Cả thôn Lùng Thàng, xã Sảng Tủng, huyện Ðồng Văn có 40 hộ là dân tộc
Mông và đều mang họ Hầu. Ông Hầu Phái Sính là người cao tuổi, lại là
trưởng họ cho nên tiếng nói của ông được người dân trong thôn coi trọng
và bầu ông là người có uy tín của thôn. Sắp vào năm học mới, ông Sính đến từng nhà
để tuyên truyền, vận động các gia đình nhớ đưa con em đến trường sau
những tháng nghỉ hè.
Nhiều năm trở lại đây, thôn Lùng Thàng luôn đạt tỷ lệ 100% số
trẻ trong độ tuổi đến trường, không xảy ra tình trạng học sinh bỏ học
theo bố mẹ lên nương rẫy hay đi lao động ngoài tỉnh.
Anh Hầu Sía Chứ,
thôn Lùng Thàng, xã Sảng Tủng chia sẻ: "Gia đình tôi có hai con đang
trong độ tuổi đến trường, một cháu học lớp 8, một cháu học lớp 3. Khi
bác Sính đến nhà giải thích việc cho con em học cái chữ quan trọng như
thế nào, tôi thấy hợp lý lắm, cho nên không cho con nghỉ học ở nhà giúp
gia đình nữa mà động viên các con đến trường".
Cũng tại xã Sảng Tủng, trước kia, việc ma chay, cưới hỏi vẫn còn
nhiều hủ tục lạc hậu. Năm 2016, Ðảng ủy xã Sảng Tủng xây dựng, thực hiện
đề án xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang. Ðể thay đổi tập
quán đã tồn tại nhiều đời trong cộng đồng dân tộc Mông, xã Sảng Tủng
phải dựa vào tiếng nói, vai trò của đội ngũ người có uy tín.
Chủ tịch UBND xã Sảng
Tủng Vàng Mí Lía cho biết: "Ðối với đồng bào vùng cao, cán bộ tuyên
truyền, vận động chưa chắc đã thông. Nhưng khi người có uy tín tuyên truyền, bà con
sẽ nghe theo. Nhờ đó, các hủ tục lạc hậu dần không còn tồn tại trong
đời sống người dân, bà con cùng nhau xây dựng nếp sống mới, tình trạng
tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giảm hẳn".
Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới có 19 dân tộc, trong đó có hơn
87% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc có ngôn ngữ, tập quán riêng,
sống quần tụ thành từng xóm, bản cho nên việc vận động, tuyên truyền
người dân thực hiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nhất là
nhiệm vụ chính trị, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương phải dựa vào
người có uy tín trong cộng đồng.
Xác định rõ điều đó, những năm qua, tỉnh Hà Giang
luôn quan tâm đến công tác phát hiện, bồi dưỡng, động viên người có uy tín, nhất là
ở các xã vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Hiện nay,
tỉnh có gần hai nghìn người có uy tín, chủ yếu là các già làng, trưởng bản, trưởng
dòng họ, nghệ nhân dân gian, trí thức về hưu, người sản xuất giỏi...
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang Hoàng Ðức Tiến cho biết: "Hằng năm, Ban
Dân tộc tỉnh chủ động phối hợp với các ban, ngành chức năng, các địa
phương tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động, bồi dưỡng, cập
nhật kiến thức pháp luật, các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước cho người có uy tín để họ nắm bắt, triển khai đến cộng
đồng dân cư. Ngoài ra, Ban Dân tộc còn tổ chức cho người có uy tín đi tham quan, học tập các
mô hình về phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ở
các địa phương trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, tổ chức gặp mặt, biểu
dương, khen thưởng, động viên người có uy tín phát huy vai trò, tiếng nói dân tộc
của mình trong cộng đồng".
Từ sự quan tâm, bồi dưỡng của các ngành, các
cấp, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã phát huy vai trò là "cầu nối"
giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân; là hạt nhân tiêu biểu, gương mẫu
trong công tác tuyên truyền, vận động, triển khai, thực hiện các nhiệm
vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Trong đó, vai trò
nổi bật nhất là bài trừ các hủ tục, tệ nạn xã hội; đấu tranh chống
truyền đạo trái pháp luật; giữ gìn được nhiều giá trị bản sắc văn hóa
dân tộc. Nhờ đó, trong mấy năm trở lại đây, tỉnh Hà Giang đã khôi phục
và phát huy nhiều lễ hội văn hóa truyền thống như: Lễ hội nhảy lửa của
dân tộc Pà Thẻn; Lễ cấp sắc của người Dao; Lễ cầu mưa của dân tộc Lô Lô;
Lễ cúng thần rừng của người Nùng.
Người có uy tín ở tỉnh Hà Giang còn có vai trò trong việc giữ gìn khối đại đoàn
kết toàn dân, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, khai thác tiềm
năng, thế mạnh của từng vùng để đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế,
xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào.
Ðến nay đã xuất
hiện nhiều gương điển hình người có uy tín làm kinh tế giỏi để bà con học tập, làm
theo. Tiêu biểu như ông Làn Ðình Dưỡng, dân tộc Pà Thẻn, xã Hữu Sản,
huyện Bắc Quang tích cực phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại
với hơn 300 con gia súc, gia cầm, thu nhập hằng năm gần 200 triệu đồng.
Ông Dưỡng đã giúp đỡ hàng chục hộ nghèo trong thôn có con giống chăn
nuôi. Hay ông Phàn Quầy Và, xã Quảng Nguyên, huyện Xín Mần với mô hình
phát triển chăn nuôi kết hợp trồng chè, mỗi năm thu nhập từ 300 đến 400
triệu đồng. Ông Và còn chủ động thu mua hàng trăm tấn chè búp tươi cho
bà con để mang đi tiêu thụ ở các tỉnh khác...
Là tỉnh có đường biên giới dài, tiếp giáp với Trung Quốc, việc phát
huy vai trò của người có uy tín trong việc giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên
giới, bảo vệ đường biên, cột mốc luôn được coi trọng.
Ðại tá Nông Thế
Hanh, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang cho biết: "Người có uy tín tại
các xã biên giới đã tích cực vận động nhân dân và tham gia tuần tra biên
giới cùng với lực lượng biên phòng. Ðội ngũ này còn cung cấp nhiều
nguồn tin có giá trị liên quan đến an ninh trật tự ở cơ sở, đấu tranh
với các biểu hiện sai trái, phát hiện các vụ việc liên quan như mua bán
phụ nữ, vận chuyển hàng hóa qua biên giới trái phép... để thông báo cho
các cơ quan chức năng tổ chức ngăn chặn".
Theo số liệu thống kê, từ năm
2016 đến 2018, người có uy tín tại tỉnh Hà Giang đã cung cấp cho các đơn vị biên
phòng hơn 200 tin có giá trị liên quan đến an ninh, trật tự khu vực biên
giới và truyền đạo trái phép.
Những đóng góp của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang đã góp phần
củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh. Nhờ
chú trọng phát huy vai trò của người có uy tín, những năm qua, tỉnh Hà Giang được
đánh giá là địa phương có tình hình an ninh, trật tự xã hội ổn định, bản
sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy, các hủ tục lạc hậu
đang dần được xóa bỏ, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng
lên./.