Thứ Sáu, 18/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Năm, 7/6/2018 15:13'(GMT+7)

Phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Trà Vinh


Trò chơi nấu cơm của người dân tộc Khmer. 

Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc, tôn giáo trong tỉnh đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết chiến đấu dũng cảm, kiên cường, được Trung ương khen tặng 8 chữ vàng “Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công”. Quá trình chiến đấu, lao động, sản xuất đã xuất hiện lớp người tiêu biểu, cốt cán trong cộng đồng các dân tộc, tôn giáo, nhiều người có uy tín được sự tín nhiệm của cộng đồng đã trở thành chỗ dựa “Tinh thần” vững chắc đối với đồng bào; nhiều cơ sở thờ tự là nơi nuôi chứa, đùm bọc, che dấu cán bộ cách mạng, là nơi cung cấp nguồn cán bộ dân tộc cho tỉnh và Trung ương, nhiều vị đã giữ vị trí quan trọng trong cơ quan Đảng, Nhà nước như: cụ Maha Sơn Thông, ông LuiSarath, Hòa thượng Sơn Vọng, Hòa thượng Thạch Som, Hòa thượng Thích Thái Không… 

Xuất phát từ những đặc điểm nói trên, nên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể luôn quan tâm, nâng cao nhận thức và thực hiện nhất quán chính sách dân tộc - tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Triển khai, thực hiện tốt công tác vận động, xây dựng và phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trong vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo nói tiêng và cả tỉnh Trà Vinh nói chung.

Hiện nay, toàn tỉnh Trà Vinh có 441 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc Khmer 428, Kinh 03, Hoa 10), trong đó có 68 người là sư sãi, chức sắc trong các tôn giáo, 94 người là thành viên Ban quản trị chùa. Trong những năm qua, rất nhiều người có uy tín trong vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo đã tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng và những những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng  - an ninh trên địa bàn tỉnh.


Lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào Khmer. (Ảnh: Canthotv)

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, người có uy tín đã tích cực vận động Nhân dân thực hiện tốt phong trào, nghiêm chỉnh chấp hành các quy ước, hương ước. Hầu hết gia đình người có uy tín đều đăng ký phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa. Những người có uy tín cao tuổi còn tham gia phong trào “ông bà mẫu mực”, “con cháu thảo hiền”… góp phần nâng tỷ lệ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa đặt 87,1%, ấp khóm văn hóa đạt 93,5%; 21 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (đạt 19,81%), toàn tỉnh có 33/106 xã đạtchuẩn nông thôn mới (chiếm 31,13%), riêng huyện Tiểu Cần có 9/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhiều người có uy tín còn phát huy vai trò của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống… cụ thể như hiện nay, trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đều có đội Ghe ngo, đa số các chùa Phật giáo Nam tông Khmer có dàn nhạc ngũ âm, đội múa Chằn, đội Chhay - dam, Nghệ thuật Rô Băm, nghệ thuật Chầm Riêng Chà pây,… vẫn còn được đồng bào bảo lưu và phát triển; vai trò của người có uy tín trong đồng bào Hoa được phát huy tích cực,thực hiện tốt việc tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thống, các hoạt động, lễ hội, tín ngưỡng dân gian, tích cực tuyên truyền cho cộng đồng người Hoa thực hiện tốt việc bảo tồn, gìn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. 

Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực tham gia việc phục hồi lại các loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị mai một như ngũ âm, sa dăm, rô băm,… Bên cạnh đó, có sự sáng tạo các giá trị văn hóa mới phù hợp với thời đại. Trên địa bàn tỉnh có 143 chùa phật giáo Nam tông Khmer, các chùa Khmer luôn quan tâm duy trì lối kiến trúc cổ, bảo vệ và lưu giữ các di sản văn hóa đặc trưng như nghệ thuật múa Rô-– băm, nghệ thuật sân khấu dù kê, sa tra-chữ viết trên lá buông của đồng bào Khmer. 

Đến nay, đồng bào Khmer có 03 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Nghệ thuật Chầm riêng Chà Pây, lễ hội Ok- Om-Bok và Nghệ thuật Rô - Băm; 15 chùa Khmer được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cách mạng cấp tỉnh và di tích lịch sử văn hóa kiến trúc cấp quốc gia. Nhà Bảo tàng Văn hóa Khmer tỉnh được duy tu, sửa chữa và trưng bày trên 1.000 hiện vật có giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer.

Vai trò của người có uy tín là sư sãi, chức sắc tôn giáo trong việc bảo tồn phát triển ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc rất to lớn, hiện nay hầu hết các điểm chùa đều mở lớp dạy ngữ văn Khmer, nhà chùa thành nhà trường, các vị sư, sãi trở thành thầy giáo đứng lớp. Người có uy tín đã tích cực tham gia vận động con cháu trong độ tuổi đi học, tỉ lệ học sinh Khmer đi học, đồng thời khuyến khích các em tham gia học ngữ văn Khmer để bảo tồn và phát huy  tiếng nói, chữ viết của dân tộc. Bên cạnh đó, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực tham gia vào các phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, thực hiện tốt phong trào khuyến học, khuyến tài, gây quỹ giúp học sinh nghèo hiếu học có điều kiện đến trường, xây dựng xã hội học tập.

Trong việc thực hành các nghi thức cưới hỏi, lễ tang và lễ hội vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số không kém phần quan trọng. Thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về việc thực hiện nếp sống trong việc cưới, việc tang và lễ hội, những người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số đã đi đầu trong việc tuyên truyền thực hiện các nội dung liên quan đến Chỉ thị số 27, từ đó việc thực hiện các lễ nghi liên quan đến việc cưới, việc tang, lễ hội dần dần có sự thay đổi phù hợp với cuộc sống hiện đại, không kéo dài thời gian, tiết kiệm được thời gian, chi phí, nhưng vẫn đảm bảo trang trọng, giữ gìn được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, các hiện tượng tiêu cực không lành mạnh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được đẩy lùi.

Ngoài việc tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số còn tích cực trong việc tuyên truyền, đấu tranh chống sự xâm nhập, những xu hướng sùng ngoại, lai căng, mất gốc, những hủ tục không còn phù hợp với thuần phong mỹ tục của đồng bào dân tộc. 

Trong thời gian tới, để người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với những người có uy tín trong dân tộc, tôn giáo một cách linh hoạt, khôn khéo, kịp thời, phù hợp với đặc điểm tâm lý, phong tục tập quán của từng người, để tạo điều kiện thuận lợi cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia vào phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Hai là, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng hệ thống chính trị trong vòng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo vững mạnh. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc, tôn giáo.

Ba là, kịp thời biểu dương, khen thưởng những người có uy tín có thành tích tiêu biểu trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. 

Bốn là, thường xuyên cung cấp thông tin về thời sự chính trị, kinh tế của địa phương, trong nước và quốc tế cho người có uy tín; phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực. Chú trọng các chủ trương, chính sách liên quan đến dân tộc, tôn giáo; về âm mưu, phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm, của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Năm là, tạo những điều kiện thực tế phù hợp với từng người có uy tín tham gia góp ý xây dựng các hương ước, quy ước ấp, khóm; các kế hoạch thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Sáu là, phân công, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, hiểu biết về phong tục tập quán, về tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là hiểu biết tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc, thái độ gần gũi, gắn bó, tận tâm với nhiệm vụ, có kinh nghiệm, được đồng bào các vị chức sắc, chức việc trong tôn giáo tin cậy làm công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo./.

Trần Bình Trọng - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất