Thứ Năm, 3/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 26/11/2010 20:51'(GMT+7)

Phát triển bền vững gia đình và văn hóa dân tộc

Ngày 25/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan đã nghe và góp ý, làm rõ những nội dung của dự thảo Đề án phát triển gia đình Việt Nam bền vững giai đoạn 2011-2020 và Đề án phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam đến năm 2020.

Giúp giới trẻ nhận thức rõ gia đình là tế bào của xã hội

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN) Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết, trong những năm gần đây, tình trạng đất nông nghiệp bị thu hẹp, lao động nông nghiệp giảm mạnh và rời bỏ nông thôn tới các thành phố lớn làm ăn đã tác động tiêu cực tới các giá trị truyền thống, bền vững của gia đình Việt Nam.

Mặt khác, khi kinh tế phát triển, nhiều thói quen xấu, tệ nạn xã hội đã xuất hiện nhiều như một hậu quả của kinh tế thị trường, khiến sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo hơn, chức năng giáo dục các thành viên trong nhiều gia đình bị suy giảm.

Ngay từ đầu năm 2010, Hội LHPN Việt Nam đã phát động phụ nữ cả nước thực hiện Cuộc vận động “ Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, trong đó 5 không là: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; 3 sạch là: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.

Cho ý kiến về dự thảo Đề án phát triển gia đình Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, Hội LHPN Việt Nam cần tìm hiểu thêm những nguy cơ, xác định tỷ lệ ly hôn ở các gia đình Việt Nam hiện nay. Từ đó, xây dựng các chương trình giáo dục để thế hệ trẻ nhận thức được rằng gia đình là tế bào của xã hội, là trung tâm của mọi sự phát triển. Các cơ quan tuyên truyền cần nghiên cứu để sớm xây dựng các chương trình giáo dục về gia đình ở Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, cần phải lưu ý tới xu hướng không lập gia đình hoặc không muốn sinh con hiện đang xuất hiện ở một số quốc gia và có thể tác động tới giới trẻ Việt Nam.

Phó Thủ tướng đề nghị Hội LHPN Việt Nam cần làm rõ thêm về kinh phí thực hiện của Đề án này, trên cơ sở đó phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Đề án này để Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Truyền thống văn hóa là ưu thế của dân tộc

Phó Thủ tướng cho rằng cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho quản lý, nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Liên quan đến Đề án phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam đến năm 2020, theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn, mục tiêu tổng quát của Đề án là nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội vào sự nghiệp phát triển văn hóa dân tộc, góp phần đề văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Thứ trưởng, một vấn đề cần lưu ý hiện nay là mặc dù đời sống văn hóa ở miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã có điều kiện mới để phát triển nhưng vẫn tồn tại nguy cơ tụt hậu và mất dần bản sắc ở một số dân tộc.

Do đó, cần gấp rút bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa trong phát triển văn hóa truyền thống, góp phần giảm dần sự chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc.

Theo Đề án, dự kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xây dựng 6 dự án như tổng kiểm kê tài sản văn hóa dân tộc, bảo tồn khẩn cấp văn hóa một số dân tộc, tăng cường các thiết chế văn hóa cơ sở, gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn phát triển văn hóa.

Góp ý với Đề án, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cùng với yếu tố gia đình, truyền thống văn hóa là ưu thế của dân tộc Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, là động lực mạnh mẽ giúp đất nước ta vượt qua rất nhiều khó khăn trong quá khứ.

Trong rất nhiều công việc phải làm, Phó Thủ tướng cho rằng cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho quản lý, nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Bên cạnh việc tăng cường giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, cần gắn kết giữa văn hóa với du lịch, đồng thời tăng cường việc giáo dục văn hóa các dân tộc trong hệ thống các trường phổ thông.

Khẳng định Chính phủ luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của các dân tộc Việt Nam, Phó Thủ tướng đề nghị trong quý I/2011, các bộ, ngành phải hoàn thiện và trình Thủ tướng để sớm đưa Đề án vào cuộc sống./.

(Theo: chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất