Thứ Hai, 23/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Năm, 22/11/2012 12:39'(GMT+7)

Phát triển khoa học và công nghệ: Cần nhiều chính sách cụ thể

Sửa Luật để khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển

Đánh giá về Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành, ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, được ban hành từ năm 2000 với vị trí là đạo luật cơ bản về lĩnh vực khoa học công nghệ, Luật Khoa học Công nghệ trong những năm qua đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện mọi mặt hoạt động khoa học công nghệ, bao gồm cả việc hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, cho đến nay, với sự đổi mới của đất nuớc, Luật Khoa học Công nghệ đã bộc lộ nhiều điểm yếu cần phải sửa đổi để khoa học công nghệ tiếp tục phát triển, đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, một số quy định của Luật Khoa học Công nghệ hiện nay không đủ khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm công nghệ.

Những quy định về quản lý hoạt động khoa học công nghệ, về cơ chế tài chính cho khoa học công nghệ cũng chưa đủ mạnh, chưa hợp lý, vì vậy chưa khuyến khích được đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tham gia tích cực vào các hoạt động khoa học công nghệ. Một số nội dung chính sách mới của Đảng và Nhà nuớc về khoa học công nghệ cũng chưa được luật hóa kịp thời. Thông tin khoa học công nghệ, thống kê khoa học công nghệ mặc dù đã được quy định trong Luật, nhưng chưa đủ mạnh, vì vậy việc thống kê các hoạt động khoa học công nghệ, đội ngũ khoa học công nghệ cũng như những thông tin về tiến bộ khoa học công nghệ trong nước và thế giới vẫn còn rất hạn chế, gây khó khăn cho việc xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách phát triển khoa học công nghệ của đất nước.

Đổi mới cơ chế quản lý, xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Để khắc phục tình trạng bất cập về c ơ chế quản lý, xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ , dự thảo Luật đã có bước đổi mới rất mạnh mẽ trong xây dựng quy trình, thủ tục cũng như trách nhiệm xác định các nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo Vụ trưởng vụ Pháp chế (Bộ Khoa học và Công nghệ) Đoàn Năng, hiện nay, dự thảo luật phân cấp mạnh cho Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cụ thể cấp nhà nước 5 năm và hàng năm. Trước đây, việc này phải trình Thủ tướng quyết định và mất rất nhiều thời gian mà lại không cần thiết vì trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia đã có các quy định về khoa học và công nghệ. Vì vậy, không cần thiết phải để Thủ tướng quyết định những nhiệm vụ cụ thể.

Bước đổi mới thứ hai là các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp các đề nghị của các tổ chức, cá nhân về nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau đó lập danh mục nhiệm vụ cấp nhà nước gửi Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định. Trong trường hợp này, các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh đóng vai trò cơ quan đề xuất đặt hàng nhiệm vụ cấp nhà nước. Bộ Khoa học và Công nghệ thay mặt Nhà nước ký hợp đồng đặt hàng với các tổ chức, cá nhân theo quy trình mà Luật đã quy định. Sau khi đánh giá nghiệm thu đạt yêu cầu, bên đề xuất đặt hàng có trách nhiệm nhận lại kết quả và tổ chức đưa vào sản xuất đời sống, đánh giá hiệu quả ứng dụng và định kỳ báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ. Nếu là nhiệm vụ cấp Bộ, cấp tỉnh thì Bộ, ngành và UBND tỉnh tự ký hợp động đặt hàng, tự tổ chức đánh giá nghiệm thu và đưa kết quả đó vào sản xuất, đời sống.

Việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học cấp nhà nước sẽ thực hiện theo quy định của Luật này. Riêng nhiệm vụ khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không sử dụng ngân sách nhà nước thì các đơn vị này tự xác định nhiệm vụ và tự tổ chức đánh giá nghiệm thu.

Thực hiện phương thức khoán đến sản phẩm cuối cùng

Theo Vụ trưởng vụ Pháp chế (Bộ Khoa học và Công nghệ) Đ oàn Năng, đ ể nâng cao chất lượng hoạt động khoa học và công nghệ, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư cho khoa học và công nghệ rất cần phải có phương thức khoán đến sản phẩm cuối cùng. Vì như thế sẽ nâng cao được trách nhiệm của các nhà khoa học và cũng có điều kiện để lược bớt những thủ tục hành chính rườm rà đặc biệt là thủ tục trong lĩnh vực tài chính khoa học và công nghệ.

“Cần quan tâm đến sản phẩm cuối cùng chứ không phải quan tâm đến quá trình các nhà khoa học làm việc như thế nào”, ông Năng khẳng định. Sản phẩm cuối cùng đạt yêu cầu có giá trị thì được nghiệm thu, các nhà khoa học không phải lo các thủ tục phức tạp, rườm rà như trước đây. Cơ chế này cũng nâng cao trách nhiệm của cơ quan tổ chức khoán như phải bảo đảm đầy đủ mọi điều kiện cần thiết cả về kinh phí lẫn cơ sở vật chất kỹ thuật để các nhà khoa học và công nghệ hoạt động một cách thuận lợi đúng với cam kết.

Ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam thì cho rằng để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu, không còn phải "bối rối trong khâu quyết toán tài chính" thì cần phải có nhiều giải pháp cụ thể. Đó là cần phải coi đầu tư cho khoa học công nghệ là đầu tư rủi ro, khác với những loại đầu tư thông thường đã được quy định trong Luật đầu tư. Kinh phí đầu tư, thời gian đầu tư cho việc giải quyết một nhiệm vụ khoa học công nghệ phụ thuộc vào đối tượng nghiên cứu và khối lượng công việc cần nghiên cứu giải quyết. Không ai có thể dự toán một cách chính xác là cần bao nhiêu tiền, bao nhiêu thời gian để giải quyết được một nhiệm vụ khoa học công nghệ cụ thể, đặc biệt là những vấn đề mới, có tính khoa học công nghệ cao.

Hợp tác hiệu quả để không lãng phí “chất xám”

Trước thực tế các nhà khoa học và các doanh nghiệp có nhu cầu phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ chưa thực sự kết nối được với nhau dẫn đến lãng phí “chất xám” rất lớn, ô ng Phạm Thành Huy, Viện trưởng Viện Tiên tiến về khoa học và công nghệ (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, việc phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ và phương thức đưa các sản phẩm này vào ứng dụng trong sản xuất không chỉ đơn thuần là mua và bán. Việc này đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa người mua và người bán. Những sản phẩm công nghệ, thường có những tính chất riêng và thường xuất phát từ nhu cầu đổi mới, phát triển của doanh nghiệp, khi áp dụng cũng đòi hỏi được thay đổi, điều chỉnh để đảm bảo sản phẩm công nghệ được áp dụng tối ưu và cho hiệu quả cao nhất. Do đó việc đưa ra các chính sách giúp doanh nghiệp có thể chủ động sử dụng nguồn lực của mình cho đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, chủ động lựa chọn công nghệ để phát triển, đầu tư, mua là hết sức cần thiết.

Ông Huy nhận định: “Sự lãng phí chất xám ở đây có thể hiểu là do chưa tạo được một hợp tác hiệu quả giữa những người làm sản phẩm (nhà khoa học và đơn vị nghiên cứu trường đại học) và người mua sản phẩm”. Việc phát triển KH&CN là một quá trình lâu dài, do đó các doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ phù hợp trên cơ sở các nguồn lực sẵn có của mình và khai thác sự hỗ trợ từ nhà nước, các tổ chức quốc tế và từ các doanh nghiệp bạn.

Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể hơn tạo điều kiện cho sự kết nối giữa doanh nghiệp và các trường đại học, việc xây dựng thử nghiệm các viện nghiên cứu liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp và đánh giá các viện này sẽ là cơ sở phát triển mô hình hợp tác này…/.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất