Theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Lê Thị Ngọc Mơ, Bộ TT&TT đang xây
dựng dự thảo Nghị định mới để giải quyết triệt để vấn đề quản lý thông
tin thuê bao di động trả trước nói chung và việc thu hồi SIM kích hoạt
sẵn nói riêng.
Từ hôm nay, 1/11/2016, cam kết giữa 5 doanh nghiệp viễn thông di động
gồm VinaPhone, Viettel, MobiFone, Vietnamobile, GTel với Bộ TT&TT
về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối được chính
thức áp dụng.
Theo cam kết này, 5 nhà mạng đã thống nhất sẽ
triển khai một số biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện đúng các quy định
của nhà nước về quản lý thuê bao di động trả trước và Thông tư
14/2012/TT-BTTTT (Thông tư 14).
Cụ thể, các doanh nghiệp tự rà soát xác định SIM kích hoạt sẵn trên
kênh phân phối, triển khai các biện pháp phối hợp với các đại lý/điểm
bán để có biện pháp xử lý, thu hồi một cách hiệu quả, hoàn thành trước
ngày 15/12/2016. Cũng theo cam kết được ký ngày 28/10/2016, định kỳ hàng
tuần, trước 16h ngày thứ 6, các doanh nghiệp sẽ gửi báo cáo kết quả thu
hồi SIM kích hoạt sẵn (bằng văn bản và thư điện tử) về Cục Viễn thông -
Bộ TT&TT với các nội dung gồm: tổng số SIM kích hoạt sẵn đã được
thu hồi; địa bàn thu hồi; khó khăn, vướng mắc (nếu có); kết quả kiểm tra
chéo và sai phạm của các doanh nghiệp (nếu có); kiến nghị và đề xuất
(nếu có).
Cùng với việc cam kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân
phối, chịu trách nhiệm và triển khai các biện pháp đảm bảo tối đa quyền
lợi của người sử dụng, 5 nhà mạng đã cam kết tất cả các SIM thuê bao
(KIT) kích hoạt hòa mạng mới từ ngày 1/11/2016 lưu thông trên thị trường
đều là các KIT 0 đồng, không có tiền và lưu lượng trong bất kỳ tài
khoản nào trước khi nạp thẻ lần đầu theo quy định của Thông tư 14, không
áp dụng khuyến mãi nạp thẻ lớn hơn 50%, không áp dụng chính sách khuyến
khích nạp thẻ, không chiết khấu bán bộ KIT thấp hơn giá thành toàn bộ.
Trả lời báo chí tại lễ ký cam kết ngày 28/10 vừa qua, bà Lê Thị Ngọc
Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, thu hồi SIM
kích hoạt sẵn là 1 trong 2 biện pháp chủ yếu đã được Chính phủ họp và
quyết tâm chỉ đạo Bộ TT&TT và các doanh nghiệp triển khai nhằm tăng
cường hơn nữa công tác quản lý thuê bao di động trả trước, từng bước
giải quyết vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác tràn lan trên thị trường.
Bà Mơ nhấn mạnh, sở dĩ phải triển khai biện pháp thu hồi SIM kích
hoạt sẵn vì: trong yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã
hội, cần có thông tin chính xác của người sử dụng dịch vụ để kịp thời
ngăn chặn, tìm ra các đối tượng vi phạm pháp luật. Việc này rất cần
thiết để đảm bảo cho quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, không bị quấy
rầy, không bị làm phiền, ngăn chặn tin nhắn rác.
Lý giải tình trạng hiện nay vẫn còn nhiều SIM kích hoạt sẵn trên thị
trường dù pháp luật đã nghiêm cấm, bà Mơ cho rằng có 2 nguyên nhân
chính. Trước hết do các doanh nghiệp viễn thông di động chưa thực sự
nghiêm túc, còn buông lỏng quản lý trong việc quản lý thông tin thuê bao
trả trước. “Thời gian qua là giai đoạn phát triển bùng nổ của thị
trường viễn thông, các doanh nghiệp chú trọng, tập trung nhiều cho việc
phát triển kinh doanh để tăng lợi nhuận, do đó phần nào đã buông lỏng
quản lý. Các doanh nghiệp cũng chiều theo sở thích, thị hiếu của người
sử dụng dịch vụ - muốn mua sản phẩm sẵn, có thể dùng được ngay, không
phải thực hiện các thủ tục theo quy định”, bà Mơ nhận xét.
Nguyên nhân thứ hai, theo đại diện Cục Viễn thông, là do cơ
chế tổ chức kinh doanh cũng như hạ tầng pháp lý vẫn tạo điều kiện cho
SIM kích hoạt sẵn: “Nếu như còn tiếp diễn chuyện SIM được mang đi bán ở
mọi nơi, từ đại lý, siêu thị cho tới hàng nước, người dùng mua về sau đó
mới đi đăng ký thông tin thì đương nhiên người ta không muốn đi đăng ký
mà muốn mua SIM đã kích hoạt sẵn. Cơ chế quản lý này tạo điều kiện cho
SIM kích hoạt sẵn phát triển”.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Lê Thị Ngọc Mơ cho biết, cùng với việc
thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối, Bộ TT&TT đang xây
dựng một hạ tầng pháp lý mới để tăng cường công tác quản lý thuê bao
trả trước.
Nhấn mạnh đây là biện pháp căn bản để dẹp nạn SIM rác, tin nhắn rác,
bà Mơ cho biết, Bộ TT&TT đang xây dựng dự thảo Nghị định mới nhằm
giải quyết triệt để hơn vấn đề quản lý thông tin thuê bao nói chung và
việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn nói riêng. Dự thảo Nghị định đang được
gửi các cơ quan liên quan thẩm định và sẽ sớm trình Chính phủ. Dự kiến
Nghị định mới có thể được ký ban hành vào cuối năm 2016 và có hiệu lực
thi hành từ đầu năm 2017.
Trong dự thảo Nghị định nêu trên, theo bà Mơ, Bộ TT&TT đề xuất 5
biện pháp để tăng cường, quản lý chặt chẽ hơn thông tin thuê bao di động
trả trước, hạn chế tối đa SIM kích hoạt sẵn, bao gồm: Quy định thống
nhất các điểm bán SIM và đăng ký thông tin thuê bao, nghĩa là thời gian
tới chỉ có các điểm thực hiện đăng ký thông thuê bao mới được bán SIM;
Tổ chức những điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, chủ yếu là của chính các
doanh nghiệp hoặc những tổ chức doanh nghiệp lựa chọn, đủ điều kiện để
thay mặt doanh nghiệp cung cấp dịch vụ; Có những giải pháp để tạo điều
kiện hơn cho người sử dụng dịch vụ viễn thông di động có thể dễ dàng
đăng ký thông tin, theo đó dự kiến sẽ bỏ hết những thủ tục hành chính
rườm rà; Quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông di
động nhiều hơn trong hoạt động cũng như sự tuân thủ pháp luật của các
điểm đăng ký, nếu các điểm đăng ký làm sai thì doanh nghiệp sẽ phải chịu
trách nhiệm và bị phạt; Đưa ra các biện pháp xử phạt, chế tài đủ sức
răn đe hơn, do đó các doanh nghiệp sẽ hợp tác hơn trong vấn đề quản lý
thông tin thuê bao di động trả trước.
“Với tất cả những chính sách, biện pháp mới nêu trên, chúng tôi tin
rằng trong thời gian tới, việc quản lý thông tin thuê bao di động trả
trước sẽ tốt hơn, SIM kích hoạt sẵn sẽ được hạn chế triệt để hơn so với
hiện nay”, đại diện lãnh đạo Cục Viễn thông nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 25/7/2016, Bộ TT&TT đã có công văn yêu cầu 3 doanh nghiệp viễn thông lớn
là VNPT, Viettel và MobiFone thực hiện việc đăng ký chính xác thông tin
thuê bao mạng 4G (bao gồm cả thử nghiệm và triển khai thương mại); rà
soát, xác minh, cập nhật nâng cao tính chính xác thông tin thuê bao di
động trả trước đang hoạt động của mình (qua tin nhắn và các hình thức
phù hợp khác), sau một thời gian sẽ tiến hành ngừng cung cấp dịch vụ đối
với các thuê bao có thông tin thuê bao không chính xác hoặc không đầy
đủ; đồng thời rà soát, thu hồi toàn bộ số SIM thuê bao đã đăng ký sẵn
thông tin thuê bao trên các kênh phân phối trước ngày 31/12/2016. Bên
cạnh đó, công văn của Bộ TT&TT nêu rõ, việc mua bán SIM thuê bao,
đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước chỉ được thực hiện tại các
điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có nhân viên giao dịch của doanh nghiệp
viễn thông di động được tập huấn, đào tạo về quy trình, thủ tục đăng ký
thông tin thuê bao./.
Theo ICTnews