NHẬN THỨC VỀ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM HIỆN ĐẠI, ĐẦY ĐỦ VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ
Thị
trường lao động (TTLĐ) hình thành và phát triển trong tổng thể phát
triển nền kinh tế thị trường. Xu hướng chung của các nước trên thế giới
có nền kinh tế thị trường đều dựa trên nền tảng phát triển đồng bộ các
loại thị trường cơ bản, trong đó có TTLĐ. E. Robert, trong tác phẩm
“Kinh tế lao động” (xuất bản năm 1991), cho rằng, TTLĐ là thị trường lớn
nhất và quan trọng nhất trong hệ thống các thị trường của nền kinh tế
thị trường. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng “Về hoàn
thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” xác định:
Thị trường lao động là một trong những thị trường quan trọng của kinh tế
thị trường. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng
định: Thị trường (bao gồm TTLĐ) đóng vai trò quyết định trong xác định
giá cả hàng hóa, dịch vụ, tạo động lực huy động, phân bố các nguồn lực.
Phát triển TTLĐ Việt Nam hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế là nhằm đạt tới một TTLĐ có khả năng vận hành đồng bộ, thông suốt và hiệu quả trên phạm vi cả nước; có sự kết nối TTLĐ với các thị trường khác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, TTLĐ trong nước với TTLĐ của các nước trong khu vực và trên thế giới; góp phần huy động, phân bố và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đáp ứng quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm người lao động có việc làm bền vững.
|
Các
đặc trưng chủ yếu của TTLĐ Việt Nam hiện đại, đầy đủ và hội nhập là: 1) Thị trường lao động hoạt động theo các quy luật khách quan của kinh tế
thị trường, nhất là quy luật cung - cầu lao động, quy luật cạnh tranh
công bằng trong lao động... Đồng thời, có sự kết nối, liên thông, không
rào cản giữa các khu vực, các vùng trong nước và với ngoài nước trong
quá trình hội nhập; 2) Sức lao động được giải phóng triệt để. Người lao
động được tự do lựa chọn việc làm, tự do đối thoại, thương lượng, thỏa
thuận với người sử dụng lao động trong quan hệ lao động để ký kết hợp
đồng lao động, tự do dịch chuyển trên TTLĐ...; 3) Lao động là yếu tố đầu
vào của sản xuất (đường cung lao động) có mối quan hệ tương tác chặt
chẽ với cầu lao động (đường cầu lao động), nhưng người lao động, nhất là
người lao động có kỹ năng, là yếu tố quyết định nhất của sản xuất, kinh
doanh và dịch vụ trong kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ và hội nhập;
4) Quan hệ cung - cầu lao động trên TTLĐ là quan hệ thỏa thuận giữa các
bên về các nội dung quan hệ lao động theo những tiêu chuẩn lao động cơ
bản tiếp cận các chuẩn mực quốc tế do Nhà nước quy định (về việc làm,
tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn, vệ sinh lao động và các điều kiện
làm việc khác) làm căn cứ cho các bên quan hệ lao động thương lượng,
thỏa thuận, định đoạt và tự chịu trách nhiệm; người lao động có
cơ hội bình đẳng tham gia TTLĐ để có thể tìm việc làm bền vững; 5) Đối
thoại, thương lượng và thỏa thuận về các nội dung quan hệ lao động của
các chủ thể quan hệ lao động theo cơ chế ba bên ở cấp ngành hay quốc gia
(đại diện người sử dụng lao động, đại diện người lao động và Nhà nước)
và theo cơ chế hai bên ở cấp doanh nghiệp (đại diện người sử dụng lao
động và đại diện người lao động) phải bảo đảm tính độc lập, công khai,
minh bạch và thực chất; 6) Thị trường lao động hoạt động theo các quy
luật khách quan nhưng không tuyệt đối hóa sự điều tiết bởi “bàn tay vô
hình”, mà có sự điều tiết của Nhà nước thông qua các công cụ quản lý và
hỗ trợ để phòng ngừa, giải quyết những trục trặc, thất bại của thị
trường, nhất là khi xảy ra khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu và dịch
bệnh, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư,... tác động tiêu cực đến
hoạt động bình thường hoặc kìm hãm sự phát triển của TTLĐ.
THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM HIỆN NAY
Trong
quá trình đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vấn đề phát triển TTLĐ đặt ra
rất cấp thiết. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, quán
triệt và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà
nước đã ban hành chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý phát triển
TTLĐ, từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế trong quá trình hội
nhập. Điều này thể hiện rất rõ trong hệ thống pháp luật kinh tế(1)
phù hợp với nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, các quy định pháp luật về
TTLĐ được thể hiện cụ thể trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề
nghiệp, Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Người lao động Việt Nam đi
làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo
hiểm y tế,... tạo khung pháp lý phát triển TTLĐ; qua đó, về cơ bản, đã
hình thành thể chế TTLĐ mới theo hướng giải phóng sức lao động, tự do hóa trong lao động và thực hiện công bằng xã hội;
bảo đảm TTLĐ hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường, có sự điều tiết
của Nhà nước để kết nối cung - cầu lao động, nhiều người có việc làm
tại TTLĐ trong nước và ngoài nước, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Sau
hơn 35 năm đổi mới đất nước TTLĐ Việt Nam đã có bước phát triển vượt
bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, đầy đủ và hội nhập
quốc tế:
Một là,
về cầu lao động, từ thành tựu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước, nền kinh tế Việt Nam không ngừng phát triển theo hướng
hiện đại, đồng bộ và hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới
trên “sân chơi” toàn cầu. Cầu lao động trên TTLĐ không ngừng tăng cả về
số lượng và chất lượng, cơ cấu ngành, nghề theo hướng hiện đại, từng
bước tạo việc làm đầy đủ, bền vững hơn cho người lao động.
Hai là,
về cung lao động, hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp phát triển
được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, gắn kết
chặt chẽ hơn với nhu cầu của TTLĐ để phát triển nguồn nhân lực về số
lượng, liên thông giữa các cấp trình độ, từng bước nâng cao chất lượng,
góp phần tạo cung lao động có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề theo
tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, từng bước tiếp cận tiêu chuẩn kỹ năng
nghề khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của TTLĐ.
Ba là,
thay đổi căn bản phương thức tuyển dụng, sử dụng lao động khu vực thị
trường trên cơ sở giao kết hợp đồng lao động. Thực hiện cơ chế đối
thoại, thương lượng và thỏa thuận giữa các bên về quan hệ lao động (việc
làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn, vệ sinh lao động và các điều
kiện làm việc khác) phù hợp với kinh tế thị trường. Hình thành từng
bước quan hệ (cơ chế) hai bên (ở cấp cơ sở) và quan hệ (cơ chế) ba bên ở
cấp quốc gia, cũng như tổ chức đại diện các bên (Nhà nước, người sử
dụng lao động và người lao động) trong quan hệ lao động, bảo đảm hài hòa
lợi ích các bên. Tranh chấp lao động và đình công được giải quyết theo
trình tự và thủ tục quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động.
Bốn là,
hệ thống dự báo cung - cầu lao động, thông tin TTLĐ, dịch vụ việc làm
được thiết lập thực hiện chức năng tư vấn, kết nối cung - cầu lao động,
giới thiệu việc làm, cung ứng lao động trên TTLĐ trong nước và ngoài
nước.
Năm là,
TTLĐ trở thành động lực thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp
với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước, chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang làm việc khu vực
sản xuất hàng hóa, kinh tế, có quan hệ lao động. Theo báo cáo của Tổng
cục Thống kê, đến năm 2020, lao động làm việc trong ngành nông nghiệp
giảm xuống chỉ còn 32,8%, tỷ lệ lao động làm việc trong ngành công
nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 77,2%. Người lao động có nhiều cơ hội
việc làm trên TTLĐ. Theo đó, hằng năm, thị trường lao động tạo thêm việc
làm mới cho khoảng 1,6 triệu lao động. Việt Nam từ một nước dư thừa lao
động, đến giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ tăng trưởng việc làm đã đạt mức
cân bằng và cao hơn tỷ lệ tăng trưởng lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động
có việc làm khu vực chính thức (có quan hệ lao động) tăng bình quân
5,6%/năm giai đoạn 2016 - 2019. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, từ
2,0% đến 2,2%; tỷ lệ thất nghiệp thành thị luôn dưới 3,5%.
Tuy nhiên, TTLĐ Việt Nam còn những hạn chế, chưa bắt kịp chuẩn mực nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế, thể hiện:
Thứ nhất,
chính sách TTLĐ chưa hoàn thiện và chưa đủ mạnh để giải phóng triệt để
mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm theo
hướng bền vững. Thiếu chính sách cụ thể phát triển TTLĐ bảo đảm giải
phóng triệt để sức lao động, tự do hóa mạnh trong lao động để người lao
động được tự do hành nghề, tự do dịch chuyển, tự do lựa chọn việc làm
trên TTLĐ theo nhu cầu và khả năng. Vẫn còn những rào cản về quản lý và
thủ tục hành chính bảo đảm tự do di chuyển của lao động trên TTLĐ trong
nước và ngoài nước trên một sân chơi công bằng, bình đẳng.
Thứ hai,
TTLĐ có sự phân mảng giữa các vùng, khu vực và ngành, nghề. Còn bỏ ngỏ
quản lý và kết nối với phân khúc TTLĐ trong kinh tế tuần hoàn, kinh tế
chia sẻ, kinh tế tự do dựa trên nền tảng trực tuyến áp dụng công nghệ
thông tin (bán hàng trực tuyến, giao nhận hàng hóa, lái xe công
nghệ,...) đang có xu hướng phát triển. Thị trường lao động trong kinh tế
nông nghiệp, nông thôn, khu vực phi chính thức và TTLĐ trình độ cao gắn
kết với thị trường khoa học và công nghệ chưa phát triển mạnh...
Thứ ba, quan hệ cung - cầu lao động trên TTLĐ cần phát triển theo hướng đòi hỏi cung lao động có chất lượng hơn để đáp ứng cầu lao động
của nền kinh tế hiện đại và hội nhập. Các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc
gia của Việt Nam chậm được ban hành, nhiều nghề trọng điểm chưa có tiêu
chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, một số nghề tiêu chuẩn còn thấp so với tiêu
chuẩn kỹ năng nghề khu vực và các nước phát triển trên thế giới; việc
tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề chưa được triển khai rộng
rãi. Do đó, trên thực tế, một số lao động đã qua đào tạo, giáo dục nghề
nghiệp nhưng chất lượng còn thấp. Đặc biệt, tình trạng thiếu nghiêm
trọng lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động trong một số ngành công
nghiệp mới, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế
giới.
Cơ
chế đối thoại, thương lượng và thỏa thuận các bên trong quan hệ lao
động cấp doanh nghiệp chưa hoàn thiện; thiết chế giải quyết tranh chấp
lao động và đình công chưa phù hợp với thực tế, nên hầu hết các cuộc
đình công diễn ra chưa đúng với quy định của pháp luật. Hệ thống bảo
hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chưa hoàn chỉnh và
chưa gắn kết chặt chẽ với hệ thống an sinh xã hội, chưa thích ứng với
quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các loại hình kinh tế mới, như
kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tự do trên nền tảng trực
tuyến... Lao động trong phân khúc TTLĐ này chưa được tham gia bảo hiểm
xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Thứ tư,
kết cấu hạ tầng dịch vụ TTLĐ chưa hiện đại; năng lực dự báo cung - cầu
lao động còn hạn chế; cơ sở dữ liệu TTLĐ chưa đầy đủ và cập nhật; hệ
thống dịch vụ việc làm kết nối TTLĐ trong nước với TTLĐ quốc tế chưa đáp
ứng nhu cầu ngày càng tăng của cả người sử dụng lao động và người lao
động trong nước cũng như ngoài nước.
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2030
Bước sang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đại
hội XIII của Đảng xác định: Phải tạo bước phát triển mới cho đất nước
với mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực,
tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mục tiêu phấn đấu đến
năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng
hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước
đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến
năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa tuân thủ
các quy luật, nguyên tắc của thị trường trong môi trường cạnh tranh lành
mạnh, vừa có sự điều tiết, quản lý của Nhà nước; tạo ra các động lực và
mũi nhọn tăng trưởng cao; xử lý các thất bại của thị trường để bảo đảm
quyền con người trong lao động, việc làm bền vững, gắn với tiến bộ và
công bằng xã hội.
Việt
Nam đã hình thành và ngày càng phát triển các loại hình kinh tế đa
dạng, phân chia theo các khu vực: Kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân/hộ
gia đình và kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); kinh tế
chính thức với việc làm có quan hệ lao động và không chính thức, tự làm
không có quan hệ lao động; kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ..., và như
vậy, vẫn có nhiều phân khúc TTLĐ. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động sẽ
tiếp tục theo hướng chuyển mạnh sang lao động sản xuất hàng hóa, khu vực
kinh tế chính thức, FDI và một bộ phận lao động vào làm việc trong nền
kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... Việt Nam cũng là nước có độ mở
ngày càng lớn của kinh tế thị trường trong quá trình hội nhập, tham gia
vào chuỗi giá trị toàn cầu và phân công lao động quốc tế. Với
thành tựu khoa học và công nghệ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ
tư đem lại, Việt Nam đang có bước chuyển sang thời kỳ số hóa nền kinh tế
và quản lý, quản trị xã hội là yếu tố rất quan trọng để hình thành và
phát triển các ngành kinh tế đa dạng theo xu hướng chung của kinh tế thế
giới.
Đội tuyển Việt Nam dự thi và giành Huy chương Vàng tại Cuộc thi Kỹ
năng nghề cơ điện tử online châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức theo
hình thức trực tuyến gồm Việt Nam và các quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc,
Indonesia, Singapore, Malaysia. (Ảnh: TTXVN)
Để
phát triển TTLĐ Việt Nam hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế, Nghị
quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII định hướng tiếp tục hoàn thiện cơ
chế, chính sách để phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động cả
về quy mô, chất lượng lao động và cơ cấu ngành, nghề. Đại hội XIII của
Đảng chủ trương phát triển thị trường lao động, hướng đến việc làm bền
vững. Quán triệt chủ trương, định hướng này, Chính phủ có Quyết định số
176/QĐ-TTg ngày 5/2/2021, về việc Ban hành Chương trình hỗ trợ phát
triển thị trường lao động đến năm 2030 theo hướng tiếp cận chuẩn mực
nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế với mục tiêu
chung và quan điểm định hướng như sau:
Về mục tiêu chung:
Tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu
tố TTLĐ, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực
để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động
theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối TTLĐ trong nước với TTLĐ của các
nước trong khu vực và trên thế giới.
Về quan điểm định hướng:
Một là,
phát triển TTLĐ toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả, phù
hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương làm cơ sở, động lực phát
triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hai là,
Nhà nước giữ vai trò kiến tạo và hỗ trợ phát triển TTLĐ thông qua việc
hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ chế chính sách, hệ thống
văn bản quy phạm pháp luật về phát triển TTLĐ, đẩy mạnh cải cách thủ tục
hành chính để hạn chế những rủi ro liên quan đến quyền lợi của người
lao động trong bối cảnh diễn ra cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ba là, chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động trong nước gắn với TTLĐ quốc tế.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Để thực hiện mục tiêu, định hướng trên, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả và quyết liệt các giải pháp:
Một là,
tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất
để TTLĐ phát triển theo hướng hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế.
Hoàn
thiện chính sách theo hướng giải phóng triệt để sức sản xuất và sức lao
động, phát huy cao nhất đóng góp của người lao động có kỹ năng cho tăng
trưởng, phát triển kinh tế, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập
cao. Đặc biệt là tự do hóa mạnh hơn nữa để lao động, nhất là lao động
có kỹ năng được tự do lựa chọn việc làm, tự do di chuyển trên TTLĐ,
không bị rào cản bởi khu vực kinh tế, địa giới hành chính và nơi cư trú.
Tiếp tục nội
luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều
kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn lao động quốc tế (các công ước của Tổ
chức Lao động quốc tế (ILO), các FTA thế hệ mới) mà Việt Nam cam kết và
phê chuẩn.
Có
chính sách khuyến khích hình thành và phát triển nhanh TTLĐ trình độ
cao (lao động có kỹ năng trình độ cao, lao động lành nghề), tạo môi
trường cho lao động chất lượng cao tự do di chuyển giữa các ngành, vùng
và lĩnh vực nhằm thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và lao động
theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế tri thức, tham gia tích cực vào
chuỗi giá trị toàn cầu và phân công lao động quốc tế.
Hoàn
thiện thể chế về cơ chế hai bên, cơ chế ba bên trong quan hệ lao động;
cơ chế đối thoại, thương lượng và thỏa thuận về quan hệ lao động, cơ chế
giải quyết tranh chấp lao động và đình công theo đúng nguyên tắc thị
trường và có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước. Thể chế hóa chủ trương
của Đảng về xây dựng quan hệ lao động mới hài hòa, ổn định và tiến bộ
trên tinh thần hợp tác, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, người
lao động, Nhà nước.
Hai là, trên
cơ sở cầu lao động trên TTLĐ hiện đại, đầy đủ và hội nhập, cần tập
trung phát triển cung lao động thông qua đổi mới đào tạo, giáo dục nghề
nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, chuyển mạnh từ trang bị kiến thức (lý
thuyết) sang phát triển kỹ năng nghề đạt tiêu chuẩn Việt Nam, từng bước
đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế cho người lao động, nhất là cho lao
động trẻ; phát triển đào tạo, giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của
TTLĐ, tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và
doanh nghiệp với các mô hình đa dạng, hiệu quả; chú trọng đào tạo các
kỹ năng mềm (ngoại ngữ, công nghệ thông tin, năng lực sáng tạo, kỹ năng
làm việc nhóm và trong môi trường đa văn hóa...).
Ba là, phát
triển lưới an sinh và bảo hiểm trên cơ sở quán triệt, cụ thể hóa và
thực hiện hiệu quả Kết luận số 92-KL/TW ngày 5/11/2020 của Bộ Chính
trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về
"một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”; Nghị quyết Hội
nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội,
hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân. Tăng cường
sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội cũng như tính
linh hoạt, liên thông của các chính sách cho người lao động khi tham gia
TTLĐ, nhất là lao động trong kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, khu
vực phi chính thức, nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ.
Bốn là,
đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng của TTLĐ (hệ thống dự báo
cung - cầu lao động, cơ sở dữ liệu lớn TTLĐ, thông tin TTLĐ và dịch vụ
việc làm) hiện đại, áp dụng công nghệ cao. Hệ thống này cần được phát
triển rộng khắp trên cả nước, được chuyển đổi số để kết nối, liên thông
TTLĐ trong nước và kết nối với TTLĐ quốc tế.
Năm là,
nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức, vận hành, hỗ trợ phát triển TTLĐ
của Nhà nước. Trong đó, Nhà nước thiết lập hành lang pháp lý cho TTLĐ
phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiếp cận
chuẩn mực quốc tế; hỗ trợ TTLĐ phát triển (đầu tư hạ tầng dịch vụ TTLĐ,
chuyển đổi số, phát triển lưới an sinh xã hội và bảo hiểm, kết nối TTLĐ
trong và ngoài nước, phát triển phân khúc TTLĐ đặc thù, như TTLĐ trình
độ cao và TTLĐ trong kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ,...); đổi mới và
nâng cao hiệu quả thanh tra TTLĐ; phản ứng chính sách kịp thời để xử lý
những tác động không mong muốn trong hội nhập và tham gia TTLĐ quốc
tế...
Sáu là,
tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tổ chức quốc tế như ILO,
Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Ngân hàng Thế giới (WB),... và các
nước phát triển, các nước ASEAN để học tập, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ
kỹ thuật và tài chính cho xây dựng chính sách và tổ chức vận hành, quản
trị hiệu quả TTLĐ./.
TS. Nguyễn Hữu Dũng
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
____________________
(1)
Như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã,
Luật Thuế, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Phá sản...
(Nguồn: TC Cộng sản)