Thứ Sáu, 20/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Tư, 17/4/2019 14:46'(GMT+7)

Phát huy tính sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 33 ở Ninh Bình

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị.

Sáng 17/4, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về "Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"  (Nghị quyết 33) đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Ninh Bình.

Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33, Trưởng đoàn công tác; đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đồng chủ trì cuộc làm việc.

Báo cáo của Tỉnh uỷ Ninh Bình nêu rõ: Trong 5 năm qua, công tác tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai, thực hiện Nghị quyết 33 trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời, nghiêm túc, sâu rộng, bám sát hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

Các cấp uỷ đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc tổ chức học tập quán triệt và triển khai kịp thời, sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về lĩnh vực văn hoá, văn học nghệ thuật.

Qua học tập, quán triệt, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của văn hoá, con người; các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng văn hoá, con người, hình thành quyết tâm, động lực sớm đưa Nghị quyết 33 vào thực tiễn cuộc sống. 

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết 33 gắn với các nghị quyết, chương trình hành động và kế hoạch của Tỉnh uỷ và Ủy ban nhân dân tỉnh, trong đó tập trung tuyên truyền các hoạt động về xây dựng và phát triển văn hoá, văn học, nghệ thuật, con người Ninh Bình.

Các cơ quan báo chí của tỉnh đã tích cực, chủ động sản xuất nhiều chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền phát triển văn hoá, văn học nghệ thuật; phản ánh các gương điển hình tiên tiến, tập thể, cá nhân có thành tích trong xã hội; quảng bá, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ luôn quan tâm chỉ đạo kiện toàn, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hoá cấp tỉnh và cấp huyện; xây dựng và triển khai Đề án đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội giai đoạn 2019-2020.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, tạo sức lan toả mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, cống hiến của toàn dân, hình thành môi trường văn hoá lành mạnh cho sự phát triển con người, nhất là thế hệ trẻ.

Phong trào xây dựng gia đình văn hoá đã đi vào cuộc sống và thực chất hơn. Tỷ lệ, chất lượng gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá ngày càng được nâng cao.

Năm 2018, toàn tỉnh có 88,21% hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”; 95% xã, phường, thị trấn có Nhà văn hoá; 93,3,% thôn, bản, phố có Nhà văn hoá; 76,27 % xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới; 41,7% phường, thị trấn được công nhận danh hiệu đạt chuẩn văn minh đô thị; 69,7% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hoá.

Cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có chuyển biến tích cực, nhất là công tác quản lý hoạt động lễ hội được đảm bảo chặt chẽ, phát huy các giá trị truyền thống văn hoá, lịch sử tốt đẹp, gắn với hoạt động du lịch quảng bá hình ảnh, văn hoá, con người Ninh Bình.

Di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn Ninh Bình khá phong phú về loại hình, gồm nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội,… Các di sản văn hoá phi vật thể được bảo tồn, phát huy; nhiều nghệ nhân được tôn vinh; các lễ hội truyền thống như lễ hội Hoa Lư, lễ hội Báo bản Yên Từ, lễ hội làng Bình Hải, lễ hội đền Nguyễn Công Trứ, lễ hội đền Thái Vi…được duy trì và tổ chức thực hiện nền nếp...

Tỉnh cũng luôn quan tâm phục hồi và bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một như hát Xẩm, hát Chèo, hát Văn,…kết hợp mở rộng giao lưu, hợp tác với các địa phương trên cả nước và quốc tế.

Tỉnh Ninh Bình hiện có 1.499 di tích, trong đó có 360 di tích đã xếp hạng, gồm 79 di tích cấp Quốc gia (2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 1 di sản thế giới) và 279 di tích cấp tỉnh; 24.230 hiện vật bảo tàng được lập hồ sơ lý lịch đưa vào quản lý, phục vụ công tác nghiên cứu và giáo dục truyền thống ở địa phương; 218 di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh đã và đang được đầu tư, trùng tu, nâng cấp phục vụ nhu cầu văn hoá, tín ngưỡng của nhân dân và phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu. Đặc biệt, Quần thể Danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới vào ngày 26/8/2016.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 33, tỉnh Ninh Bình còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, như: việc giáo dục đạo đức lối sống, lý tưởng, giáo dục thẩm mỹ, thị hiếu nghệ thuật tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế; hiện tượng coi thường pháp luật, ứng xử thiếu văn hoá, mê tín dị đoan, bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại; đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở một số địa phương vùng sâu vùng xa còn nghèo nàn; tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; những bất cập trong bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế, trong đó có phát triển du lịch chưa được giải quyết triệt để; tình trạng xâm hại di sản, làm biến dạng di sản tuy chỉ ở mức đơn lẻ nhưng đã tác động tiêu cực đến di sản; công tác quản lý nhà nước về văn hoá, nhất là hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hoá có lúc, có nơi còn hạn chế; các tác phẩm văn học nghệ thuật tuy có số lượng nhiều nhưng những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật còn ít… 

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung trao đổi, làm rõ một số kết quả nổi bật cũng như những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện Nghị quyết 33 của tỉnh Ninh Bình.

Các đại biểu cũng nêu một số kiến nghị như: tăng cường công tác giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lồng ghép một cách hợp lý thực hiện Nghị quyết 33 gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cần cụ thể hóa hơn nữa chính sách phát triển văn hóa, con người của địa phương; tiếp tục triển khai tích cực chiến lược xây dựng và phát triển văn hoá, con người Ninh Bình phát triển toàn diện, có nhân cách, lối sống đẹp, mang đậm bản sắc đặc trưng vùng đất Cố đô Hoa Lư: thân thiện, hiền hoà, thanh lịch, mến khách… ;xây dựng những tiêu chí mang tính đặc thù để đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; chú trọng xây dựng văn hoá đọc trong trường học...

Kết luận cuộc làm việc, đồng chí Lê Mạnh Hùng biểu dương những kết quả cơ bản, quan trọng mà tỉnh Ninh Bình đạt được qua 5 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 33. Đồng chí nhấn mạnh, trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa việc triển khai Nghị quyết 33 trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy Ninh Bình cần tiếp tục tập trung vào một số vấn đề : 

Một là, chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, thường xuyên Nghị quyết 33; chú trọng việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết từng giai đoạn.

Hai là, quan tâm tới tính sáng tạo, phù hợp với tình hình địa phương, với văn hoá và con người Ninh Bình trong quá trình thực hiện Nghị quyết 33.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu, triển khai một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm thực hiện Nghị quyết 33 gắn với giáo dục, nâng cao nhận thức xã hội, xây dựng môi trường văn hoá, xây dựng Đảng, đạo đức công vụ; phát huy vai trò cộng đồng dân cư trong xây dựng môi trường văn hoá, triển khai văn hoá tín ngưỡng...

Bốn là, chú trọng hơn nữa việc xây dựng, phát huy bản sắc văn hoá gắn với phát triển kinh tế; xây dựng hệ thống chính trị gắn liền với phát triển văn hoá, con người Ninh Bình; quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu của địa phương gắn với thương hiệu của mỗi một người dân./.

Nhật Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất