Thứ Năm, 28/11/2024
Môi trường
Chủ Nhật, 28/11/2010 16:38'(GMT+7)

Phát triển năng lượng tái tạo để cân bằng nguồn điện

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam còn chậm so với nhiều nước...

Tại hội thảo Năng lượng tái tạo & Môi trường Thái Lan-Việt Nam do Cục Hội nghị và Triển lãm Thái Lan (TCEB), Tập đoàn UBM của Anh tại Thái Lan và Công ty cổ phần Hội chợ&Triển lãm (Vinexad) phối hợp tổ chức ngày 24/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia Việt Nam và Thái Lan đã đề cập các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo bền vững tại Việt Nam.

Thực trạng sản xuất điện từ năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Điện gió: các dự án điện gió không nối lưới đã xây dựng, gồm các tuabin gió quy mô gia đình (150-200kW), chủ yếu lắp đặt ở các khu vực ngoài lưới (các đảo). Trong đó, Trạm điện gió đảo Bạch Long Vĩ (800kW), hoạt động từ năm 2004 là tuabin gió lớn nhất ở thời điểm này nhưng đã phải ngưng hoạt động vì sự cố.

Dự án điện gió tại đảo Phú Quý 3x2 MW đã lập xong dự án đầu tư xây dựng công trình, dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2011.

Hiện nay, cả nước có 14 dự án điện gió nối lưới đang trong giai đoạn lập báo cáo đầu tư (892,5MW) và 7 dự án đang lập dự án đầu tư xây dựng công trình (205MW). Ngoài ra còn có dự án điện gió tại Bạc Liêu đã khởi công (99MW) và dự án điện gió tại Gia Lai đã lập báo cáo đầu tư (40,5MW). Tổng công suất của 23 dự án này là 1.237MW.

Việc triển khai chuẩn bị đầu tư của 23 dự án này đều gặp khó khăn do chưa thỏa thuận được giá bán điện. Duy nhất dự án Nhà máy phong điện 1-Bình Thuận 20x1,5 MW, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) đã bỏ qua rào cản về thỏa thuận giá mua bán điện, trong phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đã hoàn thành xây lắp và đưa 5 tuabin gió (5x1,5 MW) vào vận hành hòa điện, đấu nối và cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia từ tháng 8/2009. Đây có thể coi là sự kiện thành công nhất trong lịch sử phát triển điện gió tại Việt Nam.

Điện mặt trời: năng lượng mặt trời dùng để sản xuất điện tại Việt Nam chủ yếu tổ chức đà nguồn điện pin mặt trời được áp dụng ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Các hệ thống pin mặt trời đã có mặt ở 38 tỉnh, thành trong cả nước và một số bộ, ngành sử dụng. Các nguồn điện pin mặt trời đều không nối lưới, trừ hệ thống pin mặt trời 150kW tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia là có nối lưới. Tổng công suất điện pin mặt trời của Việt Nam hiện nay khoảng 1,4MW.

Khí sinh học và sinh khối: dạng năng lượng này chủ yếu là phát triển nhiên liệu sinh học từ mía, sắn, ngô, dầu cọ, cao lương, tảo, thầu dầu…. Năm 2009 được coi là năm ra đời ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học tại Việt Nam.

Các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bình Phước và Đồng Nai và sẽ lần lượt đưa vào vận hành. Nhà máy đường Tây Ninh đã dùng bã mía làm nhiên liệu đốt lò nhà máy điện theo công nghệ đồng phát và nhiều dự án tương tự đang được triển khai tại miền Nam với nhiên liệu là trấu.

Địa nhiệt: mới đây, Công ty xây lắp điện Khánh Hòa và Công ty LIOA có dự kiến đầu tư nhà máy điện địa nhiệt tại Tu Bông ở tỉnh Khánh Hòa và đoàn đi khảo sát các nhà máy điện địa nhiệt tại Philippines. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có thông tin đầy đủ và chính xác về tiến độ thực thi các dự án điện địa nhiệt tại Việt Nam.

Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo

Trước tình hình nguồn năng lượng truyền thống không tái tạo đang ngày càng cạn kiệt và gây ra những vấn nạn lớn về môi trường, hiệu ứng nhà kính. Những thách thức thiếu điện của Việt Nam là rất lớn, trước mắt là giai đoạn 2010-2020. Vấn đề đặt ra là lấy gì bù đắp vào sự thiếu hụt điện năng?

Theo các chuyên gia, để phát triển bền vững năng lượng tái tạo, trước hết là nhanh chóng xác định chính xác tiềm năng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời, từ đó vạch ra chiến lược và sách lược khai thác có hiệu quả hai nguồn năng lượng này, kể cả nối lưới và không nối lưới, kịp thời tạo nguồn bổ sung điện năng giai đoạn 2010-2020.

Các dữ liệu nghiên cứu khoa học đã cho thấy nguồn năng lượng mặt trời ở Việt Nam có tiềm năng phong phú và độ ổn định cao, đặc biệt ở miền Trung và miền Nam quanh năm đều có nắng. Đây chính là nguồn năng lượng chiến lược mang tính khả thi cao và thân thiện với môi trường.

Rà soát, phổ biến rộng rãi, triển khai thực hiện có hiệu quả “Chiến lược quy hoạch tổng thể các nguồn năng lượng tái tạo Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2015 có xét triển vọng đến 2025” đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định về cơ chế khuyến khích hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo để tạo điều kiện thu hút đầu tư. Cần có các chính sách ưu đãi về đầu tư tài chính, công nghệ thiết bị, nội địa hóa, hợp tác quốc tế…

Đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo các thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biết là năng lượng gió và mặt trời với mức nội địa hóa cao, phù hợp với điều kiện cụ thể ở Việt Nam; đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho các chuyên ngành năng lượng tái tạo…/.

(TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất