Cách đây 74 năm, ngay khi vừa giành được độc lập, mặc dù lúc đó đời sống nhân dân ta vô cùng khó khăn, giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm còn vây quanh, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện ý chí đấu tranh kiên cường và khát vọng mãnh liệt về độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và đưa đất nước ta phát triển giàu mạnh.
Trong thư gửi các cháu học sinh ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 15-9-1945, Bác đã thể hiện một khát vọng lớn lao là một ngày dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu.
Năm 1946, khi trả lời báo chí nước ngoài, Người cũng tuyên ngôn với thế giới rằng: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Ngay trước lúc ra đi ngày 2-9-1969, khi đất nước còn chưa thống nhất, nhưng Người tin tưởng mạnh mẽ, đất nước ta sẽ nhất định thống nhất. Người đã căn dặn trong Di chúc: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Về doanh nghiệp, doanh nhân, ngay từ những ngày đầu giành được độc lập, Bác đã đề cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế. Trong bức thư đề ngày 13-10-1945 gửi các “giới công thương Việt Nam”, Bác đã khẳng định: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng". Trong bức thư này, Người đã xác định vai trò, sứ mệnh và trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp đối với đất nước. 74 năm đã trôi qua nhưng tư tưởng của Bác về doanh nghiệp, doanh nhân nêu trong bức thư ngày ấy vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ta vẫn đang nỗ lực thực hiện lời căn dặn này.
Hôm nay, thế hệ chúng ta và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân có trách nhiệm hiện thực hóa tâm nguyện của Người và khát vọng to lớn của dân tộc là phải xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, vì mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội và “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”.
Trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, Đảng ta luôn xác định và thực hiện nhất quán quan điểm phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, đồng thời đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối quan trọng về đổi mới và phát triển kinh tế đem lại thành tựu to lớn, làm nên cơ đồ chưa từng có của đất nước ta ngày nay. Thực tiễn chứng minh đường lối, chủ trương của Đảng ta về đổi mới và phát triển kinh tế trong thời gian qua là hoàn toàn đúng đắn, mang tính sáng tạo và phù hợp với quy luật phát triển khách quan. Thể chế, cơ chế, chính sách ngày càng được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân sản xuất kinh doanh. Từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập, đóng góp cho ngân sách nhà nước, góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Hội nghị Trung ương 5, khóa XII ban hành 3 nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN); tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là những vấn đề then chốt và mang tính nền tảng đối với quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trong tình hình mới.
Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp, doanh nhân vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong hoạt động; nền kinh tế nước ta chưa thực sự phát triển nhanh và bền vững. Trong đó có nguyên nhân quan trọng là cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Đó đang là lực cản cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế của nước ta cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.
Với quan điểm mọi chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước phải xuất phát từ thực tiễn khách quan, lấy dân làm gốc, làm trung tâm và thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, Ban Kinh tế Trung ương cùng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng chủ trì chỉ đạo, tổ chức Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”.
Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong phát triển kinh tế, trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động trên thị trường, hơn ai hết, chính họ biết họ cần gì, cơ chế, chính sách nào để họ có thể hoạt động tốt nhất và đóng góp thiết thực, hiệu quả nhất cho phát triển kinh tế đất nước.
Cuộc vận động này khẳng định sự coi trọng của Đảng, Nhà nước đối với vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước nhằm phát huy trí tuệ, dân chủ, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII và góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
Cuộc vận động này cũng tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên tinh thần doanh nghiệp, doanh nhân hết lòng vì Đảng, Nhà nước và phụng sự Tổ quốc, nhân dân; Đảng, Nhà nước trân trọng lắng nghe các ý kiến góp ý, tiếp thu các đề xuất, sáng kiến xác đáng của doanh nghiệp, doanh nhân để đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách lãnh đạo, điều hành đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Cuộc vận động này hết sức có ý nghĩa khi được tổ chức trong bối cảnh cả nước ta đang tiến hành kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện tư tưởng của Người về doanh nghiệp, doanh nhân được đề ra 74 năm trước.
Trong cuộc vận động này, mọi góp ý, đề xuất, sáng kiến của doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đều được Ban tổ chức trân trọng tiếp nhận, tổng hợp, xem xét, chuyển tới các cơ quan của Đảng, Nhà nước liên quan để nghiên cứu, phục vụ cho việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, góp phần xây dựng văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Để có thành công lớn và tạo sự đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, chúng ta không chỉ cần có sự quyết tâm, đồng tâm, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mà cần phải có tư duy mới, suy nghĩ và tầm nhìn lớn, hành động đổi mới sáng tạo.
Tôi đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hãy phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm với quốc gia, dân tộc nhiệt tình hưởng ứng và tích cực tham gia Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”. Tham gia cuộc vận động này là hành động thiết thực của doanh nghiệp, doanh nhân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
NGUYỄN VĂN BÌNH, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương