Thứ Bảy, 26/10/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 26/9/2016 21:36'(GMT+7)

Sơn La cần xác định mũi nhọn để đầu tư xây dựng nông thôn mới

Đây là yêu cầu của đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với tỉnh Sơn La tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp diễn ra ngày 26/9 tại Sơn La.

Báo cáo về kết quả xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015, ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, trong 5 năm qua, nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới hệ thống hạ tầng nông thôn đã được củng cố, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng; điều kiện sống về vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, đạt bình quân 16 triệu đồng/người/năm, tăng gần 1,9 lần so với năm 2010. Hiện nay, tỉnh Sơn La có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; số xã khó khăn đạt dưới 5 tiêu chí giảm từ 180 xã xuống còn 60 xã, trong đó xóa được 18 xã trắng không có tiêu chí đạt chuẩn.

Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Sơn La đã xây dựng được một số mô hình sản xuất có triển vọng phát triển đại trà, tiêu biểu là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Mộc Châu cho giá trị thu nhập đạt 2 tỷ đồng/1ha đất canh tác. Ngoài ra, tỉnh Sơn La đã xác định được 26 sản phẩm nông sản chủ lực, trong đó có 3 sản phẩm đã hình thành và duy trì bền vững là trồng chè, trồng mía và chăn nuôi bò sữa.

Tuy nhiên, tỉnh Sơn La vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới như: sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững, dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh và biến động thị trường; việc bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn kém phát triển. Bên cạnh đó, do xuất phát điểm thấp, là tỉnh có 5/12 huyện nghèo nên Sơn La còn khó khăn trong huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các xã còn chậm, nhất là các xã vùng biên giới Việt – Lào, cá biệt tỉnh Sơn La vẫn còn có 2 xã mới chỉ đạt 1 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh Sơn La kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm tăng cường nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020; xem xét bố trí vốn xây dựng tuyến đường đi dọc sông Đà, qua 6 xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình nối Quốc lộ 37, huyện Bắc Yên với tỉnh lộ 106 thuộc huyện Mường La; đầu tư, xây dựng bệnh viện đa khoa 500 giường…

Thay mặt đoàn công tác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, đánh giá cao những kết quả của tỉnh Sơn La trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Với điều kiện là một tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn, nguồn lực còn hạn chế nhưng tỉnh Sơn La đã có những cách làm sáng tạo, lồng ghép nhiều nguồn vốn để thực hiện chương trình nông thôn mới đạt hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh Sơn La đã bước đầu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và mang lại thu nhập cao hơn trước đây. Để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được triển khai đạt kết quả tốt hơn, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên đề nghị tỉnh Sơn La tập trung đổi mới phương thức sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân; chú trọng đặc thù trong xây dựng thủy lợi, giao thông vùng cao, từ đó đưa ra phương án, giải pháp phù hợp để thực hiện. Sơn La cần quan tâm đến xây dựng nông thôn mới và ổn định đời sống nhân dân ở các vùng tái định cư Thủy điện Sơn La, Hòa Bình. Đối với các kiến nghị của tỉnh Sơn La, đoàn công tác sẽ tiếp thu, tổng hợp và báo cáo trình Quốc hội./.

Lê Hữu Quyết/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất