Ngày 1/10, tại tỉnh Quảng Nam,
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch Nước, Chính
phủ Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và
Tỉnh Quảng Nam tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 140 năm ngày sinh Quyền Chủ tịch nước
Huỳnh Thúc Kháng (1/10/1876 - 1/10/2016).
Tham dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Chủ tịch nước Trần
Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư
Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; đại diện gia tộc
Cụ Huỳnh Thúc Kháng; đại biểu lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh
hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, nhân sĩ, trí thức.
Các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh gửi lẵng
hoa chúc mừng.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng (hiệu Mính
Viên, tự Giới Sanh), sinh ngày 1 tháng 10 năm Bính Tý (1876) tại làng Thạnh
Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông (nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên
Phước, tỉnh Quảng Nam). Năm 1900, Cụ đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương và đến năm
1904 đỗ Tiến sỹ. Kế thừa truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc Việt Nam
và quê hương Quảng Nam, Cụ Huỳnh Thúc Kháng không ra làm quan mà dấn thân vào
các hoạt động yêu nước diễn ra sôi nổi những năm đầu thế kỷ XX. Năm 1904, Cụ
cùng các sĩ phu yêu nước nổi tiếng đương thời như Phan Châu Trinh, Trần Quý
Cáp, Lương Văn Can… khởi xướng phong trào Duy Tân, tích cực vận động, tuyên
truyền trong nhân dân tinh thần yêu nước, đấu tranh đòi chính quyền thực dân thực
hiện cải cách với tinh thần “khai thông dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” nhằm
mang lại lợi ích thiết thực cho người dân…
Năm 1908, Cụ bị thực dân Pháp bắt
đày đi Côn Đảo. Sau khi được thả tự do, cụ tiếp tục các hoạt động yêu nước. Năm
1928, Cụ lập ra công ty Huỳnh Thúc Kháng, đồng thời làm chủ nhiệm kiêm chủ bút
Tiếng Dân... Cách mạng tháng Tám thành công, Cụ Huỳnh Thúc Kháng được Chủ tịch
Hồ Chí Minh mời tham gia Chính phủ lâm thời với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đầu
năm 1946, Cụ làm Chủ tịch hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam. Tháng 5/1946, khi Chủ
tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp, Cụ được giao chức vụ Quyền Chủ tịch nước. Với
trọng trách được giao, Cụ góp phần tích cực xây dựng, củng cố chính quyền cách
mạng, vừa đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực phản động. Cuối
năm 1946, Cụ được cử làm Đặc phái viên của Chính phủ vào Ủy ban Kháng chiến -
Hành chính Nam Trung bộ. Ngày 21/4/1947, cụ lâm bệnh nặng và mất tại huyện
Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Cuộc đời Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một tấm gương tiêu
biểu của một bậc đại trí thức yêu nước nhiệt thành, luôn đặt lợi ích dân tộc
lên trên hết, vì dân vì nước đến hơi thở cuối cùng…
Chương trình nghệ thuật mang tên
“Tinh anh sao vĩ” tại Lễ Kỷ niệm đã khắc họa lại cuộc đời hoạt động cách mạng,
những công lao, đóng góp to lớn của Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đối với
đất nước, dân tộc; ca ngợi mảnh đất, con người, cuộc sống lao động, sản xuất,
những thành tựu phát triển của tỉnh Quảng Nam.
Trong không khí trang nghiêm và
trọng thể của Lễ kỷ niệm, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang
đọc Diễn văn ôn lại cuộc đời, nhân cách, tấm gương đạo đức và những công lao
đóng góp to lớn của Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng; đồng thời bày tỏ tưởng
nhớ và tri ân của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với nhà trí thức yêu nước
nhiệt thành, người được nhân dân hay gọi bằng tên thân thương nhưng đầy kính trọng
“Cụ Huỳnh”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng
định, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo gốc nông dân của tỉnh
Quảng Nam, vùng đất địa linh nhân kiệt, Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã sớm hấp thụ những
giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương, dân tộc. Học hành đỗ đạt,
lẫy lừng danh tiếng là một nhà đại khoa bảng (từng đỗ đầu kỳ thi Hương, đỗ tiến
sĩ kỳ thi Hội), nhưng Cụ từ chối không ra làm quan, tiếp thu tư tưởng tiến bộ
“Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh”, tích cực tham gia lãnh đạo phong
trào Duy tân, nuôi chí canh tân đất nước. Khi thực dân Pháp đàn áp phong trào
chống sưu thuế, Cụ bị bắt, kết án tù chung thân và đày ra Côn Đảo suốt 13 năm,
nhưng Cụ vẫn một dạ sắt son, gan không núng, chí không sờn. Ra tù, với tầm nhìn
và tư duy sắc sảo, bản tính thẳng thắn, cương trực, trên cương vị Viện trưởng
Viện Dân biểu Trung Kỳ, Chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân, Cụ Huỳnh đã mạnh
mẽ đấu tranh đòi thực hiện dân chủ, dân quyền, vạch trần chính sách cai tri nô
dịch, cướp bóc, đàn áp dã man của thực dân Pháp và sự mục nát của chế độ phong
kiến.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám
thành công, tuy đã ngoài 70 tuổi, nhưng với tất cả nhiệt huyết của một chí sĩ
yêu nước, Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nhận lời tham gia Chính phủ lâm thời do Chủ tịch
Hồ Chí Minh đứng đầu với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cụ còn là người sáng lập
và là Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, một trong những tổ chức tiền
thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay. Cụ nói: “Trong lúc phục hưng dân tộc,
xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, trai, gái, ai cũng phải ra sức phụng sự
Tổ quốc”.
Với phong cách lãnh đạo quyết
đoán, bản lĩnh, trí tuệ và rất gần gũi với nhân dân, Cụ đã được Chủ tịch Hồ Chí
Minh khi đi công tác nước ngoài dài ngày, tin cậy giao trọng trách Quyền Chủ tịch
nước, điều hành quốc sự với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Bằng uy
tín, tài năng và đức độ của mình, Cụ đã sát cánh cùng các chiến sĩ cộng sản và
đồng bào cả nước chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó
khăn, thử thách, ngăn chặn, đập tan mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế
lực phản động, mà vụ án phản cách mạng xảy ra ở phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn
Gia Thiều, Hà Nội), năm 1946, là một thí dụ điển hình, góp phần bảo vệ nền độc
lập và chính quyền cách mạng còn non trẻ trong tình thế “ngàn cân treo sợi
tóc”.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc
bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử Cụ làm Đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý
miền Trung, chuẩn bị “toàn dân kháng chiến, toàn quốc kháng chiến”. Trên đường
công tác, Cụ Huỳnh lâm bệnh nặng. Suốt cuộc đời vì nước, vì dân, hết lòng phụng
sự Tổ quốc, Cụ ra đi thanh thản, để lại lời “chào vĩnh quyết” như một lời hiệu
triệu, kêu gọi đồng bào đoàn kết, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc;
chỉ tiếc nuối không được tiếp tục cống hiến cho nước độc lập, phụng sự Tổ quốc,
phục vụ nhân dân - điều mà Cụ ấp ủ từ lâu. Cả nước đau buồn, Chủ tịch Hồ Chí
Minh quyết định tổ chức quốc tang Cụ giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp đang diễn ra ác liệt. Tri ân và ghi nhận công lao, đóng góp to lớn của Cụ
Huỳnh Thúc Kháng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng, Nhà nước
đã truy tặng Cụ phần thưởng cao quý - Huân chương Sao vàng.
Chủ tich nước Trần Đại Quang nêu
rõ: Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã suốt một đời vì nước, vì dân, hết lòng phụng sự Tổ
quốc, 71 năm tuổi đời, hơn 40 năm hoạt động yêu nước và cách mạng, Cụ trước sau
luôn thể hiện nhân cách của một chí sĩ suốt đời phấn đấu cho dân được tự do, nước
được độc lập.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có nhiều
công lao, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Cụ là chí
sĩ yêu nước tiêu biểu, góp phần quan trọng tạo nên gắn kết các phong trào và
khuynh hướng yêu nước ở nước ta đầu thế kỷ XX với sự nghiệp cách mạng do Đảng
ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức và lãnh đạo.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám
thành công, với lòng yêu nước thiết tha, bản lĩnh kiên cường và nhân cách cao đẹp,
cả đời nung nấu ý chí cứu dân, cứu nước, Cụ Huỳnh đã đến với cách mạng và Chủ tịch
Hồ Chí Minh, trở thành người bạn tri kỷ, chân thành của Bác. Từ một chí sĩ Nho
học đầu thế kỷ XX và một yếu nhân trong phong trào Duy Tân, Cụ đã trở thành một
người lãnh đạo Nhà nước cách mạng Việt Nam và đã có những đóng góp lớn lao cho
sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu
lãnh đạo.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có những
đóng góp quan trọng trong việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc
mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước chân chính. Với tư cách là người sáng lập và
cũng là Hội trưởng đầu tiên của Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, Cụ Huỳnh đã dốc
hết nhiệt tâm của mình mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không
phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo, dân tộc vì một nước Việt Nam độc lập,
thống nhất, dân chủ, phú cường. Bằng uy tín của một chí sĩ nhiệt thành yêu nước,
thương dân, Cụ Huỳnh đã góp phần xây dựng khối đoàn kết tất cả lực lượng và đồng
bào yêu nước, dựa chắc vào dân để đối phó với thù trong, giặc ngoài. Cụ khẳng định:
“Toàn dân đoàn kết, đại đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Cụ Hồ thì con thuyền cách
mạng Việt Nam ta nhất định đến bến vinh quang, nước ta sẽ hoàn toàn độc lập, tự
do”. Trước khi qua đời, Cụ Huỳnh còn gửi đến các nhân sĩ, trí thức và các tầng
lớp nhân dân lời hiệu triệu đoàn kết xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị anh
hùng xuất chúng, vị anh hùng dân tộc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp kháng chiến,
kiến quốc.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng có những đóng
góp to lớn, có ý nghĩa sâu sắc, để lại những dấu ấn đậm nét trên các lĩnh vực
văn học, sử học. Cụ Huỳnh là một nhà báo, nhà sử học, nhà văn, nhà thơ yêu nước,
nhà dịch thuật tài năng với ngòi bút sắc bén “phò chính, trừ tà”. Sự nghiệp văn
chương, sử học của Cụ trải dài liên tục trên chặng đường gần nửa thế kỷ, gửi gắm
tâm nguyện, tình cảm, hoài bão phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đóng góp ở đỉnh
cao về tư tưởng phải kể đến những sáng tác của Cụ thời kỳ sau Cách mạng Tháng
Tám. Những bài thơ, bài báo, bài viết trong giai đoạn này đều thể hiện tình cảm
tha thiết của Cụ đối với nhân dân, dân tộc và đất nước. Đặc biệt, là một nhà sử
học uyên bác, Cụ đã để lại cho hậu thế nhiều công trình có giá trị, nhiều nguồn
tư liệu quý về lịch sử nước nhà; đưa ra nhiều chứng cứ lịch sử để khẳng định
hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và nhấn mạnh
“không nước nào có tài liệu chứng cứ đầy đủ hơn nước ta”. Đến nay, những trăn
trở, suy tư của Cụ Huỳnh về đất nước, về chủ quyền biển, đảo vẫn còn nguyên giá
trị, qua đó ta càng thấm thìa hơn đạo đức, nhân cách và trách nhiệm của Cụ đối
với dân tộc và đất nước.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một nhân
cách cao đẹp hội tụ đủ tài năng, đức độ, bản lĩnh. Cụ Huỳnh là một chí sĩ yêu nước
nổi tiếng từ đầu thế kỷ XX cùng thế hệ với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... Cụ
là một trí thức không màng danh lợi, không cầu vinh hoa, phú quý, quyết dấn
thân vào cuộc đấu tranh cho độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, bất chấp
tù đày gian khổ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao về trí tuệ và nhân
cách của Cụ: “Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức
rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây Cụ đã bị bọn thực dân làm tội, đày ra
Côn Đảo. Mười mấy năm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước
thương nòi của Cụ Huỳnh, chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết. Cụ Huỳnh là
người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ
không làm sờn gan. Cả đời Cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không
thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự
do, nước được độc lập”.
Là người yêu nước, thương dân, Cụ
đau cái đau của dân khi nước mất, cùng suy nghĩ với dân về trách nhiệm cứu nước.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong suy nghĩ và hành động của Cụ là thành tâm ái quốc
và lòng khát khao độc lập, tự do cho dân tộc. Đó là động lực, là mục đích sống
của Cụ và là căn cốt vững bền để Cụ vượt qua những thăng trầm của lịch sử,
không ngã lòng, luôn giữ trong tim ngọn lửa nhiệt tình ái quốc, cứu dân, cứu nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn
mạnh, năm nay, chúng ta kỷ niệm 140 năm Ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh
Thúc Kháng vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực triển
khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Chỉ thị
05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đây là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, nhân
cách, tấm gương đạo đức và những công lao, đóng góp to lớn của Cụ Huỳnh đối với
sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Phát huy tinh thần yêu nước, khát vọng
độc lập dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Cụ Huỳnh
Thúc Kháng và các bậc tiền bối cách mạng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ
lực phấn đấu, nắm bắt thời cơ, tranh thủ vận hội, vượt lên mọi khó khăn, thử
thách, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, mở ra thời
kỳ phát triển mới, vẻ vang, tốt đẹp của đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã
hội.
Noi gương Cụ Huỳnh, Chủ tịch nước
Trần Đại Quang đề nghị tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng
liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng
lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc
lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công băng,
văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi
ích của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước,
nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và
ngoài nước, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân,
tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cuộc đời Cụ Huỳnh là một trong những
tấm gương tiêu biểu của tinh thần yêu nước, thương dân. Trái tim Cụ đau nỗi đau
dân nước, vui nỗi vui dân nước. Đời Cụ thuộc về nhân dân. Noi gương Cụ, mỗi cán
bộ, đảng viên chúng ta cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng
sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Thấm nhuần sâu sắc bài học lớn của công cuộc đổi
mới mà Đảng ta đã đúc kết từ chiều sâu lịch sử - bài học “dân làm gốc”, coi
chăm lo lợi ích, hạnh phúc của nhân dân là mục đích thiêng liêng, là lý tưởng
cao quý của Đảng; phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo
và mọi nguồn lực của nhân dân để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng
quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Suốt đời Cụ Huỳnh trung thành với
Chính phủ, với đất nước, là một khúc ca hùng tráng, hùng tráng đến ngày cuối
cùng, chống gậy đi kháng chiến... Noi gương Cụ, mỗi cán bộ, đảng viên phải tuyệt
đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, luôn đặt lợi ích của dân tộc và
Tổ quôc lên trên hết, trước hết. Tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị
05-CT/TW, coi đây là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính
quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị, địa phương. Tăng cường rèn luyện
phẩm chất, đạo đức cách mạng gắn với chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng;
chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu,
tham nhũng, lãng phí, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm, vô
trách nhiệm và đùn đẩy trách nhiệm.
Cuộc đời hoạt động và nhân cách
cao đẹp cùng tài năng, đức độ của nhà văn hóa, chí sĩ yêu nước, Quyền Chủ tịch
nước Huỳnh Thúc Kháng vẫn sừng sững với núi Ấn, sông Trà và quê hương, đất nước.
Tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc những cống hiến to lớn của Cụ Huỳnh đối với sự
nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, chúng ta nguyện noi gương Cụ, học tập, tu
dưỡng và phấn đấu suốt đời vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh, những ước mơ, hoài bão lớn mà sinh thời Bác Hồ kính yêu, Cụ
Huỳnh và các thế hệ cách mạng tiền bối hằng mong ước.
* Trước buổi Lễ, Chủ tịch nước Trần
Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đồng chí Võ Văn Thưởng và các
đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Quảng Nam, Quân khu 5 và một số tỉnh/thành
đã đến dâng hương tại Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tiên Cảnh, huyện
Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Thu Hằng