Thứ Bảy, 5/10/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 13/6/2011 11:3'(GMT+7)

Khát vọng làm giàu từ biển xanh

Ông Bùi Đính, ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi), khoe hai con cá ngừ đại dương (trong số 100 tấn cá các loại) đánh bắt được trong chuyến đi biển tháng 5-2010  - Ảnh: Nguyễn Á

Ông Bùi Đính, ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi), khoe hai con cá ngừ đại dương (trong số 100 tấn cá các loại) đánh bắt được trong chuyến đi biển tháng 5-2010 - Ảnh: Nguyễn Á

Thưa ông, gần đây khi nói về phát triển kinh tế biển, nhiều chuyên gia đòi hỏi sự đột phá tư duy trong phát triển kinh tế biển. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Nguuyễn Chu Hồi: Rõ ràng sự phát triển kinh tế biển của VN vẫn chưa đóng góp được nhiều vào nền kinh tế, chưa giúp đất nước thoát khỏi tụt hậu. Hiệu quả khai thác, sử dụng trên một đơn vị biển còn quá thấp so với các nước. Điều này có nguyên nhân từ sự lạc hậu về khoa học, công nghệ.

Nhiều người ví không ai tiến ra biển lớn với cái thuyền thúng cả. Nếu chúng ta thay đổi tư duy sẽ thay đổi cách tiếp cận để tổ chức lại không gian kinh tế biển, tổ chức lại đội hình ra biển, tổ chức lại hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực kinh tế biển.

Thật ra nhận thức về biển hiện nay đã rõ, nhưng nhận thức cụ thể cho đúng tầm trong từng giai đoạn phát triển thì chưa rõ. Chúng ta có chiến lược biển VN đến năm 2020 nhưng lại chưa được cụ thể hóa bằng một quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển theo đúng nghĩa. Thành thử không ít bộ ngành, địa phương chưa thật sự coi trọng yếu tố biển trong chiến lược phát triển thuộc lĩnh vực quản lý được giao.

Nghĩa là với thực tế phát triển kinh tế biển và tình hình biển Đông hiện nay, VN sẽ phải thay đổi tư duy phát triển kinh tế biển trên nhiều mặt?

PGS.TS Nguuyễn Chu Hồi: Chúng ta phải tận dụng “lợi thế mặt tiền” của quốc gia trong mọi trường hợp, lợi thế so sánh về vị trí địa lý của các mảng không gian biển đảo để tạo ra các trung tâm phát triển vùng theo đúng tầm của nó. Không đầu tư tràn lan như hiện nay khiến đâu cũng thấy dở dang, không tạo ra tác động kép trong đầu tư...

Xu hướng trên thế giới là giảm dần khai thác tài nguyên thô, chuyển sang khai thác những giá trị phi vật chất, những giá trị chức năng của biển, những giá trị sinh thái, giá trị dịch vụ của các hệ thống tài nguyên biển, ven biển.

Nếu chúng ta khai thác như bây giờ mà không đầu tư vào sinh thái và môi trường thì đó sẽ là một món nợ của chúng ta trong tương lai. Nhìn vào hiệu quả trước mắt thì tưởng chúng ta phát triển kinh tế biển hiệu quả, nhưng thật ra chúng ta chưa tính đủ các mất mát về môi trường, sinh thái và tài nguyên lâu dài.

Ông đánh giá thế nào về mức độ ưu tiên cho các lĩnh vực trong phát triển kinh tế biển của Việt Nam?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Ảnh: Việt Dũng

PGS.TS Nguuyễn Chu Hồi: Tài nguyên biển là tài nguyên chia sẻ nên mới có câu “điền tư ngư chung”, tức là đất thì có chủ nhưng ở biển mà bảo vịnh Hạ Long của một ông chủ nào, một ngành nào thì rất khó. Thế giới hiện nay tiếp cận hài hòa lợi ích, giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích trong quá trình phát triển bằng cách quy hoạch sử dụng và quản lý biển theo không gian, quản lý tổng hợp và thống nhất đối với biển, vùng duyên hải và hải đảo. Từ đó phân bổ nguồn lực cho từng giai đoạn hợp lý.

Chiến lược biển VN đến năm 2020 đã xác định bốn trục chính về kinh tế biển là dầu khí, hàng hải, thủy sản và du lịch. Ngoài ra, khoảng 20 lĩnh vực dịch vụ đi kèm để phục vụ bốn lĩnh vực chính này. Trong bốn lĩnh vực chính, từ nay đến năm 2020 ưu tiên đầu tư cho dầu khí và xác định hàng hải chuẩn bị điều kiện để đến năm 2020 lên vị trí số 1.

Nhưng tôi cho rằng chúng ta phải thay đổi, cần đầu tư nhiều hơn vào hàng hải và thủy sản vì trong số các hoạt động nghề trên biển thì đặc thù của hai nghề này là phải bám biển mới sống được. Đây là hai lực lượng hiện diện dân sự tốt nhất. Việc ra hoạt động ở đó không phải anh bắt người ta ra mà phải xuất phát từ nhu cầu khách quan nghề nghiệp.

Đã ra biển đương nhiên để làm kinh tế. Để bảo đảm mục đích đó phải thúc đẩy mạnh hơn các lĩnh vực hàng hải, thủy sản và phải hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ liên quan.

"Chiến lược biển VN đến năm 2020 xác định bốn trục chính về kinh tế biển là dầu khí, hàng hải, thủy sản và du lịch. Nhưng tôi cho rằng chúng ta cần đầu tư nhiều hơn cho hàng hải và thủy sản vì đặc thù của hai nghề này là phải bám biển mới sống được"

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo VN

Liệu sự thay đổi đó có ảnh hưởng đến mục tiêu kinh tế biển đóng góp được 53-55% tổng GDP của cả nước vào năm 2020 như chiến lược biển VN đã đề ra?

PGS.TS Nguuyễn Chu Hồi: Tôi chỉ xem con số đó là một mục tiêu cụ thể, có thể đạt được, có thể không. Cái tôi quan tâm hơn là mục tiêu dài hạn, tức là phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh, giàu từ biển. Điều đó rất quan trọng vì ở biển Đông mà không bảo đảm môi trường hòa bình để làm kinh tế thì giàu thế nào được.

Giàu và mạnh là hai mặt của một vấn đề và đây mới chính là tư duy chiến lược. Hai mặt chính này giải quyết được cơ bản thì các mục tiêu cụ thể đạt được sẽ dễ dàng.

Theo ông, những bài học nào trên thế giới Việt Nam có thể học để phát triển kinh tế biển?

PGS.TS Nguuyễn Chu Hồi: Tôi chỉ lấy một ví dụ đặc biệt là Thụy Sĩ, một quốc gia không có biển nhưng họ thấy rằng công pháp quốc tế cho phép các nước không có biển cũng được hưởng từ biển nên đến năm 2005 họ đã trở thành nước có đội tàu vận tải thuê trên đại dương đứng thứ 5 thế giới. Tại sao họ lại làm được?

Mình có dám ra đại dương được không? Tại sao mình không nghĩ chuyện đó? Đó lại là câu chuyện về tư duy dài hạn, về thể chế đột phá. Nếu tư duy được như vậy thì chúng ta phải có chính sách, cơ chế để các nhà đầu tư hút vào, các doanh nghiệp sẽ là tiên phong trong việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa khai thác, sử dụng biển. Thêm nữa, cần mạnh dạn hội nhập quốc tế để tận dụng lợi thế của nước “đi sau”.

Câu chuyện vươn ra biển xa, ra đại dương có thể vẫn còn dài nhưng phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Khi đó chúng ta sẽ có một nền kinh tế biển phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững./.

(Theo: Khiết Hưng/Tuỏi trẻ)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất