Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 18/6, Quốc hội
nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa
đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án luật này.
ĐẢM BẢO HÀI HÒA GIỮA BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về
văn hóa, di sản văn hóa; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật
về di sản văn hóa hiện hành để khắc phục những hạn chế, bất cập về thể
chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo
vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đảm bảo tính kế thừa, tính thống
nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát
huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà
nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt
động dịch vụ, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa… và đảm bảo
hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Đáng chú ý, dự thảo Luật quy định: Quyền sở hữu đối với di sản văn
hóa; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng
được chuyển nhượng thông qua mua bán dân sự, trao đổi, tặng cho, thừa kế
ở trong nước; cấm kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật. Di vật, cổ vật,
bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân phải được quản lý trong các bảo
tàng công lập, di tích và các cơ quan, tổ chức nhà nước có chức năng,
nhiệm vụ thích hợp; khuyến khích các tổ chức, cá nhân sưu tầm và trưng
bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; quy định hoạt động kinh doanh giám
định di vật, cổ vật; quy định cụ thể biện pháp bảo vệ và phát huy giá
trị di sản văn hóa; lập và triển khai quy hoạch, kế hoạch, chương trình,
đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa...
Dự thảo Luật quy định cụ thể về nội dung phân cấp, phân quyền cho các
cấp chính quyền địa phương, rõ trách nhiệm quản lý nhà nước từ trung
ương đến địa phương; quy định rõ cơ chế, nguyên tắc phối hợp giữa các
bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh với Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quản lý nhà nước về di sản văn hóa...
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của
Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn
diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Hồ sơ dự
án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, đủ điều kiện
trình Quốc hội cho ý kiến.
So với Luật Di sản văn hóa hiện hành, dự thảo Luật chuyển từ quy định
“Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu nhà nước”
thành “Nhà nước đại diện chủ sở hữu di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn
dân”. Tuy nhiên, Tờ trình của Chính phủ chưa đề cập lý do sửa đổi các
hình thức sở hữu di sản văn hóa, chưa xác định thẩm quyền, tiêu chí công
nhận loại hình sở hữu. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Cơ quan chủ trì
soạn thảo giải trình nội dung này; đồng thời quy định cụ thể thẩm
quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa;
nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; giải quyết tranh
chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có).
Về quản lý bảo vật quốc gia, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Cơ quan
chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ, đặc biệt làm rõ
nội hàm “chuyển nhượng”, “mua bán”, “kinh doanh” để tránh có nhiều cách
hiểu khác nhau; đồng thời quy định cụ thể về “chế độ đặc biệt” trong
việc bảo vệ và bảo quản bảo vật quốc gia.
QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ NGHỆ NHÂN ĐANG HƯỞNG LƯƠNG VÀ KHÔNG CÓ LƯƠNG
Nêu một số vấn đề cần quan tâm đối với dự luật quan trọng này, Chủ
tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, Luật Di sản văn hóa là bộ luật có
phạm vi tác động lớn, liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực; do đó, phải
tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật,
làm rõ và khắc phục các chồng chéo giữa văn bản pháp luật về di sản văn
hóa với luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công,
Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở…
Về quyền sở hữu và các quyền liên quan tới di
sản văn hóa, theo Chủ tịch Quốc hội, đây là vấn đề cần thảo luận, xem
xét kỹ lưỡng bởi dự thảo Luật vẫn chưa xác định thẩm quyền, tiêu chí
công nhận loại hình sở hữu. "Trên thực tế có khả năng xảy ra trường hợp
cá nhân, tổ chức sở hữu di sản văn hóa là di vật, cổ vật, bảo vật quốc
gia nhưng khi có tranh chấp về sở hữu lại chưa có chế tài xử lý. Chế tài
xử lý trong dự luật này chưa rõ”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí
xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản
lý, thẩm quyền và trách nhiệm bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; giải
quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có) để bảo
đảm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đồng thời, phát
huy tối đa vai trò của chủ sở hữu trong công tác bảo tồn, phát huy giá
trị di sản văn hóa. "Đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, xử lý thấu
đáo, kỹ lưỡng để xác định quyền sở hữu, các quyền liên quan không bị
trùng lắp, chồng chéo", Chủ tịch Quốc hội nói.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) cho rằng, việc
nghiên cứu, sửa đổi Luật Di sản văn hóa là rất cần thiết nhằm bảo đảm
quy định pháp luật hài hòa với thực tiễn, với sự phát triển xã hội, thế
giới.
Bày tỏ quan tâm tới chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản
văn hóa phi vật thể, đại biểu Nguyễn Thị Hà cho biết, việc phân cấp,
phân quyền nêu trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương xây
dựng và ban hành chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản
văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, để bảo đảm tính công bằng và bảo đảm
quyền lợi cho đối tượng hưởng thụ, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị quy
định rõ 2 nhóm đối tượng, mức hỗ trợ đối với nghệ nhân là người đang
hưởng lương và người không có lương.
"Đồng thời, cần có một điều khoản quy định rõ về đối tượng, tiêu chí,
nội dung, định mức chi tối thiểu (mức sàn) về chế độ đãi ngộ đối với
nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể. Đây là cơ sở tham
chiếu để HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Nghị
quyết về nội dung này", đại biểu Nguyễn Thị Hà đề xuất./.
TTXVN