Sáng nay 10/3, tại Quảng trường 10/3 TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak đã tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975-10/3/2010), 105 Buôn Ma Thuột hình thành và phát triển, đón nhận quyết định nâng cấp Buôn Ma Thuột từ đô thị loại II lên đô thị loại I thuộc tỉnh, quyết định tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho quân dân tỉnh Đắk Lắk trong thời kỳ đổi mới và quyết định tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho thành phố Buôn Ma Thuột. Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam và Đài PT-TH Đắk Lắk.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành và một số địa phương, cùng gần 5000 đồng bào các dân tộc trong tỉnh…tham dự buổi lễ.
Sau 35 năm giải phóng, đặc biệt là qua hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Đăk Lawsk đã phát huy truyền thống đoàn kết, lao động cần cù, đẩy mạnh sản xuất, chiến đấu và xây dựng, đã giành được nhiều thành tựu to lớn và rất quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.
Trong những năm qua, nền kinh tế của tỉnh luôn giữ được mức tăng trưởng cao. Năm 2009, mặc dù bị ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng tốc độ GDP của tỉnh tăng 11%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỷ trọng của ngành nông nghiệp giảm và tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ tăng dần. Từ chỗ thiếu ăn, đến nay tỉnh đã bảo đảm an ninh lương thực và có lương thực dự trữ. Năm 2009 tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 989 ngàn tấn, sản lượng cà phê đạt 380 ngàn tấn, dẫn đầu cả nước. Các ngành dịch vụ, thương mại đã có chuyển biến tích cực, từng bước thích ứng nền kinh tế thị trường, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn hằng năm luôn vượt kế hoạch, năm 2009 đạt 2.357 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 13,9 triệu; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,4%.
Các hoạt động giáo dục, khoa học – công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, thực hiện các chính sách xã hội, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số… trong những năm qua rất được chú trọng và có nhiều tiến bộ. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; quốc phòng được giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp ngày càng được nâng lên. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng và các tổ chức chính trị – xã hội có chuyển biến tích cực, hướng mạnh hơn về cơ sở. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chuyển biến tốt, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng nâng lên; niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự nghiệp đổi mới ngày càng được tăng cường củng cố. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, xuất hiện ngày càng nhiều điển hình làm theo tấm gương của Bác.
Sau 35 năm giải phóng, vững bước đi lên dưới ánh sáng của đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Dak Lak nói chung, thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng đã đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để viết nên những trang sử mới. Những thành tựu đạt được đã và đang tạo ra thế và lực mới cho tỉnh nhà trên chặng đường phát triển tiếp theo.
Năm 2010 và những năm tới, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh hết sức nặng nề. Chúng ta cần phải tiếp tục vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm, bài học lịch sử những năm qua vào sự nghiệp xây dựng quê hương hôm nay, phát huy sức mạnh khối đoàn kết các dân tộc, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, tập trung khai thác tốt nhất mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương; huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh để đầu tư xây dựng nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển một cách toàn diện, bền vững. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chú trọng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nhằm phục vụ tốt cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện tốt công tác quốc phòng, an ninh, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, giữ gìn khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, kiên quyết đẩy lùi quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu quả hoạt động của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển trong những năm tiếp theo. Đồng thời luôn đề cao cảnh giác chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…
Buôn Ma Thuột từ lâu đã được xem là trung tâm kinh tế chính trị xã hội, quốc phòng an ninh của khu vực Tây Nguyên. Với vị trí chiến lược đó, Buôn Ma Thuột luôn là vùng chiến sự nóng bỏng nhất giữa ta và địch trong các cuộc kháng chiến cứu nước. Thực dân, đế quốc cũng chỉ chú trọng xây dựng Buôn Ma Thuột thành cứ điểm quân sự, làm nơi đồn trú chiến lược phục vụ mục đích quân sự. Sau khi được giải phóng (10/3/1975), toàn cảnh thị xã Buôn Ma Thuột nhỏ bé chỉ là một đống đổ nát, cơ sở hạ tầng gần như là “vùng trắng”, đời sống kinh tế xã hội lạc hậu và được mô tả là “nghèo đói, mù chữ, bệnh tật...”. Sau khi tiếp quản, các cấp Đảng, chính quyền, quân và dân Buôn Ma Thuột vừa lo xây dựng kinh tế - xã hội, vừa lo thu dọn tàn tích chiến tranh, tiễu trừ Phun rô.
35 năm sau, quân và dân Buôn Ma Thuột đã lập nên những kỳ tích trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Từ đống đổ nát, đến năm 1994, Buôn Ma Thuột được công nhận đô thị loại III; năm 2005 được công nhận đô thi loại II và sẽ được công nhận đô thị loại I đúng dịp Kỷ niệm 35 năm chiến thắng.
Từ năm 2000 đến nay, Buôn Ma Thuột luôn tạo ra được những cú đột phá mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ tăng trưởng này càng mạnh mẽ về sau. Cụ thể, giai đoạn 2001 – 2005, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 11,38%; đến giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân vọt lên 17,5%. Cơ cấu kinh tế - xã hội chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa: tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ (chiếm 89%), giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp. Thu ngân sách đạt tốc độ tăng trung bình 22,43% qua mỗi năm. Riêng năm 2009, TP Buôn Ma Thuột đã đạt được những con số ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội: tổng thu ngân sách đạt trên 1.500 tỷ đồng (trong đó thu theo phân cấp đạt gần 750 tỷ đồng); thu nhập bình quân đầu người đạt 24,75 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,3%.
Với mục tiêu xây dựng TP.Buôn Ma Thuột theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, TP đã hình thành các khu, cụm công nghiệp, dự án đầu tư có quy mô lớn như Khu công nghiệp Hòa Phú (181 ha), Cụm công nghiệp Tân An (105 ha), cùng các dự án đầu tư lớn như: Thủy điện Buôn Kuốp công suất 280MW, Nhà máy Bia Sài Gòn – Đắk Lắk công suất 75 triệu lít/năm… Cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội được chú trọng đầu tư. TP đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cấp THCS từ năm 2005; cơ sở hạ tầng của ngành giáo dục từ mầm non đến đại học đã được xây dựng kiên cố; bên cạnh đầu tư xây dựng các bệnh viện lớn khuyến khích các thành ngoài công lập xây dựng bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh khang trang thì mạng lưới y tế được kiện toàn đến cấp thôn, buôn. Hiện tại, 96% đường giao thông nội đô, 100% đường liên xã, 70% đường liên thôn đã được nhựa hóa; 100% đường phố và 80% ngõ hẻm có điện chiếu sáng công cộng.Năm 2009, TP được bình chọn là 1 trong 10 đô thị xanh – sạch – đẹp của cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định giá trị của chiến thắng 10/3. Đây không chỉ là niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng mà của toàn Đảng và toàn nhân dân ta. Chiến thắng Buôn Ma Thuột 10/3/1975 là chiến thắng vĩ đại, tạo bước ngoặt quan trọng cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng mà cụ thể là đường lối chiến tranh nhân dân. Đó không chỉ là bài học quý giá trong cuộc kháng chiến cứu nước mà còn là bài học cho hôm nay, mai sau trong công cuộc xây dựng và bảo vệ nền độc lập cho đất nước, xây dựng Chủ nghĩa Xã hội.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng bày tỏ lòng tri ân tới những đồng bào, đồng chí đã ngã xuống vì độc lập tự do cho dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân.
Chủ tịch nước biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng, Đắk Lắk nói chung trong quá trình phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị. 35 năm sau giải phóng, đồng bào các dân tộc Đắk Lắk đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, cần cù lao động, vượt qua khó khăn và đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội, văn hoá tinh thần. Huân chương Hồ Chí Minh chính là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước trước những đóng góp to lớn của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.
Chủ tịch nước kêu gọi Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Đắk Lắk tiếp tục nêu cao, phát huy tinh thần chiến thắng 10/3, xây dựng tỉnh Đắk Lắk, thành phố Buôn Ma Thuột giàu đẹp, văn minh. Chủ tịch nước lưu ý, năm 2010 là năm có nhiều ngày lễ lớn; thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung cần chuẩn bị tốt về mọi mặt để tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp; xây dựng thế trận lòng dân, đề cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ tổ quốc; tập trung phát triển kinh tế, chăm lo đời sống về mọi mặt cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Chủ tịch nước cũng mong rằng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Đắk Lắk không thoả mãn với những kết quả đạt được mà tiếp tục nỗ lực phấn đấu để xây dựng thành phố ngày càng phát triển.
Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao Huân Chương Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước cho những cống hiến và đóng góp của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.
Tiếp theo Lễ kỷ niệm, buổi tối ngày 10/3, cũng tại Quảng trường Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức Đêm hội nghệ thuật với 600 diễn viên, nghệ sỹ tham gia; đêm hội được kết thúc bằng màn bắn pháo hoa tầm cao hoành tráng. Cũng trong dịp kỷ niệm 35 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, trong tháng 3 lịch sử này, trên vùng đất Đắk Lắk sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, thiết thực như: Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc Đắk Lắk; Trao giải thưởng Văn học-Nghệ thuật Chư Yang Sin; Triển lãm ảnh về thành tựu kinh tế-xã hội 35 năm xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột; Dạ hội điện ảnh; Triển lãm-Hội chợ “Tây Nguyên vào hội” và Trao giải cuộc thi tìm hiểu “70 năm lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk và 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột”. Nhân dịp này, tỉnh Đắk Lắk cũng tổ chức khánh thành 8 công trình, cụm công trình có tổng giá trị đầu tư hơn 100 tỷ đồng và khởi công xây dựng 9 công trình, cụm công trình khác hướng tới chào mừng ngày lễ lớn./.
TH tổng hợp