Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 26/11/2008 14:37'(GMT+7)

Phát triển các khu công nghiệp ở Quảng Ninh: Cần sớm dỡ bỏ những rào cản

 Tất cả đều vẫn đang “xôi đỗ”

Rõ ràng so với các tỉnh khác Quảng Ninh có rất nhiều lợi thế thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào địa bàn, vì vậy các khu công nghiệp lẽ ra phải là nơi rất sôi động và thu hút số lượng nhà đầu tư lớn. Thế nhưng ngoài Khu công nghiệp Cái Lân (giai đoạn I) đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và có diện tích lấp đầy đạt trên 90%, các khu công nghiệp khác vẫn đang trong tình trạng “xôi đỗ” cả về giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp vào hoạt động. Thậm chí có khu công nghiệp đang ở trong tình trạng “dở sống dở chết” vì không thu hút được doanh nghiệp vào. Cụ thể, Khu công nghiệp Cái Lân, giai đoạn I, theo quy hoạch được duyệt là 78 ha, diện tích thực tế là 62,22 ha, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh. Đây là khu công nghiệp nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp và kết cấu hạ tầng thời kỳ 1996-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay khu công nghiệp thu hút được 26 dự án, trong đó 9 dự án FDI và 17 dự án đầu tư trong nước với tổng diện tích cho thuê là 40,91 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy là 90,8%, tổng vốn đầu tư đã thực hiện tính đến hết tháng 10-2008 là 49,5 triệu USD và khoảng 100 tỷ đồng.

 

 Cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hải Yên (Móng Cái) đang được đầu tư hoàn thiện. Ảnh: PV

Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thực hiện tiếp phần mở rộng Khu công nghiệp với tổng diện tích 199 ha, tổng vốn đầu tư hạ tầng là 51,05 tỷ đồng. Đến nay dự án mới thực hiện được khoảng 8 tỷ đồng, chủ yếu là làm nền đường RD-01, còn phần mặt đường đang trong giai đoạn thi công. Diện tích đất đã cho thuê là 115 ha với tổng vốn thực hiện đạt khoảng 38 triệu USD và 2.100 tỷ đồng. Điều gây bức xúc nhất đối với các doanh nghiệp khi vào hoạt động tại Khu công nghiệp này đó là tình trạng ngập úng diễn ra thường xuyên vào mùa mưa, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Mặc dù đã đi vào hoạt động được hơn 10 năm nhưng tuyến mương thoát nước phía tây Khu công nghiệp vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh vì vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, toàn bộ tuyến mương phía hạ lưu đã bị các hộ dân lấn chiếm. Tuyến mương chính giữa Khu công nghiệp giai đoạn I và khu mở rộng theo quy hoạch chưa giao cho cơ quan chức năng nào thực hiện đầu tư. Tuyến mương thoát nước 2 bên đường vào cầu cảng số 1 (Cảng Cái Lân) mặc dù đã được đầu tư nhưng lại không có đơn vị quản lý nên không được nạo vét kịp thời và vào mùa mưa cũng bị ách tắc.

Khu công nghiệp Việt Hưng (TP Hạ Long), cũng nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp kết cấu hạ tầng thời kỳ 1996-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và khởi công từ năm 2006. Đến nay mới chỉ giải phóng mặt bằng được 66,74 ha trên tổng diện tích được phê duyệt là 300,9 ha, tổng giá trị thực hiện đạt 57 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư dự án 553,4 tỷ đồng. Khu công nghiệp mới thu hút được 4 dự án, trong đó 1 dự án FDI và 3 dự án đầu tư trong nước, diện tích đất cho thuê lại 7,2 ha, vốn đầu tư thực hiện đạt 2 triệu USD và 4 tỷ đồng. Khu công nghiệp Hải Yên (Móng Cái), có diện tích phê duyệt là 192,7 ha, tổng mức đầu tư 316,66 tỷ đồng. Được thực hiện từ năm 2005 nhưng đến nay mới hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng được 55,3 ha, xây dựng kết cấu hạ tầng 18 ha với tổng vốn thực hiện khoảng 80,9 tỷ đồng. Khu công nghiệp mới thu hút được 2 dự án đầu tư nước ngoài vào với diện tích đất, nhà xưởng cho thuê lại là 6.000m2, số vốn đầu tư thực hiện 1,2 triệu USD. Khu công nghiệp Đông Mai (Yên Hưng), nằm trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của cả nước đến năm 2015, định hướng 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2006. Năm 2008 bắt đầu triển khai thực hiện và đến nay vẫn đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng, chưa thu hút được nhà đầu tư nào vào. Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, có diện tích tương đối lớn 5.004 ha, nằm ở vị trí khá đắc địa trong tương lai, cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư và bổ sung vào danh mục quy hoạch phát triển khu công nghiệp của cả nước. Hiện tại công tác triển khai mới đang dừng ở việc lập dự án đầu tư, lập quy hoạch chi tiết và hoàn thiện hồ sơ xin cấp chứng nhận đầu tư.

 Cần sớm dỡ bỏ những rào cản

Tại sao một tỉnh được xác định là tỉnh công nghiệp - du lịch - dịch vụ, là 1 trong 3 cực quan trọng của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ mà việc thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp lại yếu kém hơn rất nhiều so với các tỉnh ít lợi thế hơn? Đồng chí Nguyễn Văn Thìn, Giám đốc Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cho biết: Rào cản lớn nhất khiến các khu công nghiệp của tỉnh nhiều năm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển chính là do cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp còn quá nhiều bất cập, nguồn nhân lực hạn chế, việc lựa chọn chủ đầu tư ở các khu công nghiệp chưa tốt (năng lực về tài chính, về trình độ quản lý, tầm nhìn còn nhiều hạn chế). Quan trọng là các chủ đầu tư này chưa thực sự dành tâm huyết cho việc xây dựng khu công nghiệp mà thực chất chỉ kinh doanh hạ tầng. Điển hình như Khu công nghiệp Cái Lân, giai đoạn I mặc dù đã được thực hiện từ hơn 10 năm trước nhưng đến nay cơ sở hạ tầng vẫn chưa đầu tư xong, con đường chính của khu vẫn trong tình trạng đầu tư dang dở.

Sự bất cập, chồng chéo về quy hoạch các dự án trong khu, sự thiếu đồng bộ của hệ thống cơ sở hạ tầng đã đẩy các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp vào tình trạng bị úng ngập mỗi khi mưa. Có lẽ cũng vì nguyên nhân này mà mặc dù là khu vực gần như “đắc địa” nhất của tỉnh, nằm cận kề cảng nước sâu Cái Lân, sát đường quốc lộ 18A, cửa ngõ vào trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh nhưng đã hơn 10 năm qua mà diện tích lấp đầy của Khu công nghiệp cũng mới chỉ đạt 90,8%. Hay như Khu công nghiệp Hải Yên, phải khẳng định đây là Khu công nghiệp có mặt bằng tương đối đẹp nhưng vì vị trí nằm lại không được “đắc địa” cho lắm, lại gần với trung tâm thương mại lớn của tỉnh nơi mà người dân có thể dễ dàng tìm kiếm việc làm tại các khu vực cửa khẩu nên các nhà đầu tư trong khu công nghiệp này không thu hút được nhân công vào làm việc. Nhiều nhà đầu tư e ngại khi được giới thiệu vào đây vì hệ thống điện, nước không ổn định. Có lẽ vì những nguyên nhân này mà trong cả năm 2008 khu công nghiệp này không thu hút thêm được 1 nhà đầu tư nào vào đầu tư hoạt động sản xuất. Thậm chí có nhà đầu tư đã vào đây cũng đang “nhấp nhổm” muốn ra đi.

Bên cạnh lý do về cơ sở hạ tầng bất cập, một rào cản mà ai cũng nhận ra nhưng ít ai muốn nhắc tới đó là việc lựa chọn chủ đầu tư các khu công nghiệp chưa đủ tâm và tầm. Kinh nghiệm các tỉnh, thành phố khác trong nước khi làm các khu công nghiệp cho thấy việc lựa chọn chủ đầu tư là vô cùng quan trọng, họ giống như những “con o­ng chúa” thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào khu công nghiệp. Nhưng vì chủ đầu tư nặng về việc kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp nên chưa thực sự dành tâm huyết, tài chính để đầu tư hoàn thiện một khu công nghiệp cho ra khu công nghiệp. Điển hình như Khu công nghiệp Việt Hưng nếu hệ thống điện, nước hoàn thiện chắc chắn sẽ thu hút được rất nhiều nhà đầu tư thứ cấp vào nhưng vì việc quá chậm chạp trong đầu tư hạ tầng nên trong hơn 1 năm qua không có thêm được nhà đầu tư mới nào vào khu công nghiệp này. Câu chuyện về giải phóng mặt bằng trở thành bài toán muôn thủa của các dự án vì vậy các khu công nghiệp của tỉnh ta mới nằm trong tình trạng “xôi đỗ” về mặt bằng như hiện nay. Và giá như chính quyền, các cơ quan chức năng vào cuộc tích cực hơn nữa, người dân đồng thuận, chúng ta đã không có câu chuyện buồn về việc một nhà đầu tư tầm cỡ nước ngoài đã bỏ sang tỉnh khác để thực hiện dự án vì Khu công nghiệp Đông Mai không hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh dự kiến có 4 khu công nghiệp chuẩn bị đầu tư, nhiều nhà đầu tư tầm cỡ vẫn mong muốn được tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh ở trong các khu công nghiệp này. Vì vậy, những rào cản trên cần sớm được dỡ bỏ để những khu công nghiệp mới được triển khai thuận lợi, thu hút nhiều nhà đầu tư đến Quảng Ninh, tạo nguồn thu cho ngân sách để tỉnh tiếp tục có lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội trên địa bàn.

Theo Ngọc Lan ( Báo Quảng Ninh) 

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất