, dự án, đề án có tác động đến tư tưởng, đời sống của người dân và thống nhất kế hoạch tuyên truyền, giải quyết. Vai trò tham gia, phản biện, đóng góp ý kiến dưới góc độ công tác tư tưởng của ban tuyên giáo các cấp được phát huy. Nhiều tỉnh, thành đã thành lập đoàn công tác liên ngành (trong đó có thành phần ban tuyên giáo) để phối hợp triển khai, thực hiện các nhiệm vụ lớn, quan trọng, xử lý các điểm nóng, qua đó góp phần tạo sự thống nhất cao trong nội bộ Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, nhất là trong nhân dân.
Hệ thống tuyên giáo các cấp đã chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thường xuyên tổ chức tuyên truyền các nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước, các mục tiêu, nhiệm vụ và kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương. Các ấn phẩm, đề cương tuyên truyền, tài liệu hỏi - đáp về kinh tế - xã hội được biên soạn, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị tại các địa phương, đơn vị. Đội ngũ báo cáo viên các cấp được định hướng rõ nét, phát huy vai trò chủ động, tích cực hơn trong việc chuyển tải những nội dung thời sự hay vấn đề nhạy cảm, góp phần tạo sự thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của xã hội.
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội ở các tỉnh, thành. Thực hiện hiệu quả việc cung cấp những nội dung chính của các dự án, đề án có tác động đến tư tưởng của nhân dân để định hướng tuyên truyền. Triển khai tốt công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo, quyền và nghĩa vụ công dân. Đa số các thông tin dư luận xã hội trên địa bàn các tỉnh, thành được ban tuyên giáo các cấp nắm bắt kịp thời; chủ động định hướng tuyên truyền, báo cáo đề xuất cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo, giải quyết, cơ bản khắc phục tình trạng bị động “đi theo, đi sau" của công tác tuyên giáo trước những sự việc nóng, nổi cộm nảy sinh. Nhiều kiến nghị, phản ánh của nhân dân liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; chế độ chính sách; cán bộ quan liêu, nhũng nhiễu… được giải quyết, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, chương trình, kế hoạch; chấn chỉnh hành vi, đạo đức công vụ; phản bác các thông tin xấu, độc.
Các cơ quan báo chí, truyền thông từ trung ương tới địa phương đã bám sát chỉ đạo, định hướng của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí tích cực thông tin, tuyên truyền về thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; kịp thời xây dựng chuyên trang, chuyên mục, đăng tải các tin, bài đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc, âm mưu lợi dụng vấn đề phức tạp, nhạy cảm để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta... Việc thông tin về các vụ án liên quan đến tội phạm tham nhũng; tội phạm có âm mưu nhằm lật đổ chính quyền nhân dân hoặc tội phạm lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân; các vụ án lớn nhân dân quan tâm được thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng góp phần quan trọng định hướng thông tin, củng cố niềm tin trong nhân dân.
Công tác phối hợp trong giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân giữa ban tuyên giáo với các cơ quan nhà nước đã có bước chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian qua. Một số bộ, ngành đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai hiệu quả việc giải quyết những vấn đề nhạy cảm, bức xúc trong công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông nhằm định hướng chủ trương mới, các đề án lớn, dự án, công trình trọng điểm của đất nước… Một số cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương đã chủ động đề xuất ký kết chương trình phối hợp ban tuyên giáo; chủ động trao đổi, tham vấn về công tác tuyên truyền khi triển khai các dự án, đề án và cung cấp thông tin khi ban tuyên giáo yêu cầu.
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ động trong việc báo cáo nhanh những vấn đề “nóng”, nhạy cảm, phức tạp và thể hiện rõ chính kiến, quan điểm xử lý một số nội dung có tính chất phức tạp, nhạy cảm chính trị; chủ động kịp thời xây dựng kế hoạch, ban hành công văn, hướng dẫn, đề cương chỉ đạo ban tuyên giáo địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền góp phần định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, ổn định tình hình an ninh, trật tự; thường xuyên theo dõi, nắm tình hình tư tưởng các giai tầng trong xã hội: công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, trí thức, dân tộc tôn giáo để kịp thời tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng của công tác tư tưởng; góp phần phản biện và hoàn thiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo, quyền và nghĩa vụ công dân ở các địa phương được tăng cường. Nhiều hình thức hỗ trợ cho cơ sở về tài liệu, tủ sách pháp luật được quan tâm. Công tác hòa giải cơ sở, thụ lý giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo dần đi vào nề nếp, đảm bảo đúng trình tự, nhanh chóng, thủ tục đúng luật định, góp phần hạn chế đơn thư tồn đọng, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp và các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có nơi, có việc chưa thực sự kịp thời, hiệu quả chưa cao; nội dung công việc phối hợp giữa các cơ quan chưa nhiều; vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự chủ động trong việc thực hiện công tác phối hợp. Việc xây dựng kế hoạch, ký kết chương trình phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có nơi còn chậm và lúng túng, có nơi còn mang tính hình thức.
Hình thức phối hợp tuyên truyền chưa được đa dạng. Công tác chỉ đạo, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân có lúc chưa được quyết liệt, chặt chẽ; nhiều vụ việc phức tạp kéo dài chưa giải quyết dứt điểm. Việc thực hiện quy định phát ngôn và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí có lúc, có nơi thực hiện chưa nghiêm… Nội dung phối hợp, phương thức triển khai theo lối mòn, thiếu sáng tạo. Một số chương trình nặng về hình thức, thiếu định lượng, thiếu nguồn lực để thực hiện, trách nhiệm của từng bên không rõ ràng. Việc triển khai chương trình phối hợp chưa đảm bảo yêu cầu, chất lượng; quá trình triển khai chậm, bố trí kinh phí khó khăn, hoặc có nhưng chưa tương xứng yêu cầu đề ra.
NHỮNG GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, ngày 30/9/2020 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ký Quyết định 238-QĐ/TW ban hành “Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm” (Quy chế 238). Điểm khác biệt giữa Quy chế 238 với Quy chế 221 là sự kế thừa, bổ sung các nội dung phối hợp về thực thi pháp luật, với sự tham gia Quốc hội, Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, đồng thời cũng bổ sung những quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm phối hợp, sơ tổng kết, kiểm tra giám sát cũng như các điều kiện kinh phí, nguồn lực triển khai.
Tuy nhiên để Quy chế 238 có thể đi vào thực tiễn, cũng như nâng cao hiệu quả, phát huy sức mạnh phối hợp của hệ thống tuyên giáo và các cơ quan nhà nước cùng cấp, cần quan tâm phát huy những kết quả, bài học kinh nghiệm đã có, vận dụng triển khai các giải pháp trong điều kiện mới sau đây:
Một là, tăng cường tuyên truyền về Quy chế 238 cũng như vai trò, sự cần thiết tầm quan trọng của công tác phối hợp trong thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm.
Quy chế 238 được ban hành từ tháng 9/2020, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên cho đến nay việc tuyên truyền về Quy chế 238 vẫn còn hạn chế, trống vắng, cơ bản mới dừng ở mức ban hành văn bản, rất cần sự chỉ đạo quyết liệt, toàn diện hơn.
Hai là, khắc phục những hạn chế trong triển khai Quy chế 221, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng, đảng đoàn bộ, ngành Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương cần quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn trực thuộc chủ động đề xuất, xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức ký kết phối hợp với ban tuyên giáo cùng cấp theo lộ trình năm hoặc theo từng nội dung, chuyên đề, vụ việc, vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm. Nội dung này cần được quan tâm triển khai sớm, đặc biệt là triển khai gắn với các mục tiêu, giải pháp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, với tầm nhìn 2020-2025, 2030 và hướng xa hơn tới 2045. Chương trình ký kết phải phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan phối hợp; kiểm tra, giám sát và định kỳ đánh giá kết quả triển khai. Các nội dung phối hợp phải có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp với thực tiễn, với từng ngành, địa phương. Bên cạnh đó cần quan tâm phân công đồng chí lãnh đạo của Ngành chỉ đạo thực hiện Quy chế; phân công đơn vị đầu mối phối hợp cụ thể.
Cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với ban tuyên giáo cùng cấp cần lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm trên từng lĩnh vực, từng thời điểm để tập trung tuyên truyền theo phương châm đồng bộ, hiệu quả, thiết thực với nhiều hình thức, cách thức phù hợp; quan tâm nhân rộng các điển hình trong vận động, tuyên truyền thực hiện các chủ trương, chính sách của địa phương.
|
Ba là, Ban tuyên giáo các cấp cần tiếp tục chú trọng đầu tư quan tâm nâng cao chất lượng tham mưu, thẩm định, đánh giá tác động xã hội và dự báo tình hình hình về các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các dự án lớn, nhạy cảm; chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp xây dựng kế hoạch công tác tư tưởng hàng năm và kế hoạch tuyên truyền khi thực hiện các dự án, đề án thuộc các lĩnh vực xây dựng, ban hành chính sách mới, đất đai, nhà ở, môi trường sinh thái, hạ tầng đô thị, giao thông vận tải, dân tộc, tôn giáo; chủ động nắm bắt dư luận, phát hiện kịp thời các vấn đề bức xúc đang xảy ra, trao đổi với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp để thống nhất định hướng tư tưởng, dư luận xã hội.
Nghiên cứu và sử dụng các phương thức phối hợp mới trong bối cảnh xã hội thông tin, khoa học kỹ thuật phát triển, xuất hiện nhiều công cụ truyền thông đa phương tiện. Tăng cường ứng dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch. Phát huy tích cực hơn nữa vai trò của hệ thống thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kết quả giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân.
Bốn là, cần quan tâm bố trí đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác phối hợp, đặc biệt là nguồn kinh phí tuyên truyền triển khai các dự án, đề án lớn, nhạy cảm, liên quan đến chính sách mới, đất đai, nhà ở, môi trường, hạ tầng đô thị, giao thông vận tải dân tộc, tôn giáo./.
TS. Nguyễn Phú Trường
Ban Tuyên giáo Trung ương