Nền tảng nào cho mục tiêu “tỉnh, thành phố công nghiệp”?
Xác định nhiệm vụ tổng quát trong giai đoạn 1996 - 2000, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (1996) đã nêu rõ: “Giai đoạn từ nay đến năm 2000 là bước rất quan trọng của thời kỳ phát triển mới - đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”(2). Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (2001), Đảng ta xác định mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 là: “Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”(3). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội bổ sung, phát triển năm 2001 cũng thể hiện mục tiêu này.
Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (năm 2006), mục tiêu công nghiệp hóa được Đảng ta khẳng định: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức, tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”(4). Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (năm 2011) đã xác định: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”(5). Đến nay, dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng tái khẳng định mục tiêu, yêu cầu “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”(6). Cụm từ “xây dựng nền tảng” được thay thế cho cụm từ “tạo nền tảng” mang hàm ý là yêu cầu của một quá trình (xây dựng nền tảng), chứ không phải là một “điểm nút” (tạo ra nền tảng). Từ “sớm” được bổ sung thêm mang ý nghĩa thôi thúc hơn cho mục tiêu “sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Về khả năng đến 2020 nước ta có thể “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” hay không, đã có nhiều nghiên cứu, ý kiến đề cập, góp ý. Định hướng chiến lược của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng đã xác định: “Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(7).
Trong một bài viết gần đây nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02-9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhận định: “Trên thực tế, chênh lệch thu nhập bình quân đầu người và khác biệt về cơ cấu kinh tế của Việt Nam so với mức chuẩn chung của một nước công nghiệp còn rất lớn. Nếu coi đây là những tiêu chí quan trọng để xem xét mức độ công nghiệp hóa thì phải mất nhiều năm nữa nước ta mới có thể đạt được mục tiêu trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”(8).
Trong thực tế, khái niệm “nước công nghiệp” đã được đề cập rất nhiều. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một quy định chính thức nào của một tổ chức quốc tế có uy tín (Liên hiệp quốc, UNDP - Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc, G7 - Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới …) xác định rõ tiêu chí như thế nào là một nước công nghiệp. Để góp phần làm sáng tỏ hơn mục tiêu trên, thời gian qua, đã có nhiều công trình nghiên cứu trong nước bước đầu đề xuất bộ tiêu chí một nước công nghiệp, đánh giá khả năng Việt Nam đạt được hay không mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Bộ Công Thương cũng đã lập đề án “Xây dựng hệ thống tiêu chí nước phát triển công nghiệp của Việt Nam” báo cáo Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Theo đó, phương án xác lập các tiêu chí, chỉ tiêu để Việt Nam vào năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp“ gồm 17 chỉ tiêu và chia thành 3 nhóm tiêu chí: kinh tế; văn hóa, xã hội; chất lượng cuộc sống và môi trường.
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bộ tiêu chí nào về “một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” được ban hành để áp dụng cho trường hợp Việt Nam. Hiện vẫn chưa có văn bản chính thức nào của Đảng và Nhà nước ta xác định đủ rõ, có định lượng bằng tiêu chí cụ thể “như thế nào là một nước công nghiệp” để “định vị” nước ta đang ở giai đoạn nào trên con đường đi đến mục tiêu “cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020”. Tương tự, như thế nào là “một tỉnh công nghiệp” hay “một thành phố công nghiệp” cũng chưa được “lượng hóa” bằng các chỉ tiêu phát triển mang tính phổ biến được thừa nhận như: GDP bình quân đầu người, tỷ lệ cơ cấu ngành kinh tế/GDP, cơ cấu lao động theo ngành, tỷ trọng giá trị công nghiệp chế tạo/tổng giá trị công nghiệp, các tiêu chí về văn hóa, xã hội và môi trường, ...
Năm 2014, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lập Báo cáo nghiên cứu Bộ tiêu chí tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại của Việt Nam, gồm 18 chỉ tiêu, được chia thành 2 nhóm: nhóm kinh tế (6 chỉ tiêu) và nhóm văn hóa, xã hội, môi trường (12 chỉ tiêu). Tuy nhiên, ở tầm quốc gia hiện vẫn chưa có một bộ tiêu chí nào cho tỉnh công nghiệp (tương tự như tiêu chí xã nông thôn mới). Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xác định tỉnh, thành phố công nghiệp không nhất thiết phổ cập cho tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mỗi tỉnh, thành phố có thế mạnh và đặc thù riêng, nên có thể xây dựng kế hoạch phát triển theo điều kiện riêng của địa phương mình. Trong bối cảnh đó, một số địa phương như Quảng Ninh(9), Thái Nguyên(10), Phú Thọ đã tiến hành xây dựng, ban hành “Bộ tiêu chí tỉnh công nghiệp” và chỉ đạo thực hiện.
Mục tiêu “cơ bản trở thành tỉnh, thành phố công nghiệp” trước hoặc vào năm 2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phải đặt trong bối cảnh chung của cả nước và đặc thù của từng địa phương. Trong khi nước ta chưa có Bộ tiêu chí tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại của Việt Nam thì việc một số tỉnh như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ chủ động xây dựng, ban hành “Bộ tiêu chí tỉnh công nghiệp” và chỉ đạo thực hiện có thể xem một cơ sở tham khảo để nghiên cứu xây dựng “Bộ tiêu chí tỉnh công nghiệp” cho phù hợp yêu cầu của mỗi địa phương.
Về nội hàm “công nghiệp” và lượng hóa “tỉnh, thành phố công nghiệp” qua bộ tiêu chí
Nhận thức chung về nội hàm “công nghiệp” trong tiêu chí “tỉnh, thành phố công nghiệp”
Muốn ước lượng và so sánh trình độ công nghiệp hóa của một địa phương cấp tỉnh có tổ chức hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền địa phương, khuôn khổ pháp lý và nguồn lực đầu tư …, thì yêu cầu đặt ra là phải lượng hóa bằng bộ tiêu chí và nhận thức đúng về nội hàm “công nghiệp”.
Tiêu chí công nghiệp trong khái niệm “tỉnh, thành phố công nghiệp” không nên hiểu theo “nghĩa thô” chỉ là ngành sản xuất vật chất với máy móc (công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ) mà cần được hiểu là những đặc trưng để nhận biết hay để phân biệt về trình độ phát triển trong tiến trình công nghiệp hóa. Theo đó, tiêu chí đánh giá “nước công nghiệp” hay “tỉnh, thành phố công nghiệp” phải được xác định toàn diện theo các tiêu chí đánh giá trình độ phát triển của một quốc gia hay thành phố đó. Đây cũng là cách phân loại quốc tế khi phân chia thành Nhóm các nước công nghiệp phát triển G-7 hay các nước công nghiệp mới (NIC - Newly Industrialized Country). Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) cũng phân loại các quốc gia trên thế giới thành 4 nhóm theo các giai đoạn của công nghiệp hóa, gồm: Nhóm 1: Các nước đã công nghiệp hóa, Nhóm 2: Các nước công nghiệp hóa mới nổi, Nhóm 3: Các nước đang phát triển khác, Nhóm 4: Các nước kém phát triển nhất với các tiêu chí thể hiện trình độ phát triển chung, không chỉ riêng trình độ công nghiệp.
Một “tỉnh công nghiệp” hay “thành phố công nghiệp”, ngoài tiêu chí “công nghiệp thuần túy” (tỷ lệ khu vực công nghiệp trong cơ cấu kinh tế 3 khu vực: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; tốc độ tăng trưởng và giá trị công nghiệp …), còn có nội hàm thể hiện trình độ phát triển của con người thông qua các chỉ tiêu như: chỉ số phát triển con người (HDI); thu nhập GDP bình quân đầu người; các chỉ tiêu văn hóa, xã hội và môi trường khác thể hiện “chất lượng cuộc sống” và “phát triển bền vững trên 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường”.
Lượng hóa “tỉnh, thành phố công nghiệp” qua bộ tiêu chí
Để đi đến một Bộ tiêu chí “tỉnh, thành phố công nghiệp” phù hợp yêu cầu phát triển của nước ta và có thể so sánh quốc tế, cần tiến hành nghiên cứu cụ thể và thu thập số liệu thống kê chính xác, phản ánh đúng thực trạng tình hình. Cơ sở xác lập và cách tiếp cận xây dựng Bộ tiêu chí “tỉnh, thành phố công nghiệp” cần thể hiện được đặc thù vùng, miền, nhất là trình độ phát triển công nghiệp của mỗi vùng (đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long,…). Bộ tiêu chí này phải bảo đảm mức độ “tương thích” chấp nhận được, không quá chênh lệch với tiêu chuẩn quốc tế được công nhận rộng rãi, thể hiện các đặc tính công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bộ tiêu chí này không thay thế các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác, nhưng là chỉ tiêu phấn đấu, có thể tính toán được bằng các công cụ đo lường, số liệu thống kê chính thức hiện hành; tránh sử dụng các tiêu chí mà Việt Nam chưa áp dụng hoặc đang áp dụng thí điểm. Theo đó, lựa chọn ra một số chỉ tiêu định lượng có thể tính toán được; đồng thời, có phần định tính cho nội hàm “cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp”. Có ý kiến cho rằng, “cơ bản” được hiểu là đạt được 80-85% chỉ tiêu(11). Bài viết này đề xuất mức độ đạt được là 75-80% căn cứ vào “định lượng toán học” và thông lệ khi vượt tỷ lệ 75% có thể được xem là “cơ bản”.
Việc xây dựng, ban hành Bộ tiêu chí “tỉnh, thành phố công nghiệp” là cơ sở để mỗi tỉnh, thành phố định hướng chính sách, xác định khâu đột phá, trọng tâm ưu tiên và bố trí nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp với điều kiện, tình hình của địa phương và nỗ lực thu hút đầu tư từ bên ngoài. Việc định ra các tiêu chí phấn đấu phải trên cơ sở “định vị” địa phương, khả năng nỗ lực đạt được trong quỹ thời gian vật chất đến năm 2020 hay “trước năm 2020”, cần được hiểu là chậm nhất đến cuối năm 2019. Đây là một thách thức lớn. Số lượng các tiêu chí, chỉ tiêu là bao nhiêu, loại tiêu chí nào,… phải là kết quả nghiên cứu khoa học và thực tiễn nghiêm túc, không phải là ý muốn chủ quan của một người hay một nhóm người quản lý. Trên cơ sở đó, xin gợi ý một vài chỉ tiêu tham khảo.
Nhóm chỉ tiêu về kinh tế
Dựa trên các nguyên tắc, yêu cầu xây dựng “Bộ tiêu chí tỉnh, thành phố công nghiệp” nêu trên; đồng thời, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của một số địa phương trong nước, để xác định các chỉ tiêu kinh tế. Trong đó cần chú ý các chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng và giá trị tổng sản phẩm GDP (hoặc GRDP), GDP bình quân đầu người/năm, tỷ lệ cơ cấu ngành kinh tế, tỷ trọng giá trị công nghiệp chế tạo trong tổng giá trị công nghiệp của tỉnh,…
Nhóm chỉ tiêu văn hóa, xã hội và môi trường
Bao gồm các chỉ tiêu: tỷ trọng lao động công nghiệp, dịch vụ trên tổng số lao động của tỉnh, thành phố; tỷ lệ lao động công nghiệp, dịch vụ qua đào tạo nghề; hộ nghèo; chỉ số phát triển con người (HDI); số bác sĩ/vạn dân; tốc độ đô thị hóa; tỷ lệ phần trăm GDP đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải, nước thải, cấp nước sinh hoạt; ... Ngoài ra, có thể có thêm các chỉ tiêu phấn đấu như: tỷ lệ phần trăm hộ dân sử dụng điện, sử dụng internet, …
Định hướng dài hạn và nỗ lực ngắn hạn
Mục tiêu “cơ bản trở thành tỉnh, thành phố công nghiệp” vào năm 2020 hay trước năm 2020 của các địa phương phải là đích đến của một quá trình phấn đấu liên tục, nhất là việc kế thừa và phát triển thành tựu của 30 năm đổi mới. Vì vậy, định hướng chính sách và giải pháp cho mục tiêu đó phải trên cơ sở tầm nhìn dài hạn, chứ không chỉ là “tư duy nhiệm kỳ” cho 5 năm tới. Song, cũng không thể phủ nhận những nỗ lực ngắn hạn cần phải đạt được từ nay đến năm 2020.
Định hướng chính sách dài hạn cho “tỉnh, thành phố công nghiệp” không có con đường nào khác là chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, dựa vào hiệu quả, sức cạnh tranh nhằm tạo sự tăng trưởng kinh tế cao hơn, bền vững hơn, phát huy lợi thế từng địa phương và tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng, chủ động hội nhập quốc tế. Nỗ lực trong ngắn hạn của các địa phương là tập trung cho các khâu đột phá: nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Hệ thống chính sách, giải pháp đồng bộ mà mỗi tỉnh, thành phố cần phải tính đến gồm: chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng; khoa học - công nghệ; cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh qua các chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAPI (năng lực quản trị hành chính công), đặc biệt là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh,...
Mục tiêu “cơ bản trở thành tỉnh, thành phố công nghiệp” thể hiện một quyết tâm chính trị mạnh mẽ của mỗi địa phương. Đạt được mục tiêu này hay không phụ thuộc vào những luận cứ khoa học, thực tiễn, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và vận động doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân cùng tham gia. Song, quan trọng hơn hết vẫn là kết quả của việc giải bài toán kinh tế, bố trí nguồn lực “đầu vào” đúng nhu cầu, khả năng đáp ứng và kết quả “đầu ra” trên cơ sở các tiêu chí định lượng và hiệu quả xã hội “chất lượng cuộc sống của người dân”./.
Trần Hữu Hiệp
Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ
Nguồn: TCCS
---------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
(1),(6)http://daihoi12.dangcongsan.vn/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=28340728&cn_id=400849, Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 167
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 159
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 186
(5), (7) Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội
(8) Trương Tấn Sang: Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong một thế giới thay đổi nhanh, tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, phát triển sáng tạo, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 29-7-2015
(9) Quyết định số 925/QĐ-UBND ngày 25-4-2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Phê duyệt Đề án “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống tiêu chí tỉnh Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015” và Quyết định số 1579/QĐ-UBND ngày 27-6-2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu của Đề án “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống tiêu chí tỉnh Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015”
(10) Quyết định số 2993/QĐ-UBND ngày 31-12-2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành Đề án Hệ thống tiêu chí tỉnh Thái Nguyên thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020
(11) GS, TS. Ngô Thắng Lợi, ThS. Nguyễn Quỳnh Hoa (2014), Bàn về chủ đề “Đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp”, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, số 201 tháng 3-2014