Theo điều tra của ngành chức năng, tỷ lệ mắc chung 10 bệnh tâm thần thường gặp ở nước ta chiếm gần 15% dân số, trong khi số giường bệnh và bác sĩ chuyên khoa tâm thần so với số dân hiện nay còn quá thấp.
Vấn đề đặt ra là Nhà nước, ngành y tế cũng như cộng đồng cần quan tâm quy hoạch, phát triển mạng lưới phòng, chống bệnh tâm thần nhằm góp phần giảm nhẹ gánh nặng cho gia đình và xã hội đối với căn bệnh này.
Giữa mùa hè, chúng tôi đến Bệnh viện tâm thần T.Ư 1 (Thường Tín, Hà Nội) đi qua các khoa cấp tính nam, cấp tính nữ, bán cấp tính nam 1, 2 đều chật kín người bệnh. Bác sĩ chuyên khoa 2 La Ðức Cương, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Với hơn 300 dạng khác nhau, hiện thế giới có khoảng 450 triệu người mắc các bệnh lý về tâm thần do rối loạn các chức năng hoạt động của não gây nên (như trầm cảm, tâm thần phân liệt, động kinh, loạn thần cảm xúc, nghiện ma túy, rượu...). Bởi vậy, tổ chức Y tế thế giới nhận định: Những năm đầu thế kỷ 21, sức khỏe tâm thần được xếp hàng thứ tư, còn tầm nhìn đến năm 2020 thì bệnh tâm thần được xếp thứ hai, sau các bệnh về tim mạch. Cũng vì thế, đã từ lâu các nước phát triển rất quan tâm đến sức khỏe tâm thần, với mức đầu tư cho giường bệnh tâm thần so với số dân khá cao; chẳng hạn ở Pháp là 165 giường/100 nghìn dân, Thụy Ðiển 85 giường/100 nghìn dân, Hà Lan 50 giường/100 nghìn dân...
Ở nước ta, qua điều tra dịch tễ học gần đây của ngành chức năng cho thấy, tỷ lệ mắc chung 10 bệnh tâm thần thường gặp chiếm gần 15%. Hiện nay, trên cả nước có khoảng từ 12 đến 13 triệu người cần được bảo vệ, chăm sóc về sức khỏe tâm thần. Trong khi cơ sở vật chất của mạng lưới chăm sóc căn bệnh xã hội này ở nước ta còn thấp kém. Không kể các Bệnh viện tâm thần T.Ư 1 (Thường Tín, Hà Nội), T.Ư 2 (Biên Hòa, Ðồng Nai) có bề dày hoạt động lâu năm và được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, còn hơn 30 bệnh viện tâm thần tuyến tỉnh và các khoa tâm thần trong các bệnh viện đa khoa tỉnh, hoặc trung tâm phòng, chống bệnh xã hội tại các địa phương năng lực hoạt động hạn chế, cầm chừng. Riêng tuyến huyện thì lâu nay hầu như 'bỏ trống'. Có lẽ vì thế, không ít thời điểm trong năm tại các bệnh viện tâm thần T.Ư 1 và T.Ư 2, công suất giường bệnh lên hơn 150%. Một thời gian dài, do thiếu chế độ, chính sách thu hút cán bộ chuyên gia tâm thần cho nên số người đăng ký học khoa này trong các trường đại học y những năm qua cũng giảm hẳn. Dẫn đến tình trạng một số cơ sở điều trị tâm thần tuyến tỉnh, hằng năm có chỉ tiêu nhưng không tuyển được bác sĩ về công tác. Còn tính chung cả nước, theo một cán bộ quản lý trong ngành, đến nay chúng ta đang thiếu hơn 900 bác sĩ chuyên khoa về sức khỏe tâm thần.
Khắc phục năng lực hoạt động yếu kém của mạng lưới chăm sóc sức khỏe tuyến dưới, những năm qua, Nhà nước và ngành y tế đã dành một nguồn ngân sách đầu tư Dự án 'Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng'. Kết thúc giai đoạn 2006-2010, Dự án đã triển khai đến khoảng 7.700 xã ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, với hơn 160 nghìn người bệnh/hơn 329 nghìn trường hợp được quản lý (đạt khoảng 49%). Dự án phối hợp hệ thống y tế tuyến dưới (trạm y tế cơ sở) lồng ghép công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần (chủ yếu là tâm thần phân liệt) vào các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Ðến nay, mức độ không giống nhau nhưng cả nước có khoảng 114 nghìn người bệnh được điều trị ổn định...
Giai đoạn tiếp theo của dự án (2011-2015) cũng đã được triển khai, với kế hoạch phân bổ ngân sách năm 2011 là 70 tỷ đồng, trong đó khoản dành cho các địa phương hơn 58,6 tỷ đồng. Thực tế các năm qua cho thấy vì nguyên nhân này, nguyên nhân khác, nguồn kinh phí cấp cho dự án không đầy đủ, kịp thời (chỉ đạt từ 46% đến 63%/năm). Khá nhiều địa phương không dành thêm kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng, chống bệnh tâm thần đã đành, thậm chí còn sử dụng nguồn kinh phí của dự án vào mục đích khác.
Xác định được những hạn chế, bất cập của hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tuyến dưới, trong đó có bệnh tâm thần, ngành y tế đang có quy hoạch và kế hoạch phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2030. Với mục tiêu đáp ứng ngày một đầy đủ và tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân dân, mọi người bệnh đều được tiếp cận thuận tiện, kịp thời và tốt nhất dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe tâm thần nhằm tăng tỷ lệ khỏi bệnh, giảm tỷ lệ tái phát phải nhập viện, giảm tỷ lệ tử vong...
Theo đó đến năm 2020, 100% số tỉnh, thành phố trong cả nước có bệnh viện tâm thần, tùy theo quy mô dân số của từng địa phương mà có biên chế giường bệnh từ 50 đến 400 giường. Riêng tuyến huyện, có từ ba đến năm giường bệnh tâm thần trong khoa nội thuộc bệnh viện đa khoa huyện để tiếp nhận khám và điều trị các rối loạn tâm thần nhẹ và bệnh tâm thần ranh giới. Ðồng thời phấn đấu đào tạo cán bộ đến năm 2015, tuyến tỉnh có 50% số trưởng, phó khoa và 20% số bác sĩ điều trị có trình độ chuyên khoa 1 hoặc tương đương; tuyến huyện có 20% số bệnh viện có bác sĩ được đào tạo chuyên khoa định hướng tâm thần; còn tuyến xã đạt 90% số trạm y tế có cán bộ được đào tạo kiến thức sức khỏe tâm thần, lồng ghép vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân... Ðó là những nhiệm vụ nặng nề và lâu dài không chỉ của ngành y tế mà của toàn xã hội. Song trước mắt và trong tương lai gần, vấn đề cần được quan tâm là quản lý, giám sát tốt hơn số người bệnh cũ đã được phát hiện và điều trị về tâm thần phân liệt (gần 163 nghìn người), mặt khác mở rộng các đối tượng khác cần được quản lý và chăm sóc như động kinh, trầm cảm, rối loạn cảm xúc, chậm phát triển tâm thần... đang có chiều hướng gia tăng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Bệnh tâm thần là căn bệnh mạn tính, phải điều trị lâu dài, muốn khám và điều trị có hiệu quả đòi hỏi người thầy thuốc chuyên ngành không ngừng cập nhật thông tin, đổi mới phương pháp. Tránh tình trạng ngại học hỏi, lười nghiên cứu khoa học, lạm dụng thuốc trong kê đơn của một bộ phận bác sĩ, như lâu nay vẫn xảy ra ở nơi nọ, chỗ kia. Nâng cấp, xây dựng các bệnh viện tâm thần theo hướng hiện đại là cần thiết nhưng điều không kém phần quan trọng là có kế hoạch phát triển tâm thần học chuyên sâu (như tâm thần học trẻ em, tâm thần học người cao tuổi...).
Ði liền với coi trọng việc phục hồi chức năng, hướng nghiệp dạy nghề cho người bệnh, nhằm giúp họ có cơ may tái hòa nhập cộng đồng mà lâu nay trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần làm được còn quá ít. Thuốc phục vụ điều trị bệnh tâm thần, theo các nhà chuyên môn không đắt. Tuy nhiên, những năm gần đây, một vài loại thuốc thế hệ cũ có hiện tượng kháng trị, cho nên Nhà nước và các địa phương có chính sách hỗ trợ thêm nguồn kinh phí để mua các thuốc thế hệ mới, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả điều trị cho người bệnh tâm thần./.
(Theo: Nguyễn Khôi/Nhân dân)