Tháng 10 - 1975, sau khi đất nước thống nhất, Nghị định 192/CP của Chính phủ ban hành, thành lập Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, trong cơ cấu tổ chức của Ủy ban đã có Bộ phận quản lý khoa học và kỹ thuật địa phương nhằm giúp Ủy ban hướng dẫn và chỉ đạo nghiệp vụ về các mặt công tác KHKT và tham gia ý kiến về xây dựng và phát triển công tác khoa học và kỹ thuật địa phương. Bộ phận này, tháng 7 - 1982 được đổi thành Vụ quản lý khoa học và kỹ thuật địa phương, theo Quyết định số 125/HĐBT.
Để thực hiện tốt chức năng quản lý thống nhất về khoa học và kỹ thuật trong phạm vi cả nước, công tác xây dựng hệ thống tổ chức quản lý và đội ngũ cán bộ quản lý khoa học và kỹ thuật từ Trung ương đến cơ sở, cũng như hướng dẫn tổ chức và hoạt động của các Ban KHKT, Hội đồng khoa học và kỹ thuật các cấp tỉnh, huyện, của Ban KHKT tỉnh, thành phố được tăng cường, đổi mới thường xuyên nhằm giúp chính quyền địa phương thúc đẩy hoạt động khoa học và kỹ thuật phục vụ có hiệu quả hơn các yêu cầu phát triển kinh tế trước mắt và lâu dài.
Thời kỳ 1986-1990 công tác KHKT địa phương được đẩy mạnh lên một bước quan trọng. Triển khai Chỉ thị số 88-CT của Chủ tịch HĐBT về tăng cường công tác KHKT địa phương, tổ chức quản lý KHKT địa phương đã được kiện toàn và đổi tên thành Uỷ ban KHKT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng; thực hiện có hiệu quả các kế hoạch KHKT 5 năm và hàng năm; triển khai công tác quản lý KHKT trên địa bàn huyện, tập trung vào việc tổ chức nhanh chóng đưa kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, tổng kết và nhân rộng các điển hình sản xuất giỏi; bắt đầu xây dựng các trung tâm ứng dụng KHKT ở các địa phương để thực hiện việc chuyển giao nhanh các kết quả nghiên cứu, các kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất và đời sống ở các địa phương, bước đầu thực hiện chức năng một "cầu nối" quan trọng trong việc gắn kết chặt chẽ nghiên cứu với sản xuất.
Từ ngày 12-10-1992 khi Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường được thành lập, các Ủy ban KHKT tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở thành các Sở Khoa học, công nghệ và môi trường; và từ năm 2002 trở đi được tổ chức lại thành các Sở khoa học và công nghệ và không ngừng đổi mới, lớn mạnh về tổ chức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trên các lĩnh vực quản lý nhà nước về KH&CN.
Bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN của các địa phương, sau 34 năm, đặc biệt là từ năm 2004 đến nay đã được kiện toàn tại 63 tỉnh/thành phố. Bộ máy của các sở: Văn phòng, Thanh tra, Phòng quản lý khoa học, Phòng quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ (và cả An toàn bức xạ hạt nhân); hệ thống các Trung tâm ứng dụng KH&CN, Trung tâm thông tin KH&CN, Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng, cũng như các tổ chức KH&CN khác tại địa phương ngày càng được củng cố và lớn mạnh đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Tổng số cán bộ công chức khu vực quản lý nhà nước về KH&CN đến nay là 3.150 người, trong đó có 250 người có trình độ trên đại học, 2.050 có trình độ đại học và cao đẳng, đều là những cán bộ được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn cao, lập trường chính trị vững vàng, có nhiều năm công tác trong ngành, có năng lực và tâm huyết với sự nghiệp phát triển KH&CN ở địa phương.
Chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ hiện nay bao gồm: hoạt động khoa học và công nghệ; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân…Hoạt động KHCN thời gian qua đã góp phần to lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế một cách vững chắc; góp phần đưa nước ta trở thành nước đứng thứ hai về xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều và đứng thứ nhất về xuất khẩu hạt tiêu…Trong 5 năm trở lại đây, các tỉnh, thành phố thực hiện khoảng 1.300 nhiệm vụ KH&CN. Cùng với các tổ chức KH&CN Trung ương, hoạt động KH&CN địa phương đã có những đóng góp to lớn góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước nhà.
Trong những năm gần đây, với việc áp dụng những tiến bộ của khoa học kĩ thuật vào đời sống đã tạo ra những thành tựu nổi bật trên tất cả các lĩnh vực.
Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: Các kết quả nghiên cứu đã cung cấp các luận cứ khoa quan trọng cho việc đề ra các chủ trương, chính sách phát triển KT-XH; giải quyết các vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn; các giải pháp phát triển nguồn nhân lực của địa phương; giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc; đề xuất các giải pháp quản lý KT-XH có hiệu quả…
Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, điều tra cơ bản: Các kết quả điều tra cơ bản và nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đã phục vụ xây dựng các luận cứ khoa học cho các phương án phát triển KT-XH; tạo lập cơ sở cho việc xây dựng chiến lược sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai. Một số kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao như: Điều tra nguồn nước ở huyện đảo Cồn Cỏ phục vụ cho việc xây dựng huyện đảo Cồn Cỏ, xây dựng bản đồ địa chất tỉnh Quảng Trị tỷ lệ 1/50.000 và phân hạng đất theo FAO – UNESCO để cung cấp dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch…; “Nghiên cứu, đề xuất mô hình khả thi và thích hợp tổ chức điều phối thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai'" kết quả đã chuyển giao cho 10 tỉnh thuộc lưu vực Sông Đồng Nai và làm cơ sở khoa học để Thủ Tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020”; “Điều tra nghiên cứu rạn san hô và các hệ sinh thái liên quan vùng biển từ Hòn Chảo đến Nam đèo Hải Vân và bán đảo Sơn Trà” làm cơ sở khoa học quan trọng trong việc xây dựng hệ cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường, sinh thái biển và trình UBND Thành phố Đà Nẵng lập Đề án xây dựng Công viên Tri thức Biển Đông…
Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Đóng góp nổi bật nhất của hoạt động này là đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; tập trung nghiên cứu giống cây trồng, con nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng, từng địa phương. Cho đến nay cả nước đã có trên 90% diện tích lúa được trồng bằng giống cải tiến (giống lúa mới chọn tạo, nhập nội và thích nghi), trên 85% diện tích ngô trồng bằng giống ngô lai. Trong chăn nuôi, các kết quả hoạt động KH&CN là một trong những nhân tố quyết định nâng tỉ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp tăng từ 17,9% năm 1986 lên 27% vào năm 2008 và từng bước trở thành ngành sản xuất hàng hóa quan trọng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Phương thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp phát triển làm cho năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi ngày một nâng cao. Trong lĩnh vực thuỷ sản, việc đầu tư cho nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất tôm giống, sản xuất cá bột, và các quy trình nuôi trồng thủy sản đã đưa giá trị xuất khẩu thủy sản nước ta từ 20 triệu USD năm 1980 lên 4.500 triệu USD năm 2008… 5 năm gần đây, chỉ riêng 69 giống lúa mới được gieo trồng trên diện tích 1,63 triệu ha đất canh tác ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có năng suất tăng hơn các giống cũ 10%, đạt 4,86 tấn/ha, đã làm tăng sản lượng thêm 790.000 tấn, làm lợi cho bà con nông dân khoảng 1.900 tỷ đồng mỗi năm; 31 giống ngô mới có diện tích trên 86.000 ha đưa tổng sản lượng tăng thêm hơn 30.000 tấn; các giống lợn mới trong chăn nuôi đã đưa tỷ lệ lợn lai từ 60% lên 82%, trọng lượng xuất chuồng trung bình từ 68 lên 72 kg, tỷ lệ nạc trung bình từ 41% lên 45,6%.
Trong lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp: Nhờ kết quả của các dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, đưa các công nghệ mới vào chế biến nông sản đã nâng cao giá trị kinh tế của nông sản hàng hoá, sử dụng được nguồn nguyên liệu của địa phương sản xuất ra nhiều sản phẩm được thị trường ưa chuộng như rượu vang Sơn Tra Bắc, dự án hỗ trợ xử lí nguyên liệu để nâng cao chất lượng sản phẩm mây tre đan xuất khẩu tại làng nghề thủ công mỹ nghệ Xuân Lai, huyện Gia Bình của tỉnh Bắc Ninh đã đáp ứng các đơn đặt hàng xuất khẩu lớn, tăng khả năng quay vòng vốn từ 4-5 lần và tăng thu nhập cho cơ sở từ 1,5-2 lần so với trước, chất lượng sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông: Hầu hết các địa phương đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước, các doanh nghiệp; đưa nhanh công nghệ thông tin và viễn thông về vùng sâu vùng xa góp phần thu hẹp khoảng cách số, đưa những tiến bộ KH&CN đến với nông thôn, nông dân.
Trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng: Hằng năm các tỉnh, thành phố đều có hàng chục đề tài thuộc lĩnh vực y tế được ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn và đạt được một số kết quả nổi bật: xây dựng quy trình nuôi cấy nguyên bào sợi người phù hợp với điều kiện Việt Nam, ứng dụng công nghệ soi cổ tử cung để chuẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung, chế tạo san hô Việt Nam để làm vật liệu sinh học ghép điều trị của Thành phố Hồ Chí Minh; nghiên cứu sản xuất thuốc tân dược DANAPHA-NATRE 50 hỗ trợ cai nghiện ma tuý; Nghiên cứu ứng dụng phương pháp giảm mẫn cảm đặc hiệu trong điều trị bệnh hen phế quản do Dermatophagoides tại Hải Phòng,…
Như vậy, hoạt động Khoa học và Công nghệ địa phương đã phát huy vai trò to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới phương thức canh tác, tổ chức sản xuất, kinh doanh; góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng sống cho mọi người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Hoạt động KH&CN ở địa phương trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các địa phương đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Tiêu chuẩn - Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá… Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà Nước ban hành, từng địa phương đã cụ thể hóa và ban hành các quy định phù hợp tạo cơ sở và hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển KH&CN trên địa bàn. Hoạt động đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất và đời sống nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường sinh thái...
Các địa phương đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch khoa học công nghệ trên địa bàn. Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu lực quản lý nhà nước về: hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Tiêu chuẩn đo lường chất lượng; thanh tra, quản lý công nghệ; sở hữu trí tuệ và an toàn bức xạ hạt nhân; hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật; công tác thông tin tuyên truyền; hoạt động của các đơn vị sự nghiệp; hoạt động khoa học công nghiệp cấp huyện từng bước được quan tâm nhưng chưa đồng đều giữa các địa phương; Quy trình đề xuất, xác định nhiệm vụ, tuyển chọn và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã từng bước đổi mới theo hướng cải cách hành chính.
Tuy nhiên KH&CN ở địa phương hiện nay vẫn còn tồn tại một số khó khăn:
Nhìn chung, năng lực khoa học công nghệ và quản lý khoa học và công nghệ của các địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi và mới chia tách còn thiếu và rất yếu. Thiếu cán bộ khoa học đầu ngành, nhà quản lý giỏi để có thể tham mưu tư vấn cho các cấp lãnh đạo về chủ trương, chính sách và cơ chế đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ; Cán bộ quản lý khoa học và công nghệ ở các địa phương thường không ổn định và hay bị luân chuyển nên ảnh hưởng đến chất lượng quản lý; nguồn kinh phí đầu tư cho ngành khoa học còn hạn chế, nhất là kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và triển khai; cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị cho các trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm còn thiếu chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý nhà nước và phục vụ xã hội.
Thiếu các nhiệm vụ KH&CN có tính đột phá và có tính liên vùng để có thể triển khai ở quy mô lớn; số lượng đề tài, dự án nhiều, nhưng quy mô nhỏ và thường chỉ giải quyết những vấn đề đơn lẻ, chuyên biệt, phục vụ chủ yếu cho một ngành, một cơ sở của địa phương nên không đủ mức độ cần thiết để tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội; chưa có cơ chế hỗ trợ nhân rộng mô hình, nên việc xây dựng mô hình chuyển giao công nghệ, đối với từng mô hình thì có kết quả tốt, nhưng việc phổ biến, nhân rộng thì còn khá hạn chế. Hoạt động KH&CN trong các doanh nghiệp chưa mạnh.
Hoạt động thông tin khoa học công nghệ ở nhiều tỉnh, thành phố chưa mạnh, chưa hình thành được hệ thống trao đổi thông tin mang tính chất vùng, và mạng thông tin kết nối thông suốt từ trung ương đến địa phương, nội dung thông tin nghèo nàn. Nguyên nhân này dẫn đến tình trạng trùng lắp trong việc xác định và triển khai một số nhiệm vụ gữa trung ương và địa phương, giữa địa phương này với địa phương khác.
Hoạt động KH&CN cấp huyện còn rất yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu về quản lý nhà nước. Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ cấu tổ chức và hoạt động cho cơ quan khoa học cấp huyện, nguồn kinh phí đầu tư thấp và không ổn định.
Các địa phương còn nhiều băn khoăn, lúng túng trong việc thực thi chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp KH&CN theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP.
Để tiếp nối những thành tựu quan trọng mà Khoa học và Công nghệ đã đạt được trong những năm qua đối với phát triển kinh tế các địa phương, các tỉnh, thành phố cần phải có những hướng đi thật cụ thể và kịp thời cho Khoa học và Công nghệ trong thời gian tới, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển sản xuất trong nông nghiệp, đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhà nước cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý từ kinh tế đến KH&CN, có những chính sách cụ thể, phù hợp và hiệu quả, theo như tinh thần chỉ đạo của Kết luận 234-TB/TW ngày 1 - 4 - 2009 của Bộ Chính trị về báo cáo kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về Khoa học và công nghệ và nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ từ nay đến năm 2020 để thúc đẩy mạnh mẽ công tác khoa học và công nghệ ở địa phương, coi phát triển Khoa học và Công nghệ là vị trí then chốt trong sự nghiệp thúc đẩy đi lên của địa phương trong thời gian tới. Thiết nghĩ có làm tốt công tác đưa Khoa học và Công nghệ về địa phương thì mới thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển ổn định và bền vững./.
Hồ Ngọc Luật
Vụ trưởng-Trưởng ban Ban KH&CN Địa phương
Bộ KH&CN