Thứ Hai, 30/9/2024
Sức khỏe
Chủ Nhật, 13/6/2010 19:58'(GMT+7)

Phát huy vai trò của đội ngũ đồng đẳng viên trong Giảm hại lây nhiễm HIV

Tuyên truyền viên đồng đẳng phát tài liệu về HIV/AIDS tại cộng đồng.

Tuyên truyền viên đồng đẳng phát tài liệu về HIV/AIDS tại cộng đồng.

Hiện nay, việc sử dụng hình thức tuyên truyền viên đồng đẳng đang được nhiều cơ quan, tổ chức hướng tới. Không phải không có lý do, bởi những đồng đẳng viên chính là những nguồn lực cần thiết để các chương trình truyền thông phát huy hiệu quả. Với các chương trình giảm thiểu sự lây nhiễm của HIV thì sự tham gia của nhóm đối tượng có nguy cơ cao vào tuyên truyền, vận động là một hoạt động thiết thực và cần thiết. Trong đó phải kể đến là nhóm sử dụng ma tuý và nhóm gái mại dâm. Họ được ví như người mang “vaccin” vào ổ dịch…

Hàng ngày, chị Dung tìm đến với các nhà hàng, khách sạn, hay các tụ điểm “nhạy cảm” để tiếp cận với chị em bán dâm. Công việc của chị là tư vấn cho họ về cách bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ, thực hiện hành vi tình dục an toàn phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS. Cùng với việc tư vấn là phát bao cao su (BCS) miễn phí (cung cấp dịch vụ thực hiện hành vi tình dục an toàn) và hướng dẫn họ dùng đúng cách… Không tuân theo giờ giấc cố định, lúc buổi trưa, khi thì tối, thời gian làm việc của chị Dung phụ thuộc hoàn toàn vào “thời gian biểu” của khách hàng - các thân chủ của chị. Chị tranh thủ cả lúc các thân chủ đang chờ “đi khách” để tư vấn, phát BCS miễn phí cho họ.

Khác với chị Dung, anh Hiếu (Sơn La) và anh Vinh (Hoà Bình) lại đi tiếp cận tư vấn và phát bơm kim tiêm sạch cho nhóm nghiện chích ma tuý. Nguy hiểm nhất là tiếp cận đúng lúc khách hàng đang đói thuốc. Nhiều phen các anh bị khách hàng lên cơn sửng cồ quát mắng! Tình trạng bị khách hàng xua đuổi, từ chối tiếp cận là chuyện thường tình, thậm chí còn bị cộng đồng, người thân kỳ thị. Tuy nhiên với sự kiên trì, bền bỉ và trách nhiệm của các tuyên truyền viên đồng đẳng, các anh đã giúp cho nhiều khách hàng thuộc loại khó tính nhận thức được để thay đổi hành vi. Có khách hàng đã tích cực tham gia các hoạt động và trở thành nhân viên tiếp cận cộng đồng, lấy vợ sinh con, tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.

Khi chưa thể xoá bỏ sự lây truyền của HIV cũng như chưa có vắc xin dự phòng thì cần có những hành động để giảm sự lây nhiễm. Chúng ta không thể ngày một ngày hai có thể ngăn chặn toàn bộ hoạt động buôn bán ma tuý, đưa tất cả những người nghiện đi cai nghiện và giúp họ hoàn toàn trở lại với cuộc sống bình thường. Với gái mại dâm cũng vậy. Vì thế, việc giúp những người nghiện ma tuý, những người hành nghề mại dâm, những người đã có HIV có thông tin và thực hành những hành vi an toàn là rất cần thiết. Nhưng vì sao các chương trình lại không hoàn toàn chọn tuyên truyền viên, giáo dục viên là bác sỹ, là những người khác mà lại chính là người đã sử dụng ma tuý, đã hành nghề mại dâm và đã nhiễm HIV?

Trước hết, phải thừa nhận rằng, đây là những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV và dễ bị tổn thương, và việc tiếp xúc với những đối tượng này thực sự không dễ dàng. Nhưng người trong cuộc, sẽ hiểu hơn ai hết về tâm lý, cuộc sống của những đối tượng này. Họ biết làm thế nào để tiếp cận những người đó và nói như thế nào để họ nghe. Chính vì vậy, những người làm chương trình đã khuyến khích các tuyên truyền viên đồng đẳng tham gia. Tuy nhiên, không phải chỉ có vậy, để trở thành tuyên truyền viên đồng đẳng, giáo dục viên đồng đẳng, trước hết họ phải có hiểu biết và thực hiện đúng những hành vi an toàn. Qua các khoá tập huấn, qua những buổi sinh hoạt hay thực tế đi xuống cộng đồng, các bạn dần dần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng để đạt hiệu quả tuyên truyền tốt nhất.

Về phía những giáo dục viên đồng đẳng, họ đang là những đối tượng chịu sự kỳ thị của cộng đồng, vì vậy họ muốn chứng tỏ họ không phải không còn có ích cho xã hội, không phải lúc nào người nghiện ma tuý, đối tượng mại dâm cũng là người xấu… Với sự liên kết của những người sử dụng ma tuý, họ tin rằng mỗi người đều có quyền, tiềm năng và lợi ích cho xã hội. Họ muốn được đối xử công bằng như những người khác trong xã hội, nhất là họ cũng muốn bảo vệ quyền lợi của họ về sức khoẻ.

Với những lý do đó, hoạt động tiếp cận cộng đồng giảm tác hại lây nhiễm HIV đã đi vào hoạt động và bước đầu có hiệu quả. Họ đã gặp không ít những khó khăn vì xã hội cũng cần có thời gian để chấp nhận họ, họ cũng cần có sự cố gắng cũng như thời gian để chứng minh những hoạt động có ích của mình.

Chúng ta có quyền phán xét những hành vi không tốt, nhưng cũng hãy để cho họ thời gian và cơ hội chứng minh họ còn là những người có ích. Đó chính là cách tốt nhất giúp họ trở lại cộng đồng và giúp ích cho cộng đồng./.

T.H
Cục Phòng, chống Tệ nạn xã hội - Bộ LĐ-TB & XH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất