Sau 3 năm triển khai dự án, hơn 1.200 khóa đào tạo hỗ trợ kiến thức, kỹ
năng cùng với khoảng 4.000 sự kiện truyền thông đã được tổ chức nhằm
vận động, thúc đẩy người dân tiếp cận, hiểu và tiến tới ứng dụng hệ
thống thông tin một cách hữu ích, vận dụng kiến thức từ Internet vào đời
sống. Đến thời điểm này, đã có khoảng 200.000 lượt cư dân nông thôn
thuộc các thành phần đã đến các điểm và sử dụng gần 10 triệu giờ truy
cập máy tính, tìm kiếm các dạng thông tin khác nhau và không ít trường
hợp đã thành công khi vận dụng kiến thức vào đời sống. Phổ biến nhất là:
Học tập kinh nghiệm để sản xuất nông nghiệp thành công, nhiều trường
hợp làm giàu từ trang trại chăn nuôi, trồng trọt; Học sinh sử dụng máy
tính phục vụ học tập, tham gia các kỳ thi Olimpic toán, tiếng Anh qua
mạng đạt giải cao. Nhiều người nông dân cùng với kinh nghiệm và năng
khiếu sẵn có, kiến thức từ mạng máy tính hỗ trợ họ để sáng chế ra các
thiết bị sản xuất nông nghiệp như máy cày, máy tách vỏ hạt…vv.
|
Tuy nhiên, trong số các đối tượng thụ hưởng thành quả của Dự án, thanh
thiếu niên, học sinh, sinh viên… chiếm 80%, các đối tượng ít có cơ hội
hơn như nông dân, bà con dân tộc thiểu số, nhất là người khuyết tật…vẫn
còn chiếm tỉ lệ khiêm tốn.
Từ năm 2015 này, Dự án có một bước đi mới là ký kết hợp tác với các cơ
quan, tổ chức như Bộ Giáo dục & Đào tạo, Hội Khuyến học (Trung tâm
Học tập cộng đồng), Hội Người khuyết tật, Hội Cựu chiến binh …để các cơ
quan tổ chức này hỗ trợ tăng cường vận động, khuyến khích các đối tượng
cư dân tiếp cận và thụ hưởng những lợi ích của Internet nói chung và của
hệ thống máy tính và Internet của Dự án trang bị cho đại phương nói
riêng.
Gần nhất, khóa đào tạo kỹ năng tin học cho cán bộ giáo dục, cán bộ
trung tâm học tập cộng đồng của 11 tỉnh miền núi phía Bắc do Hội Khuyến
học Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và
Truyền thông (Dự án "Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập
Internet công cộng tại Việt Nam") và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ
chức trong 2 ngày 3 và 4/4/2015 tại Tuyên Quang, và sẽ còn tiếp tục tổ
chức trong tháng 4 này tại Huế, Đắc Lắc và Sóc Trăng. Hàng trăm học viên
là các cán bộ của các phòng Giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục
thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng điển hình tại các tỉnh Hà
Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái,
Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La … được đào tạo Công nghệ thông tin
cơ bản, kỹ năng khai thác thông tin trên Internet cũng như sử dụng các
phần mềm quản lý… Trên cơ sở kiến thức, kỹ năng được đào tạo, cùng với
cán bộ Thư viện và điểm Bưu điện văn hóa xã, các học viên sẽ trở thành
những nhân tố mới để truyền đạt, khuyến khích người dân phát huy hết
tiềm năng của Internet nói chung và hệ thống các điểm truy nhập Internet
công cộng của Dự án nói riêng./.
Theo ICTnews