Thứ Bảy, 23/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 18/4/2013 9:57'(GMT+7)

Phát huy truyền thống Bạch Đằng, gìn giữ biển đảo quê hương

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt khu di tích lịch sử Bạch Đằng

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt khu di tích lịch sử Bạch Đằng

Tối 17/4, tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 725 năm chiến thắng Bạch Đằng (1288 – 2013) và đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt.

Tham dự buổi lễ có các đồng chí đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; cùng đại diện các bộ ngành trung ương; lãnh đạo một số địa phương các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Về phía tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Đọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí trong Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Đây là khu di tích quốc gia đặc biệt, có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Đặc biệt, chiến thắng lịch sử Bạch Đằng năm 1288, Trần Quốc Tuấn đã nâng nghệ thuật chiến tranh nhân dân lên một tầm cao mới. Sự kiện kỷ niệm 725 năm chiến thắng Bạch Đằng và công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt đối với di tích lịch sử Bạch Đằng là sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng, tri ân đối với các tiền nhân của dân tộc. Quảng Ninh cần hoạch định tốt tuyến du lịch di tích lịch sử Bạch Đằng để phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc một lần nữa đã nhấn mạnh về quy mô, tầm vóc và ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Bạch Đằng 1288 đối với lịch sử dân tộc và thế giới. Đồng chí cũng khẳng định việc khu di tích được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt là niềm vinh dự, tự hào của Quảng Ninh, góp phần khẳng định tiềm năng to lớn của tỉnh với các giá trị lịch sử, văn hoá, sinh thái và tâm linh; cùng với đó cũng đặt ra trọng trách lớn lao cho tỉnh trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Đồng chí tin tưởng rằng, cùng với sự phát triển của tỉnh, vùng chiến trường xưa nay đã thay da đổi thịt và phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những đô thị sầm uất quan trọng của tỉnh và khu vực.

Trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta, sông Bạch Đằng đã từng ba lần chứng kiến quân và dân ta chiến thắng oanh liệt quân xâm lược phương Bắc bằng các cây cọc gỗ cắm sâu xuống lòng sông. Đó là chiến thắng Bạch Đằng năm 938, chiến thắng Bạch Đằng 981 và đỉnh cao là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Sông Bạch Đằng trở thành dòng sông lịch sử, cọc Bạch Đằng trở thành biểu tượng truyền thống đánh giặc ngoại xâm trên sông nước của dân tộc Việt Nam.

 
 Tái hiện hình tượng Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và chiến công
 oanh liệt trên chiến trường xưa

Hiện nay, bên tả ngạn của sông Bạch Đằng, thuộc thị xã Quảng Yên đã phát hiện và khai quật được ba bãi cọc gỗ với phạm vi lớn, gồm bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa. Các nhà khoa học đều khẳng định, cả ba bãi cọc đó đều có khung niên đại ở thế kỷ thứ XIII. Cho đến thời điểm này, chưa phát hiện được bãi cọc nào có niên đại sớm hơn.

Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng gồm có bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa, đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, bến Đò Rừng, đình Yên Giang, đền Trung Cốc, đình Trung Bản, thuộc thị xã Quảng Yên và đình Đền Công thuộc thành phố Uông Bí, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1988 đến năm 2012. Trong thời bình, đây trở thành tuyến giao thương huyết mạch giữa vùng nội địa với bên ngoài.

Với những giá trị đặc biệt, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1419/QĐ-TTg xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng; ngày 18/2/2013, Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng. Đây là hành lang pháp lý quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của khu di tích này phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội, nhằm đưa Quảng Ninh sớm trở thành một trung tâm du lịch của cả nước.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 725 năm chiến thắng Bạch Đằng và đón Bằng di tích quốc gia đặc biệt- di tích lịch sử Bạch Đằng mang chủ đề “Bạch Đằng giang bản anh hùng ca của dân tộc” với 2 phần: Phần 1: Bạch Đằng nổi sóng; Phần 2: Vang mãi khúc tráng ca.

Trong phần 1 Bạch Đằng nổi sóng, đoàn chèo Quảng Ninh đã thể hiện các tác phẩm Hịch Tướng sĩ, Thế trận toàn dân, Đại thắng Bạch Đằng năm 1288, tái hiện lại hình ảnh Bạch Đằng mãi là khúc tráng ca huy hoàng nhất của dân tộc Việt Nam, dân tộc đã từng chiến thắng nhiều kẻ ngoại xâm mạnh hơn mình nhiều lần. Bạch Đằng mãi là điểm tựa của nhân dân ta trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước và bảo vệ biển trời Tổ quốc.


 
 Hình ảnh TX. Quảng Yên vươn mình mạnh mẽ trong hiện tại và tương lai

Phần 2 của chương trình Vang mãi khúc tráng ca gồm nhiều tiết mục đặc sắc với hợp xướng : “Bạch Đằng Giang”, do Nhạc sỹ Lưu Hữu Phước sáng tác, NSND Quang Thọ lĩnh xướng cùng các diễn viên của Trường CĐ VHNT  và các diễn viên của thị Xã Quảng Yên; ca khúc “Lễ hội miền quê em” do ca sỹ Huy Anh, Khánh Thơ; Múa “Tỏa sáng miền Di tích”, biên đạo múa Nguyễn Ngọc Thủy, âm nhạc: Đức Trịnh; ca khúc"Bến Ngự sông Chanh”, “Quảng Yên hướng tới tương lai” thể hiện việc phát huy truyền thống Bạch Đằng trong xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp văn minh và giữ gìn biển đảo quê hương.

Cùng với sự chuyển mình vươn lên mạnh mẽ của đất nước, phát huy truyền thống Bạch Đằng, truyền thống phong trào cách mạng công nhân mỏ, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vị trí một địa bàn động lực, một cực tăng trưởng và là một trong những cửa ngõ giao thông quan trọng của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đối với khu vực và Quốc tế. Quảng Ninh đang thay da đổi thịt từng ngày, đang phát triển nhanh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ và bảo vệ tài nguyên môi trường theo hướng bền vững; phát huy tối đa thế mạnh về du lịch, đồng thời đang đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đi đôi với tăng trưởng kinh tế, tỉnh còn rất coi trọng phát triển văn hoá xã hội, xoá đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia và quyền lợi kinh tế vùng biển, đảo và thềm lục địa.

Truyền thống Bạch Đằng và truyền thống Công nhân mỏ là điểm tựa của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Trong tương lai, Quảng Ninh sẽ có thêm nhiều thành tựu mới để khẳng định vị trí một địa bàn động lực, một cực tăng trưởng nhanh và là đầu tàu trung tâm kinh tế mạnh của vùng đồng bằng Sông Hồng, vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ.

Khúc tráng ca Bạch Đằng giang huyền thoại mãi mãi là điểm tựa của dân tộc ta trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Bài học lịch sử biết dựa vào sức dân, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, đã từng chiến thắng giặc ngoại xâm mạnh hơn mình nhiều lần trên bộ, đặc biệt là trên sông biển trong việc gìn giữ biển đảo của đất nước hôm nay.

Lễ kỷ niệm 725 năm chiến thắng Bạch Đằng và đón Bằng di tích quốc gia đặc biệt là một nguồn lực mới, luồng sinh khí mới, niềm tự hào tiếp sức cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh tiến nhanh, tiến mạnh trong công cuộc xây dựng phát triển quê hương.

Đây cũng là sự kiện nhằm giáo dục và ghi nhớ truyền thống yêu nước đối với các thế hệ người Việt Nam, đồng thời giới thiệu với bạn bè quốc tế về lịch sử dân tộc Việt Nam anh hùng.


*Trong thời gian từ ngày 15.4 đến ngày 18.4.2013, nhiều các hoạt động văn hóa, thể thao, nghi lễ truyền thống sẽ được tổ chức tại các điểm di tích Bạch Đằng thuộc phường Yên Giang, Nam Hòa, xã Nam Hòa, thị xã Quảng Yên và đình Đền Công, xã Đền Công, thành phố Uông Bí như:

- Ngày 15.4, tổ chức Lễ đón nhận bằng di tích quốc gia - Bãi cọc Đồng Má Ngựa tại phường Nam Hòa; từ 12 giờ sẽ tổ chức Tế yết ở đền Trần Hưng Đạo, đình Trung Bản, đền Trung Cốc, đình Đền Công; từ 15 giờ tổ chức Đại trai đàn cầu siêu cho các vong linh quân dân nhà Trần và cầu quốc thái dân an tại đền Trần Hưng Đạo.

- Ngày 16.4, từ 8 giờ tổ chức rước tượng Trần Hưng Đạo từ đền Trần Hưng Đạo về đình Yên Giang; 20 giờ, văn nghệ chào mừng Lễ kỷ niệm 725 năm chiến thắng Bạch Đằng sẽ được tổ chức tại sân Bảo tàng Bạch Đằng.

- Ngày 17.4, ngày chính hội, từ 6 giờ tổ chức rước tượng Trần Hưng Đạo từ đình Yên Giang về đền Trần Hưng Đạo theo tuyến rước truyền thống; cùng thời gian này, tại Bến Đò cổ Bạch Đằng sẽ tổ chức “Giải đua thuyền chải truyền thống Bạch Đằng Quảng Ninh - Hải Phòng lần thứ nhất năm 2013” với sự tham gia của các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng.

- Ngày 18.4, tại đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, đình Trung Bản, đền Trung Cốc, đình Đền Công tổ chức lễ tế giã, kết thúc lễ hội Bạch Đằng.

Nhân dịp này, Sở Khoa học và công nghệ, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, Ban Quản lý di tích trọng điểm tỉnh, Hội Khoa học lịch sử Quảng Ninh cũng sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc về 725 năm chiến thắng Bạch Đằng tại thị xã Quảng Yên.

 

Thu Hằng


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất