Cách mạng công nghiệp 4.0 trên thực tế đã đem lại rất nhiều cơ hội phát triển, góp phần thay đổi nhanh chóng diện mạo nhiều lĩnh vực, ngành, nghề trong xã hội, kể cả những công việc tưởng chừng rất khó có thể đào tạo, sản xuất hay phát triển một cách ồ ạt, đại trà như âm nhạc, điện ảnh, xuất bản... Ðiều này trực tiếp góp phần hình thành nên một nền công nghiệp văn hóa và sáng tạo có tầm ảnh hưởng rộng khắp trên toàn thế giới. Theo bản báo cáo có tên Thời đại Văn hóa: Bản đồ toàn cầu đầu tiên về Công nghiệp Văn hóa và sáng tạo của UNESCO năm 2015, thì công nghiệp văn hóa và sáng tạo (Cultural and Creative Industries - CCIs) có tổng doanh thu lên đến 2.250 nghìn tỷ USD và tạo công ăn việc làm cho 29,5 triệu lao động trên toàn cầu. Ðặc biệt hơn, đây là ngành công nghiệp trẻ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng khi có tới gần 20% thành phần lao động ở độ tuổi từ 15 đến 29 (nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nghề nghiệp nào). Không chỉ vậy, CCIs được xem như chìa khóa phát triển của nhiều quốc gia, nhất là các nước thuộc khu vực châu Á. Thống kê của UNESCO cho thấy, châu Á với nhiều quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Ðộ đã trở thành thị trường CCIs lớn nhất thế giới, vượt trên cả châu Âu và Bắc Mỹ. Bên việc phục vụ, đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu văn hóa từ lâu cũng nằm trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia. Ngày 1-6-2018, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc công bố kim ngạch xuất khẩu từ công nghiệp văn hóa 2016 của nước này ước tính đạt hơn 6 tỷ USD, chiếm 5,9% tổng sản lượng xuất khẩu công nghiệp.
Nằm ở khu vực mà thị trường CCIs có tốc độ tăng trưởng nhanh và biến động nhất thế giới, Việt Nam không thể bỏ qua những lợi ích, cũng không thể không đối diện cũng như phải tìm cách giải quyết những mặt trái mà ngành công nghiệp này đem lại. Bởi lẽ, phát triển công nghiệp văn hóa vừa góp phần vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, vừa là phương thức bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị do cha ông để lại, nhất là tại một đất nước có nền văn hiến lâu đời với nhiều giá trị tốt đẹp như Việt Nam. Ở chiều ngược lại, ngành công nghiệp văn hóa nội địa cũng sẽ là "tấm khiên" bảo vệ các giá trị truyền thống quý báu của dân tộc trước những hiện tượng văn hóa ngoại lai xấu, độc đang được du nhập tràn lan dưới rất nhiều hình thức, thông qua văn học, điện ảnh, trò chơi điện tử... Thế nhưng đến nay, tại Việt Nam, 11 nhóm ngành chính cấu thành nên công nghiệp văn hóa bao gồm: nghệ thuật thị giác, báo và tạp chí, truyền hình, kiến trúc, quảng cáo, xuất bản sách, trò chơi điện tử, điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn và phát thanh vẫn chưa đạt tốc độ tăng trưởng tương xứng với kỳ vọng. Thậm chí không quá lời khi cho rằng một số lĩnh vực vốn được xem là "xương sống" của công nghiệp văn hóa như: xuất bản, điện ảnh, âm nhạc hoặc truyền hình vẫn đang loay hoay tìm hướng đi mới. Công bố gần đây của Bộ Giáo dục và Ðào tạo cho thấy, người Việt Nam trung bình đọc 4 cuốn sách mỗi năm, trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa. Cũng thật khó bình luận khi nguồn thu chủ yếu của Công ty cổ phần văn hóa Phương Nam - một doanh nghiệp phát hành sách lớn của cả nước, lại đến từ hoạt động kinh doanh đồ chơi, mặt hàng lưu niệm cho đến… rạp chiếu phim. Thực trạng cho thấy, để ngành xuất bản sách Việt Nam trở thành mũi nhọn trọng yếu của công nghiệp văn hóa như các quốc gia khác trên thế giới cần phải nhanh chóng đưa ra các giải pháp xã hội phù hợp ngay từ bây giờ, đồng thời công tác triển khai phải thật sự quyết liệt, bài bản. Trong lĩnh vực điện ảnh, tổng doanh thu thị trường phim Việt Nam năm 2017 đạt 3.220 tỷ đồng, nhưng đang tồn tại một thực tế đáng buồn là số tiền khổng lồ trên được đóng góp chủ yếu từ hệ thống rạp chiếu phim có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện tượng, phim Việt đạt doanh thu cao, "cháy phòng vé" dù ngày càng nhiều, nhưng vẫn thua xa chứ chưa nói đến việc cạnh tranh với các "bom tấn" đến từ điện ảnh Hollywood, Hàn Quốc, Trung Quốc hay thậm chí là Thái-lan. Tình trạng nhập khẩu phim diễn ra một cách ồ ạt trong khi công tác kiểm định chất lượng lại sơ sài, chiếu lệ dẫn đến việc một số bộ phim có nội dung xấu, độc bị bỏ lọt. Chưa kể, nhiều tác phẩm điện ảnh tuy gán mác phim Việt Nam song thực chất từ kịch bản, nội dung đều được mua lại hoặc sao chép từ phim ăn khách của nước ngoài. Trong lĩnh vực âm nhạc và truyền hình, không khó để nhận thấy còn khá nhiều chương trình, ca khúc có nội dung dễ dãi, nhảm nhí, dung tục vẫn tiếp tục "làm mưa gió" trên các phương tiện truyền thông…
Tuy còn tồn tại không ít hạn chế, song không thể phủ nhận công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đã và đang có nhiều khởi sắc nhất định, nhờ áp dụng tiến bộ về khoa học, công nghệ từ các nước trong khu vực và thế giới. Trong xuất bản, bên cạnh sách giấy truyền thống, người đọc Việt Nam còn có thể tiếp cận những tác phẩm được hỗ trợ công nghệ thực tế tăng cường (VR), ấn bản điện tử (e-book), sách nói (audio book). Công nghệ không chỉ ảnh hưởng đến thói quen đọc sách, mà còn tạo ra đột phá trong việc lựa chọn và mua sách. Trong điện ảnh, bên những tiến bộ về kỹ thuật quay, dựng phim, thực hiện kỹ xảo hay hậu kỳ; công nghệ chiếu phim hiện đại như 4DX, IMAX cũng đã có mặt tại Việt Nam và thu hút một lượng khán giả không nhỏ đến rạp. Công nghệ còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực tưởng chừng không cần đến công nghệ như nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị giác...
Cũng không thể phủ nhận một thực tế là cách mạng công nghệ 4.0 với các sáng chế, ứng dụng khoa học đáng kinh ngạc đã tạo ra những bước tiến vượt bậc cho công nghiệp văn hóa. Thế nhưng, hạt nhân của ngành công nghiệp văn hóa vẫn phải là công nghệ văn hóa (Cultural Technology). Ðây là khái niệm được Lee Soo-man (Li Xô-man) một trong ba người có ảnh hưởng lớn nhất tại thị trường ca nhạc Hàn Quốc phổ biến, và được coi là yếu tố tiên quyết tạo nên sự thành công cho các đế chế công nghiệp văn hóa mà nổi bật là Hollywood - biểu tượng của công nghiệp điện ảnh Mỹ. Trọng tâm của công nghệ văn hóa chính là việc hướng đến sự chuẩn mực, hệ thống trong mọi công đoạn: từ điều tra nắm bắt nhu cầu thị trường, hoạch định chiến lược phát triển, đầu tư có trọng điểm, tuyển chọn và đào tạo nhân lực, sản xuất, tiếp thị sản phẩm đến liên doanh xuất khẩu những "đứa con tinh thần này" ra thị trường quốc tế. Theo tác giả Ko Seong Yeon (Cô Xơng Dơn) thì công nghiệp văn hóa "không nhất thiết phải mời những ngôi sao lớn và đầu tư một khoản tiền khổng lồ, thay vào đó, nên tích lũy năng lực dựa trên kinh nghiệm về phân phối và đầu tư có hệ thống. Những kinh nghiệm này không phải chỉ dùng một lần mà phải hệ thống hóa để tăng cường năng lực nội tại". Ở Việt Nam, công nghệ văn hóa cũng đang được một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Tập đoàn giải trí CJ CGV áp dụng một cách bài bản, tạo ra áp lực không nhỏ cho công nghiệp điện ảnh trong nước. Vì, cùng với việc đầu tư bài bản vào hệ thống rạp chiếu, khâu nhập khẩu và phát hành phim quốc tế, CJ CGV đang thu hút người xem Việt Nam bằng hai chiến lược khá bài bản: Ðó là "Việt hóa" các bộ phim thương mại của Hàn Quốc do CJ CGV nắm bản quyền; đồng thời tìm cách liên kết, đầu tư hoặc trở thành nhà phát hành các sản phẩm điện ảnh từ các đạo diễn, nhà sản xuất tên tuổi của Việt Nam hiện nay. Thành công CJ CGV có được tại Việt Nam là minh chứng khá rõ nét về vai trò, sự cần thiết của công nghệ văn hóa trong điện ảnh nói riêng, các nhóm ngành thuộc thị trường CCIs nói chung. Ðây cũng là một xung lực buộc ngành công nghiệp văn hóa trong nước phải thay đổi để tồn tại, nếu không muốn lần lượt bị thâu tóm bởi các tập đoàn giải trí nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo vệ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của thị trường CCIs cũng là một nhiệm vụ cần thiết. Bởi cũng như doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo cần có các quy định pháp luật riêng phù hợp với đặc trưng riêng. Trong đó, Luật Sở hữu trí tuệ, các nghị định, thông tư hướng dẫn về luật này là những công cụ quan trọng để bảo vệ doanh nghiệp văn hóa trước nạn xâm phạm, ăn cắp bản quyền. Và ngay cả việc tưởng chừng đơn giản như dán nhãn tác phẩm nghệ thuật, quản lý các chương trình nghệ thuật - giải trí xã hội hóa,… song lại có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu cơ quan quản lý chỉ thực hiện một cách qua loa, chiếu lệ.
Cha đẻ của ngành quản trị hiện đại Peter Drucker (Pi-tơ Ðrắc-cơ) từng tiên đoán công nghiệp văn hóa sẽ là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần quyết định thành bại của mỗi quốc gia trong thế kỷ 21. Nhận định trên là có cơ sở nếu như nhìn lại thành công của Hollywood, Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) hay công nghiệp truyện tranh Nhật Bản trên thế giới. Tại Việt Nam, thuật ngữ công nghiệp văn hóa đã bắt đầu xuất hiện rộng rãi trên các tạp chí nghiên cứu, phương tiện truyền thông đại chúng từ đầu thế kỷ 21 và thật sự trở thành vấn đề được quan tâm kể từ năm 2016 sau Quyết định 1755/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bước chân vào thị trường CCIs muộn màng hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực, bên cạnh nhiều thuận lợi do được kế thừa những thành quả, kinh nghiệm các nước đi trước, khó khăn và thách thức dành cho công nghiệp văn hóa tại Việt Nam là không hề nhỏ. Chính vì vậy, công nghiệp văn hóa Việt Nam chỉ có thể thành công nếu các cơ quan, tổ chức hữu quan, các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này tạo nên được sự khác biệt dựa trên những đặc trưng riêng về truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa. Ðồng thời, có những sáng tạo độc đáo và sinh động, hấp dẫn, mang nghĩa tích cực trong việc thỏa mãn nhu cầu và góp phần vào sự hoàn thiện, phát triển xã hội, con người; kết hợp với việc áp dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm từ các quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này…
Nguồn: Nhân Dân điện tử