Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 30/5/2018 10:22'(GMT+7)

Phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế số

Nhân viên siêu thị Media Mart tiếp nhận yêu cầu của khách đặt hàng qua mạng. Ảnh: THANH HÀ
Mở ra nhiều cơ hội

Theo báo cáo của Google (Mỹ) và Temasek (Xin-ga-po), nền kinh tế số khu vực ASEAN đã có nhiều đột phá trong những năm gần đây, nhất là năm 2017, tốc độ tăng trưởng đạt 27%/năm và chạm ngưỡng 50 tỷ USD, chiếm khoảng 2% GDP của khu vực. Các ngành có đóng góp lớn vào sự tăng trưởng này gồm du lịch trực tuyến, thương mại điện tử (TMĐT), giải trí trực tuyến và đặt xe trực tuyến,...

Xu thế số hóa trong những năm gần đây đã len lỏi ở hầu như tất cả mọi lĩnh vực của nước ta, tạo ra những mô hình kinh doanh phi truyền thống, từ việc đăng ký kinh doanh, sử dụng hóa đơn điện tử cho đến bán lẻ trực tuyến, bất động sản hay ngân hàng. Ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp được thành lập và đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trên các lĩnh vực như TMĐT, thanh toán trung gian trên nền tảng công nghệ QR Code hay ví điện tử, các giải pháp ngân hàng điện tử,… Báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho thấy, năm 2017 là năm bùng nổ của lĩnh vực TMĐT Việt Nam khi đạt doanh thu hơn hai tỷ USD, tăng gấp hai lần so năm 2016 và dự báo đến năm 2020 có thể chạm ngưỡng năm tỷ USD.

Nền kinh tế số với những mô hình, phương thức kinh doanh mới đã và đang tạo ra những cơ hội lớn để phát triển kinh doanh cho các DN. Với các sản phẩm được ứng dụng công nghệ sẽ tạo ra nhiều giá trị, giảm chi phí sản xuất, giảm nhân công. Vì vậy, khi biết tận dụng cơ hội từ nền kinh tế số, các DN Việt Nam có thể nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường và thị phần, thậm chí lấn sân vào những thị trường mới do chính DN Việt Nam tạo nên. Đặc biệt, kinh tế số sẽ tạo động lực cho các DN nhỏ và vừa phát triển hơn, trở thành động lực then chốt của tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, trong xu thế nền kinh tế số đang phát triển như hiện nay, không phải DN nào cũng ồ ạt chuyển sang công nghệ số cho bằng được mà phải phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh, trình độ năng lực của từng DN. Chuyển đổi số không có nghĩa chỉ là mua sắm phần mềm, trang thiết bị, mà quan trọng làm thế nào để linh hoạt trong chuyển đổi mô hình kinh doanh và thích ứng được với sự chuyển đổi khoa học - kỹ thuật. Vì vậy, mỗi DN nên có phương thức, hướng đi riêng và cách thức chuyển đổi sao cho phù hợp.

Thị trường đầy thách thức

Với dân số hơn 90 triệu người, trong đó có hơn 58 triệu người dùng in-tơ-nét, hơn 125 triệu thuê bao di động, hơn ba nghìn DN đổi mới sáng tạo, nhiều DN thành công trong các ngành công nghệ thông tin, phần mềm, ứng dụng công nghệ số,... Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số. Tuy nhiên, tỷ trọng của TMĐT trong tổng doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam chỉ chiếm 3,6%, một tỷ lệ rất nhỏ so với mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 14,5%.

Theo đánh giá của đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bên cạnh những cơ hội, nền kinh tế số cũng tạo ra những thách thức không nhỏ với các DN Việt Nam. Đầu tiên là thách thức về thị trường do nhiều DN nước ngoài đã có mặt trong các ngành nghề của nền kinh tế Việt Nam. Tầm ảnh hưởng, sức mạnh và việc ứng dụng công nghệ số hóa của DN đến từ nước ngoài như Facebook, Google, Microsoft,… trong xã hội hiện nay rất lớn. Nếu không thể nắm bắt được và hòa mình vào xu thế thời đại này, DN Việt Nam có khả năng thua cuộc trên chính sân nhà. Ngoài ra, khả năng thích ứng với nền kinh tế của DN Việt Nam còn hạn chế, nhất là DN nhỏ và vừa. Khu vực DN này đang gặp khó khăn khi muốn mở rộng kinh doanh thông qua nền kinh tế số do những phiền toái, trở ngại về truy cập in-tơ-nét. Sự am hiểu về tính an toàn và bảo mật thông tin cá nhân, giải quyết các vấn đề tiến công qua mạng khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trình độ công nghệ, kiến thức cơ bản về phát triển trực tuyến còn nhiều hạn chế,… cũng là một rào cản lớn. Ngoài ra, các thiết bị công nghệ thông tin thường có chi phí rất đắt đỏ, dịch vụ kho vận yếu kém, chi phí bị đội lên cao so với nhiều nước trong khu vực cũng khiến nhiều DN “lực bất tòng tâm”. Hơn nữa, lòng tin của phần lớn người tiêu dùng đối với mua sắm trực tuyến ở nước ta vẫn chưa cao.

Trong điều kiện hiện nay, DN cần hướng tới sự phát triển bền vững và tự chủ, không để phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài hay chỉ một nhân tố duy nhất là công nghệ số. Trong tương lai, với tốc độ phát triển công nghệ như vũ bão hiện nay, rất có thể xuất hiện thêm những mô hình mới tiên tiến hơn. Trước những cơ hội và thách thức do nền kinh tế số mang lại, các DN Việt Nam cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, quyết “khai tử” những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn. Đồng thời, nghiên cứu một cách bài bản, nắm bắt nhu cầu của khách hàng để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Khi đã có phương pháp chủ động tiếp cận nền kinh tế số, các DN với nhiều tiềm lực và lợi thế sẽ trở thành “đầu tàu” dẫn dắt công cuộc số hóa trong nền kinh tế quốc gia./.

Minh Dũng/Nhân dân điện tử

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất