Nguồn nhân lực công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng để phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội.
Trong quá trình phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển
nguồn nhân lực công nghệ thông tin là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết
định và là lợi thế quan trọng để phát triển bền vững đất nước, hội nhập
quốc tế và ổn định xã hội, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn
Thành Hưng phát biểu tại Tọa đàm “Đánh giá kết quả 10 năm thi hành Luật
CNTT” chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực CNTT” đang diễn ra chiều 3/11, ở Cần Thơ.
“Chính vì tầm quan trọng này, phát triển nguồn nhân lực công nghệ
thông tin là nhiệm vụ đầu tiên trong việc triển khai đưa Việt Nam sớm
trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin - truyền thông tại quyết định
1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/9/2010”, Thứ trưởng Nguyễn
Thành Hưng nói.
Ngoài ra, trong kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực công nghệ
thông tin đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 tại Quyết định
698/QĐ-TTg ngày 1/6/2009, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020
là “xây dựng nguồn nhân lực công nghệ thông tin đủ phẩm chất, năng lực
làm chủ công nghệ, kỹ thuật hiện đại, với cơ cấu hợp lý, đáp ứng kịp
thời và thường xuyên nhu cầu xây dựng và phát triển xã hội thông tin và
kinh tế tri thức. Không ngừng nâng cao nhận thức, phổ cập kiến thức và
kỹ năng sử dụng các ứng dụng và dịch vụ công nghệ thông tin cho toàn xã
hội. Đến năm 2020, 70% lao động trong các doanh nghiệp được đào tạo về
công nghệ thông tin”, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông nói.
Trong sự kiện diễn ra tại Cần Thơ, Thứ trưởng cho biết, gần đây nhất,
Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị cũng xác định việc
ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phải gắn với phát triển nguồn
nhân lực chất lượng cao và đặt mục tiêu “Phát triển nguồn nhân lực công
nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế, đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước về
số lượng và chất lượng, có khả năng cung cấp nguồn nhân lực công nghệ
thông tin chất lượng cao cho khu vực và thế giới”.
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với
nhiều bộ, ngành liên quan ban hành một số văn bản nhằm tiếp tục tạo điều
kiện phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, như về quy định
chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và thông tư quy định tổ chức
thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin.
Đến nay, tại Việt Nam, Thứ trưởng phát biểu, hệ thống đào tạo về công
nghệ thông tin đã được triển khai rộng rãi với bộ môn Tin học được
giảng dạy, phổ cập tới 54,8% trường tiểu học, 81,7% trường trung học cơ
sở, và 100% trường trung học phổ thông trên cả nước. Đã có 290 trường
đại học, cao đẳng và hơn 200 trường dạy nghề có đào tạo chuyên ngành
công nghệ thông tin, viễn thông với chỉ tiêu tuyển sinh các nhóm ngành
này tăng đều qua các năm và tỷ lệ nhập học trung bình hàng năm luôn ở
mức cao từ 80 đến 90% so với nhiều chuyên ngành khác.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp cùng
các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp trên cả nước
triển khai tổng kết, đánh giá thi hành Luật công nghệ thông tin thông
qua nhiều hoạt động như: xây dựng báo cáo tổng kết, tọa đàm, hội thảo
chuyên đề và làm việc thực tế tại nhiều cơ quan đơn vị, khu vực và vùng
miền. Kết quả tổng kết, đánh giá sẽ là cơ sở để xây dựng các đề xuất sửa
đổi, hoàn thiện Luật công nghệ thông tin và các văn bản dưới luật phù
hợp với thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về công
nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế xã hội,
theo kịp với xu thế phát triển của thế giới.
Bên cạnh các mặt đã đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng nêu
những hạn chế. Trong quá trình thi hành luật công nghệ thông tin nói
chung cũng như các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, bên
cạnh một số tồn tại về chỉ đạo tổ chức điều hành như công tác quản lý
chưa đồng bộ giữa các cấp, các ngành; công tác kiểm tra giám sát việc
thi hành Luật công nghệ thông tin ở các cấp còn yếu và thiếu,…; các cơ
chế chính sách như về công nghệ thông tin còn chưa phát huy hết hiệu quả
thúc đẩy hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin như chính
sách đầu tư mua sắm sản phẩm công nghệ thông tin, đầu tư cho ứng dụng
công nghệ thông tin,... Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy tại nhiều
tỉnh khu vực miền Nam cũng như phía Bắc đều cho rằng chính sách thu hút
nhân lực, ưu đãi nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin, phát
triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn nhiều bất cập trong khi đây
là nguồn lực đầu vào có ý nghĩa quan trọng để triển khai các ứng dụng
công nghệ thông tin cũng như giữ vai trò quyết định hoạt động sản xuất
kinh doanh và công nghệ thông tin.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền
thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Lao động
Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực công
nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội. Bộ
mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp của các địa phương và
cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội công nghệ thông tin về các cơ chế,
chính sách về nguồn nhân lực công nghệ thông tin cũng như công tác ứng
dụng và phát triển công nghệ thông tin nói chung nhằm kịp thời giải
quyết các vướng mắc, khó khăn để triển khai ứng dụng và phát triển công
nghệ thông tin đạt hiệu quả cao.
Tọa đàm “Đánh giá kết quả 10 năm thi hành Luật CNTT” chủ đề “Phát
triển nguồn nhân lực CNTT” do Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT-TT) phối hợp
với Sở TT-TT Thành phố Cần Thơ phối hợp tổ chức. Sự kiện diễn ra trong
buổi chiều ngày 3/11./.
Theo ICTnews